Thế là Dượng tôi, chồng O tôi, (Uỷ viên Trung ương Đại hội III, IV, V cuối cùng thuộc thế hệ cách mạng tiền bối) đã về với thế giới người hiền sau 107 năm kiên trì trên dương thế và 85 năm tuổi Đảng.
Trong các cháu của O Dượng tôi thì tôi có may mắn được nhiều dịp tiếp xúc với Ông. Hồi tôi là sinh viên, cuối tuần thường về nhà O Dượng ở Nguyễn Gia Thiều để được ăn no và ăn ngon, rồi nhiều lần tôi ngồi viết tiểu luận văn học, Dượng tôi thường nói tôi đọc Dượng nghe. Có lần tôi viết về hình tượng người phụ nữ trong văn học thế kỷ 18, Dượng tôi lại bảo tôi đọc cho Dượng nghe. Xong Dượng nói: “Cháu viết tốt đó nhưng cháu nên nhấn mạnh chỗ nào là ý phát hiện của cháu, thì viết sâu thêm”. Rồi Dượng cầm lên coi, nói từ Nghệ Tĩnh luôn: "Thằng ni trự tốt đây” (chữ đẹp). Có hôm Dượng hỏi tôi nhiều chuyện rồi Dượng nhìn tôi, nói: “Tau thích mi lắm”. Sau đó Dượng đi công tác Nghệ An, ghé về Thanh Chương cả bên nội Thanh Lâm và bên ngoại Thanh Văn. Sau này tôi về hè, nghe bác gái tôi nói: “Mi viết cấy bài chi mà Dượng Côn rành khen mi tê”. Có lần mẹ tôi ra Hà Nội đến thăm O Dượng, tôi cũng ở đó. Dượng nói: “Thằng ni trự tốt chị ạ”. Mẹ tôi nói: “Chơ mà hần mòn Dượng hậy”. Dượng nói: “Chơ mà hần ăn được, chị ạ”. Dượng đâu biết là cả tuần ở trường ăn đói, về nhà O Dượng, tranh thủ ních thật no để “bồi dưỡng”.
Tháng Hai năm 1979, Dượng tôi được cử sang Căm Pu Chia làm trưởng Đoàn chuyên gia Kinh tế Văn hóa Việt Nam giúp bạn xây dựng lại đất nước từ đầu và ông đã ở đó hơn 5 năm. Căm pu chia từ đống tro tàn của nạn diệt chủng đã hồi sinh và hội nhập lại với xã hội loài người, có phần đóng góp thầm lặng không nhỏ của ông mà gần đây truyền thông mới công khai. Có lần tôi đọc BBC, có bài phân tích, họ nói, nhà lãnh đạo Nguyễn Côn bỗng nhiên biến mất, người ta không thấy ông xuất hiện nữa. Thật ra ông đang lãnh đạo cả một bộ máy chuyên gia giúp nước bạn tái thiết đất nước từ con số không.
Cuối năm 80, tôi tốt nghiệp Đại học và về Khoa Tiếng Việt làm giáo viên tiếng Việt, thuộc biên chế CK để chuẩn bị đi K (Căm Pu Chia). Giữa năm 82 tôi được điều đi Căm Pu Chia dạy tiếng Việt. Đoàn giáo viên gần 20 người của chúng tôi sinh hoạt tại Đoàn chuyên gia Đại học thuộc A40 (Đoàn chuyên gia Kinh tế Văn hóa) mà Dượng tôi là Trưởng Đoàn. Hồi ấy nhà của đoàn tôi cách nhà ăn khoảng 800 mét và nhà ăn cách nhà Dượng tôi khoảng 100 mét. Dọc đường đi ăn của chúng tôi cho đến ngã ba gần sân vận động A40, cây gai dây leo, cỏ tranh mọc rậm rạp, buổi tối đi qua rất sợ. Nhiều lần đề nghị nhưng bên Cục quản trị chưa giúp. Một hôm tôi nói với anh Tùng, để em thử phàn nàn với ông Côn. Tôi sang kể với Ông, Dượng tôi cầm điện thoại gọi cho chú Phán, Cục phó Cục quản trị: “Đoạn đường từ đoàn Đại học đi ra hai bên cây cối lau lách mọc ra nhiều, Phán cho dọn đi giúp anh em”. Thế là ngay lập tức sáng hôm sau, chú Phán điều ngay xe ủi đến dọn dẹp quang đãng cả quãng đường hơn 200 mét. Chú Mạnh Trưởng đoàn tôi nói: “Thế này mà không biết nhờ thằng Nam nói với ông Côn sớm hơn.”
