Nguyên nhân gây ngập úng

Trước hết, xét về nguyên nhân gây úng ngập trên địa bàn thành phố Vinh trong thời gian qua là do các yếu tố sau:

Thứ nhất, lượng mưa trung bình nhiều năm tại Vinh là 2043 mm. Tổng lượng trong 5 tháng mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 11) tại Vinh chiếm 74%, còn lại là mùa khô. Tần suất lượng mưa ngày lớn nhất thời kỳ 1960 -2015 tại Vinh XP1% là 599,7mm. Do biến đổi khí hậu, tuy lượng mưa năm ít biến đổi nhưng cường độ mưa ngày có xu hướng tăng cao từ 12 - 19% làm cho đỉnh lũ xuất hiện cao hơn, cộng hưởng với biến đổi khí hậu nước biển dâng án ngự các cửa tiêu tự chảy ra sông, ra biển.

Thứ hai, kênh tiêu Bắc thành phố Vinh theo quy hoạch đã được phê duyệt, song chưa được thực hiện và kết cấu hạ tầng tiêu úng không còn phù hợp.

Thứ ba, do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa. Theo tính toán sơ bộ thì diện tích đô thị hóa và công nghiệp hóa tăng 15% thì lưu lượng cần tiêu tăng lên gấp đôi. Vì vậy các công trình tiêu úng trước đây đến nay đều không thể đáp ứng được. Mặc khác, việc đấu nối hệ thống tiêu thoát nước các khu dân cư, nhà cao tầng xây dựng mới không được quan tâm kiểm tra nên có hiện tượng làm tùy tiện gây ách tắc dòng chảy.

Thứ tư, trên các trục tiêu chính thì các cầu, cống trên các tuyến đường mới xây dựng cắt qua làm thu hẹp tiết diện, hệ thống các kênh nhánh tiết diện hẹp so với yêu cầu. Hệ thống kênh tiêu các cấp bị bồi lấp do bèo rác, rửa xe các loại.v.v… Chính vì vậy mà trạm bơm tiêu phía Nam thành phố nhiều năm chỉ bơm được 4/6 máy vì trạm bơm phải chờ nước đến.

Thứ năm, việc lấn chiếm hành lang thoát lũ đã gây ra lũ nhân tạo. Phía Nam cầu Cấm đã và đang xây dựng nhiều loại công trình, đây là trục tiêu úng chủ lực trong vùng nhưng bị thu hẹp tiết diện. Theo quan sát, sau tạnh mưa 3 ngày, nhiều vùng trong thành phố Vinh và Nghi Lộc vẫn bị ngập nặng. Chỉ khoảng 300m trên sông Cấm ở phía nam cầu Cấm chênh lệch mực nước đến khoảng 0,4m.

song-cam-phia-bo-nam-cau-cam-dang-bi-lan-chiem-hanh-lang-thoat-lu.jpg
Sông Cấm (phía bờ Nam cầu Cấm) đang bị lấn chiếm hành lang thoát lũ

Thứ sáu, công tác quản lý chưa tốt, chưa chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng chống bão, lụt.

Một số giải pháp

Từ một số nguyên nhân gây ra úng ngập trên địa bàn thành phố Vinh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trên cơ sở thực tiễn địa bàn và căn cứ khoa học, tác giả xin đề xuất một số giải pháp để giải quyết tiêu úng thành phố Vinh như sau:

1. Tranh thủ tiêu tự chảy đến mức tối đa, phương châm tiêu úng là “chôn, rải, tháo”. Trong đó “chôn” nước thì thực tế trên địa bàn thành phố nhiều hồ bị bồi lấp, lấn chiếm, vì vậy hiện nay cần triệt để thực hiện “tháo” nước, tranh thủ tiêu tự chảy đến mức tối đa. Do vấn đề tiêu úng thành phố phải là một hạng mục trong tổng thể tiêu úng vùng Nam - Hưng - Nghi. Trong tình huống nước lũ sông Lam dâng cao thì toàn bộ các cửa tiêu tự chảy của thành phố đều ách tắc, chỉ còn lại duy nhất trục tiêu tự chảy là sông Gai đổ ra sông Cấm đến cống Nghi Quang ra biển. Vì vậy, cần được đánh giá tình hình lấn chiếm hành lang thoát lũ sông Cấm ở phía Nam cầu Cấm để có giải pháp.

2. Rà soát, đánh giá khẩu diện cống, tiết diện kênh tiêu (trục chính, trục nhánh) do xây dựng lâu năm không còn phù hợp, để có kế hoạch tu sửa, nâng cấp. Nội dung này hiện đang được thành phố thực hiện có hiệu quả.

3. Chấn chỉnh công tác cấp phép xây dựng, hồ sơ thiết kế buộc phải có hệ thống tiêu nước được đấu nối phù hợp theo quy hoạch.

4. Chấn chỉnh công tác quản lý, phân công, phân cấp theo địa bàn phường, xã.

5. Cấp có thẩm quyền xem xét cho triển khai lập dự án đầu tư xây dựng kênh chính Bắc theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Nguyễn Quang Hòa

Nguyên Chi chục trưởng Chi cục Thủy Lợi

Nay Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An.