Tháo gỡ “nút thắt”, khai thông “điểm nghẽn”

Đơn cử như phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An về công tác giao đất, giao rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã phản ánh thực trạng nhiều cán bộ trong lĩnh vực kiểm lâm, chuyên trách bảo vệ rừng xin chuyển công tác, xin thôi việc do áp lực công việc lớn, chế độ, chính sách không bảo đảm. Để giải quyết khó khăn trên, tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 7.7.2023 quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Cũng tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, sau chất vấn về công tác phòng chống đuối nước trẻ em, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 7.7.2023 quy định chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Sự kịp thời của chính sách là giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề đặt ra.

M%E1%BB%99t%20phi%C3%AAn%20gi%E1%BA%A3i%20tr%C3%ACnh%20c%E1%BB%A7a%20Th%C6%B0%E1%BB%9Dng%20tr%E1%BB%B1c%20H%C4%90ND%20t%E1%BB%89nh%20Ngh%E1%BB%87%20An.jpg
Một phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An

Với vị trí địa lý, đặc điểm sinh thái và bề dày truyền thống lịch sử cách mạng, Nghệ An rất có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua, du lịch của tỉnh chưa thực sự phát triển. Tại kỳ họp cuối năm vừa qua, HĐND tỉnh đã chất vấn về giải pháp phát triển du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn. Qua chất vấn cho thấy tỉnh mới chỉ có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng theo quy định tại Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 22.7.2020 của HĐND tỉnh. Từ chính sách ban đầu này, yêu cầu đặt ra là UBND tỉnh cần tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, trên cơ sở đó xây dựng chính sách mới về hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh bảo đảm toàn diện, đủ mạnh, xứng tầm.

Qua giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh còn cho thấy các chính sách quan trọng khác đã và đang thực hiện trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh như: chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… cũng cần có sự đánh giá, nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới phù hợp với thực tiễn, yêu cầu của sự phát triển, khắc phục những hạn chế, bất cập HĐND tỉnh đã chỉ ra. Thực hiện kết luận giám sát, hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng và sắp tới đây sẽ trình HĐND tỉnh thông qua những chính sách này.

Từ giám sát đến ban hành chính sách và chiều ngược lại giám sát để xem xét, đánh giá việc tham mưu xây dựng, thực thi chính sách cho thấy rõ hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của HĐND nói chung cũng như trong hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương nói riêng. Mỗi vấn đề giám sát được lựa chọn, ngoài bám sát nguyên tắc, tiêu chí theo quy định, hướng dẫn còn là sự trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm, bản lĩnh và thể hiện năng lực của cơ quan dân cử. Phương thức giám sát cũng luôn được cải tiến, đổi mới bảo đảm tinh, gọn, sâu. Chính sách được ban hành qua giám sát chính là xuất phát từ “hơi thở” cuộc sống và quay trở lại phục vụ cuộc sống. Chu trình khép kín này cũng có vai trò, ý nghĩa tháo gỡ “nút thắt”, khai thông “điểm nghẽn”, phát huy hiệu quả nguồn lực phục vụ cho phát triển, bảo đảm an sinh xã hội.

Lan tỏa tinh thần đổi mới từ nghị trường của Quốc hội

Bước sang năm 2024, yêu cầu, nhiệm vụ đối với hoạt động của HĐND tỉnh nói chung, hoạt động giám sát nói riêng cao hơn, có tính toàn diện, bao trùm hơn. Nội dung giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh đã được quyết nghị, đó là giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 13.12.2020 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đề ra nhiệm vụ, giải pháp góp phần thúc đẩy, hoàn thành đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Mặc dù Luật không quy định mang tính bắt buộc, tuy nhiên, lan tỏa tinh thần đổi mới, trách nhiệm từ nghị trường của Quốc hội, năm 2024, HĐND tỉnh cũng sẽ tiến hành chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên khác của UBND tỉnh và các chủ thể liên quan về các vấn đề đã chất vấn, đã hứa. Đây sẽ là sự tổng rà soát, đánh giá trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cơ quan chức năng, của người có thẩm quyền; đồng thời, là thước đo hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử.

Cùng với giám sát chuyên đề, giám sát tại kỳ họp của HĐND tỉnh, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh sẽ được tổ chức theo thẩm quyền, lĩnh vực được phân công, đặc biệt là chú trọng tái giám sát các nội dung đã giám sát nhưng chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đạt yêu cầu. Đổi mới căn cơ trong phương thức hoạt động là số hóa, hoàn thiện và vận hành phần mềm theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát; kết luận các phiên chất vấn, giải trình.

Phát huy kết quả đạt được, với tâm huyết, trách nhiệm, đại biểu, cơ quan dân cử Nghệ An sẽ luôn nghe rõ, nhìn thấu những vấn đề thực tiễn đặt ra, dư luận quan tâm, cử tri kiến nghị, để từ đó giám sát và đề ra những quyết sách đúng đắn, thúc đẩy phát triển.

Nguyễn Thị Anh Hoa

Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nghệ An