Sau đó Đoàn chúng tôi chuyển sang nhà mới rộng hơn, vốn là bệnh xá 284 của Đoàn Chuyên gia, đã chuyển vào phía trong gần khu nhà ăn. Hồi đó Dượng tôi bảo tôi và hai bạn tôi là anh Tùng và chị Thu Hương thỉnh thoảng sang nói chuyện cùng. Ông thích tìm hiểu tâm tư nguyện vọng lớp trẻ, thích hỏi các câu chuyện về văn chương. Ông thực sự là người có vốn văn hóa sâu rộng và ham hiểu biết. Có hôm ông nhắn là ông sẽ sang thăm nhà mới của đoàn chúng tôi, quãng cuối năm 83. Ông hỏi chuyện mọi người trong đoàn, động viên mọi người, rồi hỏi: “Ra đây có đỡ hơn trong kia không?”. Lúc đó anh Hà Vinh, tổ trưởng, lẩy một câu Kiều:
“Thưa rằng lượng cả bao dung
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”.
Thế là cả chủ cả khách đều cười vang. Sau đó Dượng tôi về nhưng rủ tôi lên xe đi dạo một vòng qua bờ sông Tonle Sap chỗ Hoàng Cung. Ngồi sau xe với Dượng tôi, Dượng tôi không nói chuyện mấy mà cứ ngân nga mấy câu Kiều :
“Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường…”
Khi về đến nhà, thì Dượng nói với tôi: “Dượng đi làm nhiệm vụ Cách mạng thế này, là nhiệm vụ, mình đi làm cách mạng nhưng không phải không có lúc suy nghĩ. Nghĩ thương O, Dượng thì ở đây, Hoàng đi NCS quân đội bên Tây, Sơn thì xuất ngũ rồi đi học bên Liên Xô, Nam thì ít ở nhà (Hoàng, Nam, Sơn là tên 3 người con của O Dượng tôi). Không biết khi mô cả nhà sum họp. Nói rồi Dượng trầm ngâm”. Tôi nghĩ rằng, đó là những phút giây rất người, rất đời của Dượng tôi. Tôi nhớ, Dượng tôi lại một lần nữa nói: “Tau thích mi lắm”. Có lẽ tôi là một trong những đứa cháu bên vợ ông mà ông chia sẻ nhiều nhất vì tôi có may mắn được tiếp xúc nhiều với ông.
Tôi nhớ có lần ông nói: “Mi chịu khó học tiếng Khmer cho giỏi đi rồi thích thì tau nói với ông Thạch cho mi sang Bộ Ngoại giao” (ông Nguyễn Cơ Thạch). Tôi nói, “Cháu chỉ thích đi dạy ri thôi Dượng ạ”.
Năm 83 thì Dượng Châu, người Đô Lương, là anh cọc chèo của Dượng Côn cũng sang Căm Pu Chia làm trưởng đoàn chuyên gia Quốc hội. Thế là tôi có hai Dượng, chồng 2 O ruột tôi làm cố vấn cho 3 ông lớn Căm Pu Chia nên tôi ở bên ấy lâu cũng vẫn có không khí gia đình.
Sau này, khi về Hà Nội, Dượng Côn nhiều lần gọi tôi đến bảo làm thư ký giúp Dượng, vì đôi khi cuối tuần, chú thư ký thường về quê. Tôi nhớ có lần Dượng tôi viết một bản góp ý về chính sách kinh tế gửi Tổng Bí thư và Bộ Chính trị, thời ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư. Ông Nguyễn Văn Linh cũng là chỗ quen thân với Dượng tôi vì ông Linh là em kết nghĩa chị ruột của Dượng tôi khi ông hoạt động ở Vinh những năm 36 - 39. Đợt đó Dượng tôi cứ đi lại trong phòng đọc như đọc chính tả, còn tôi thì chép liên tục. Có lẽ phải gần hai ngày. Dượng tôi lại khen tôi: “Mi trự tốt. Sau ni tau viết Hồi ký thì mi viết cho tau nha”. Nhưng rồi việc viết Hồi ký đã không thực hiện được vì sau khi ở Căm Pu Chia về vào cuối năm 90, tôi loanh quanh một dạo rồi lại đi Nhật mấy năm. Sau này về thì có vợ con bìu ríu, cũng không đến thăm O Dượng luôn được.
Nhớ có lần tôi đưa vợ và con trai thứ hai của tôi khoảng 4 tuổi đến thăm O Dượng. Dượng tôi chỉ vào con trai thứ hai và nói: “Thằng ni tướng được, mắt sáng, mụi thẳng, có tương lai. Chịu khó mà chăm i hấn”. Sau này, cu cậu thỉnh thoảng vẫn tự hào nhắc: Ông Côn bảo con “mắt sáng, mũi thẳng, có tương lai đấy”. Sáng hôm kia, vợ tôi gọi qua Mỹ, báo cho cháu là ông Côn mất, cháu nói: “Ôi, thế mẹ nói hộ với bà, cho con gửi lời chia buồn với bà”.
