Thực hiện kế hoạch giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023, sáng 4/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có cuộc làm việc với Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh.
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn. Tham dự cuộc giám sát có các đồng chí: Võ Thị Minh Sinh- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; Trần Nhật Minh - Đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Đại diện 2 đơn vị có đại tá Trần Ngọc Tuấn- Phó Giám đốc Công an tỉnh, Vương Đình Nhuận- Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cùng các phòng, ban. Cùng tham dự có đại diện Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan.
Xử lý 810 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông
Tại cuộc giám sát, đại diện Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh đã báo cáo kết quả liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, trong giai đoạn từ năm 2009 đến hết năm 2023, nhiều sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương đã phối hợp tốt với Sở GTVT trong việc triển khai các nội dung, giải pháp về đảm bảo TTATGT, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng công trình giao thông…
Hệ thống giao thông đường bộ được quan tâm đầu tư; nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng, nâng cấp, mở rộng như QL 1, QL 48, QL 7, QL 46, QL 15, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông,… cơ bản kết nối liên hoàn, thông suốt, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Việc xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông được chú trọng xử lý và mang lại hiệu quả kiềm chế và phòng ngừa tai nạn giao thông. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT được thực hiện có hiệu quả.
Báo cáo của Công an tỉnh cho thấy, giai đoạn 2009 đến hết năm 2023, đã thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng cụ thể. Đã tổ chức 3.789 buổi tuyên truyền tại các cơ quan, tổ chức, trường học trên địa bàn với gần 1.485.992 lượt người tham gia.
Đã chủ động nắm sát tình hình thực tiễn địa bàn, chủ động bố trí tối đa lực lượng tổ chức tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT, đặc biệt là các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây TNGT. Kết quả, đã tổ chức 638.932 ca với 2.057.699 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia, phát hiện lập biên bản 1.436.476 trường hợp, trong đó: Nồng độ cồn 62.792 trường hợp; Quá tải 29.105 trường hợp; Quá khổ 18.211 trường hợp; Tốc độ 114.607 trường hợp. Xử lý 1.344.638 trường hợp, thu nộp kho bạc nhà nước 832.689.209.475 đồng.
Thông qua công tác rà soát, điều tra cơ bản và công tác tuần tra kiểm soát đã kịp thời phát hiện, ghi nhận các vấn đề bất cập về hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông, qua đó đã kiến nghị, xử lý được 810 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và điểm bất cập về tổ chức giao thông trên địa bàn. Do đó TNGT trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 5- 10% trên cả 3 tiêu chí theo từng năm.
Đa dạng công tác tuyên truyền, góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho người dân
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh đã kiến nghị, sớm thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để điều chỉnh chuyên sâu và tạo hành lang pháp lý đủ mạnh về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, công tác đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực…
Sở Giao thông vận tải còn kiến nghị, tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực giao thông vận tải, thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài nước phát triển giao thông…
Tại buổi làm việc, trên cơ sở báo cáo, kiến nghị của Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan đã nêu nhiều ý kiến; các thành viên đoàn giám sát cũng đã đề nghị làm rõ một số vấn đề.
Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đơn vị, trong đó có Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh trong việc triển khai các nội dung, giải pháp thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian qua đã góp phần rất lớn trong công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đồng thời đề nghị làm rõ và có giải pháp đối với một số vấn đề, như: Việc tái lấn chiếm hành lang giao thông sau các đợt giải tỏa, công tác tổ chức giao thông trên địa bàn nhất là đối với các tuyến đường được xây dựng mới, đấu nối vào hệ thống; thống kê, xóa bỏ điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông...
Đồng chí Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh, cũng như các sở, ngành, đơn vị liên quan cần đa dạng hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, độ tuổi, góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho người dân. Đối với các ý kiến của các thành viên đoàn giám sát, đề nghị, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện báo cáo, đảm bảo yêu cầu nội dung đoàn giám sát đề ra.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh, cũng như các sở, ngành, đơn vị liên quan, Đoàn giám sát ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp và chuyển cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Đặng Cường