Nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất, đất ở
Thiếu đất ở, đất sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lâu nay đã trở thành vấn đề xã hội bức xúc. Nêu thực tế ở địa phương, ông Lữ Văn Cương - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ (Quế Phong) cho biết: Hiện ở 5 bản dọc biên giới (gồm Huồi Mới, Nậm Tột, Huồi Xái, Mường Lống, Pà Khốm) có 53 hộ đồng bào Mông hồi cư từ Lào về năm 2009 đang thiếu đất sản xuất. Do thiếu sinh kế và thu nhập, nên hầu hết các hộ này đều rơi vào diện nghèo và cận nghèo. Trong đó, rất nhiều người trong độ tuổi lao động phải đi du canh tại các tỉnh Kon Tum, Đồng Nai, Bình Phước… Tại địa phương chỉ có người già và trẻ nhỏ, gây ra nhiều vấn đề xã hội, nhất là chăm lo nuôi dưỡng, giáo dục trẻ nhỏ, xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Cùng ở huyện Quế Phong, tình trạng thiếu đất sản xuất cũng đang xảy ra tại xã Nậm Giải. Ông Lô Minh Tường - Chủ tịch UBND xã Nậm Giải cho rằng: Đất đai là tư liệu sản xuất, là sinh kế đặc biệt quan trọng đối với đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số khi chưa có các nguồn thu nhập khác từ ngành nghề, dịch vụ. Tuy nhiên, do nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, nên đất rẫy, đất ruộng quá ít. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập của người dân. Những hộ thiếu đất sản xuất lại rơi vào hộ nghèo, cận nghèo.
Ngoài các xã Tri Lễ và Nậm Giải, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất đang diễn ra ở nhiều địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số. Như tại huyện Tương Dương, theo ông Nguyễn Hữu Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện: Đến thời điểm tháng 8/2024, qua khảo sát sơ bộ, toàn huyện đang có khoảng 3.700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo thiếu đất ở và khoảng 1.650 hộ không có đất ở. Về đất sản xuất, toàn huyện có khoảng 6.700 hộ còn thiếu đất và khoảng 3.200 hộ chưa có đất nông nghiệp.
Tương tự, tại huyện Quỳ Hợp, số hộ thiếu đất ở là 736 và 24 hộ; 1.809 hộ thiếu đất sản xuất và 206 hộ chưa có đất sản xuất. Tại huyện Quỳ Châu có 1.711 hộ thiếu đất ở và 266 hộ không có đất sản xuất. Huyện Quế Phong có 255 hộ thiếu đất ở và 530 hộ thiếu đất sản xuất…
Theo tổng hợp từ Sở Tài nguyên và Môi trường, tại 9 địa phương gồm Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thanh Chương và thị xã Thái Hòa, hiện có khoảng 2.427 hộ đồng bào chưa có đất ở hoặc thiếu đất ở và có khoảng 15.453 hộ thiếu đất sản xuất hoặc không có đất sản xuất.
Vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất đã dẫn đến tình trạng du canh, du cư, kéo theo nghèo đói, lạc hậu, các vấn đề xã hội, an ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ưu tiên giải quyết chính sách đất đai
Vấn đề đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm với việc đề ra nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm cải thiện đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang song hành triển khai hai dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gồm dự án 1 về “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” và dự án 2 về “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết”. Đây cũng là cơ sở để giải quyết dần những bức xúc về thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất đang đặt ra trong thực tiễn. Trong năm 2024, có 86 hộ được phê duyệt hỗ trợ nhà ở (trong đó, có 45 căn nhà đã hoàn thành, 30 căn đang xây dựng và 11 căn chuẩn bị khởi công) và 725 hộ dân thuộc 4 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế phong, được hỗ trợ đất sản xuất; đồng thời triển khai đầu tư xây dựng 4 dự án định canh, định cư với quy mô bố trí tái định cư đối với 298 hộ tại 3 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Luật Đất đai năm 2024 quy định: “UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách của địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện”; UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng dự thảo nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Nghệ An để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
Trên cơ sở dự thảo nghị quyết được Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tiến hành thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 25 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 12/2024. Vấn đề được Ban Dân tộc HĐND tỉnh quan tâm là trong điều kiện quỹ đất ở các huyện miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hạn hẹp, thì về nguyên tắc hỗ trợ cần xác định rõ thứ tự ưu tiên giải quyết giao đất lần đầu trước; đồng thời cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với đối tượng được giao đất ở, đất sản xuất, tránh chuyển nhượng sau khi được giao đất. Mặt khác cần đảm bảo chặt chẽ các nội dung quy định trong dự thảo nghị quyết, đúng đối tượng, giải quyết những bức xúc, khó khăn về đất đai đang đặt ra tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xác định hạn mức hỗ trợ đất sinh hoạt cộng đồng, bên cạnh đáp ứng đủ nhu cầu thì cũng cần phù hợp với điều kiện cụ thể vùng miền núi khó khăn về diện tích đất bằng...
Chính sách có 4 nhóm hỗ trợ:
Nhóm hỗ trợ đất sinh hoạt cộng đồng với diện tích tối thiểu 100m2/thôn đối với đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất sinh hoạt cộng đồng.
Nhóm hỗ trợ đất ở, được hỗ trợ đất đai lần đầu hoặc được chuyển mục đích sử dụng từ loại đất khác sang đất ở trong hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND tỉnh và được miễn tiền sử dụng đất cho các cá nhân chưa có nhà ở, đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở, nhà ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; trường hợp đã được hỗ trợ đất đai lần đầu, nay không còn đất ở hoặc thiếu đất ở so với hạn mức thì được giao thêm đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng từ loại đất khác sang đất ở trong hạn mức giao đất của UBND tỉnh, được miễn tiền sử dụng đất.
Nhóm hỗ trợ giao đất nông nghiệp, gồm cá nhân không có đất nông nghiệp, được hỗ trợ giao đất nông nghiệp lần đầu trong hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của UBND tỉnh không thu tiền sử dụng đất; trường hợp đã được giao đất nông nghiệp lần đầu nhưng nay không còn hoặc thiếu đất nông nghiệp thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của UBND tỉnh.
Nhóm hỗ trợ thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở cho cá nhân để sản xuất, kinh doanh và được giảm 50% tiền thuê đất.