Ở ông có hai điều làm tôi thấy cực kỳ ấn tượng: một là sự kiên trì tập thể dục, ông có thể chạy trong nhà hàng tiếng đồng hồ. Khi ông nghỉ hưu, ông cũng nhiều lần rủ tôi đi bộ với ông vòng quanh công viên Thống nhất. Hai là khả năng tự học, ham hiểu biết. Ông hay đọc và hay mời các nhân sĩ đến nhà trao đổi, ví dụ ông thường mời BS. Nguyễn Khắc Viện đến chơi nói chuyện. Có hôm ông bảo tôi đi mời GS Trần Đình Hượu đến nhà chơi. Tôi đạp xe đến nhà thầy Hượu ở gần Thanh Nhàn chuyển lời mời của ông Côn, thầy Hượu cười và nói cũng ngại nhưng anh cứ về nói với ông rồi tôi sẽ thu xếp. Hồi đó là sinh viên năm cuối, tôi về ở hẳn nhà O tôi để làm khóa luận. Một tối, quãng 8 giờ, tôi ra phố về đi qua phòng khách tầng 1 thì thấy GS Nguyễn Tài Cẩn là thầy tôi cùng GS Trần Đình Hượu (hai GS người Thanh Chương) đang ngồi nói chuyện với Dượng tôi. Thì ra, sau đó, thầy Hượu đã nói chuyện với thầy Cẩn và cả hai thầy cùng đến. Theo cách gọi họ hàng thì thầy Cẩn cũng gọi O Dượng tôi là O Dượng.
Có một lần khi Dượng tôi làm Bộ trưởng Bộ Cơ khí luyện kim, đi công tác và bị tai nạn ở Huế, gãy xương sườn, phải vào điều trị ở bệnh viện 108, tôi còn là sinh viên, vào viện thăm Dượng tôi. Hôm đó nhà thơ Xuân Diệu cũng vào thăm Ông. Tôi được nghe hai người nói chuyện rất lâu. Tôi nhớ Dượng tôi hỏi: "Muốn hỏi anh tại sao trường hợp Trần Đăng Khoa hồi nhỏ tài năng thế mà lớn lên không thấy có thơ hay?" Nhà thơ Xuân Diệu trả lời: "Dạ thưa anh, khả năng làm thơ nó cũng như các vỉa than, có vỉa nhiều vỉa ít. Khi mà khai thác hết thì đành chịu thôi". Khi đó tôi tốc kí cuộc nói chuyện này vào mấy chỗ trống trên tờ báo Nhân dân trong phòng. Mấy hôm sau, tôi vào Dượng tôi hỏi: "Cháu hôm trước ghi ý ông Xuân Diệu nói vô tờ báo à?". Tôi nói: "Dạ". Dượng tôi có vẻ rất thích thú việc đó. Về sau, khi Nhà thơ Xuân Diệu đã mất, một hôm Dượng tôi nói chuyện với tôi về Xuân Diệu, không hiểu sao tôi nhớ ra và nói với Dượng tôi là Xuân Diệu có người em kết nghĩa là anh Hữu Nhuận, khi đó làm thư kí toà soạn báo Văn nghệ (sau làm Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ), thế là Dượng tôi bảo tôi liên lạc và tôi hỏi ra địa chỉ, ở ngay bên phố Quang Trung. Thế là 2 Dượng cháu đi bộ đến nhà anh Hữu Nhuận. Anh Hữu Nhuận rất cảm động, kể rất nhiều chuyện cho Dượng tôi. Khi về, Dượng tôi nói: "Tôi rất nhớ anh Xuân Diệu".
Khi đã ngoài 90 tuổi, Dượng tôi run tay nhưng vẫn luyện tập bằng cách tập viết chữ hàng trang.
Mấy năm trước, khi Dượng tôi đã yếu lắm, nằm trong Bệnh viện 108, nhiều khi không nhận ra con cháu. Vậy mà tôi vào, ghé xuống chào Dượng tôi thì mắt ông sáng lên mặt tươi hẳn và nói phều phào; “Nam Thân”, Cha tôi tên là Thân và mọi người trong họ hàng tôi vẫn gọi tôi là Nam Thân để phân biệt với Nam Côn (con O Dượng tôi). Khi đó mấy đứa cháu nội kêu lên, “Trời ơi, ông nhận ra bác mà ông chả chịu nhận ra bọn cháu gì cả”. Có lẽ khoảnh khắc đó, trong tiềm thức của ông, hình ảnh những ngày ở Căm Pu Chia hay những buổi trò chuyện quý báu mà ông từng dành cho tôi, bỗng chốc bừng dậy trong ông.
Vĩnh biệt Dượng, NGƯỜI LÃNH ĐẠO CUỐI CÙNG CỦA THẾ HỆ HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TỪ NHỮNG NĂM 30, Người từng ngâm nga cho tôi nghe mấy câu Kiều “Người về chiếc bóng năm canh/Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi…” trong một chiều muộn của Hoàng hôn sông Tonle Sap Căm Pu Chia.
Con xin Dượng an nghỉ ạ.
Nguyễn Thiện Nam