bac-truong-cong-anh-anhtieude.png

Khi chúng tôi bập bẹ làm công chức đã nghe người ta kể về ông với tất cả sự ngưỡng mộ. Từ một thầy giáo cấp 3 ở huyện Yên Thành về làm Tỉnh đoàn, giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Thanh, thiếu niên trường học. Rồi ông chuyển sang làm công tác tuyên giáo, lên làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Vinh, rồi cứ “từ từ mà tiến”, kinh qua các vị trí công tác: Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy,…

Thời đó, nhìn chung trình độ dân trí chưa cao, rất nhiều cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, họ là những “phao nổi” được cấp trên phát hiện, bồi dưỡng, điều động, đề bạt,… Nói đến người cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh – họ là những người có học, chịu gánh vác, hy sinh. Họ cũng: “Bo bo rồi lại bo bo/Bo cho chắc bụng mà bò theo trâu”, cũng: “Quần tivi, xe cố vấn”, nhưng được người dân rất nể trọng. Thời đó, cứ “cày sâu, cuốc bẫm”, “hữu xạ tự nhiên hương”, chưa có chuyện quy hoạch cán bộ bài bản, càng không có chuyện “xoay, chạy”, “nâng đỡ không trong sáng”, “thần tốc” như bây giờ!

Tôi may mắn được ông biết đến từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước, khi chúng tôi học Cử nhân Chính trị tập trung tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Ông là Thường vụ Tỉnh ủy ra học Chuyên đề tại Học viện. Ông có vóc dáng thư sinh, gầy nhưng nhanh nhẹn, ăn vận rất giản dị, nói năng dân dã nên rất dễ hiểu, dễ gần.

bac-truong-cong-anh-a1.png

Năm 2000, ông là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách huyện, đồng thời phụ trách việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2 – khóa VIII) ở huyện Thanh Chương. Liên tục 3 ngày 2 đêm, hội nghị diễn ra rất nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm. Ông có cách làm thật khoa học: Thông qua bản tự kiểm điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy, cho thảo luận rất dân chủ để “chốt”. Tập thể Thường trực Huyện ủy thông qua bản tự kiểm điểm, tổ chức thảo luận, góp ý, nêu hết ưu, khuyết điểm,… rồi “chốt” bản tự kiểm điểm.

Trước khi kiểm điểm từng cá nhân, ông phát biểu đại ý: Tập thể Thường trực có nhiều ưu điểm, đó như “miếng bánh ngọt ngào”, nhưng cũng còn nhiều khuyết điểm, đó là những “quả đắng”. Khi kiểm điểm cá nhân, phải làm rõ “cái ngọt ngào” ấy là phần của ai? “cái đắng đót” kia là phần của ai. Dứt khoát phải chia phần, phải chia hết, chia đúng, nhận đúng phần của mình! Chỉ xung quanh việc chỉ đạo kiểm điểm đã thấy được ông rất thẳng thắn, dám đối diện với sự thật, trách nhiệm với tổ chức, với đồng chí. Ông thận trọng với từng câu chữ, nội dung kết luận của từng tập thể, mỗi cá nhân. Cũng thông qua đó mới thấy được ông có vốn sống, kinh nghiệm thật đáng nể.

bac-truong-cong-anh-a3.png

Có chuyện kể lại rằng: Tại một phiên họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhiều ý kiến cho rằng, nên cấm hoạt động karaoke. Ông là Trưởng ban Tuyên giáo nên được Bí thư Tỉnh ủy chỉ định phát biểu. Ông hỏi: Các đồng chí đã ai đi hát karaoke chưa? Mọi người nhìn nhau, có nhiều tiếng cười. Bí thư hỏi: Anh đã đi chưa? Tôi đi nhiều rồi! Tôi khuyên các đồng chí cứ đi để biết rồi về bàn nên cấm hay không cấm?

Nhiệm kỳ 2000-2005, tôi được phân công làm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Chương. Mỗi khi có một chuyên đề hay nghị quyết mới, tôi thường tham mưu Huyện ủy mời ông về báo cáo. Mỗi lần ông lên báo cáo, anh em chúng tôi, nhất là cán bộ Ban Tuyên giáo không bỏ sót một buổi nào.

Bao giờ cũng thấy ông tự tin với nội dung. Cách đặt vấn đề rất cụ thể, dễ hiểu. Ông thường hướng dẫn cho chúng tôi: Cứ bám vào 3 nội dung chủ yếu mà nói: Vì sao có nghị quyết này? Nội dung chủ yếu của Nghị quyết là gì? Chúng ta làm gì để thực hiện Nghị quyết? Nói cho thẳng. Chốt cho đúng trọng tâm, trọng điểm. Người nghe cũng rất thú vị khi ông có nhiều câu chuyện vui, tếu táo, kể cả “tiếu lâm chính trị” phá tan những lý luận rắc rối, kể cả những cơn buồn ngủ. Ông báo cáo ở đâu thì người nghe chăm chú, tâm đắc. Cuối buổi, ông dành thời gian trao đổi, đối thoại với người nghe. Còn đối với chúng tôi thì đó là những “bài mẫu”, có thể “chế biến”, sử dụng được dăm ba tháng!

bac-truong-cong-anh-a2-1.png

Đó cũng là những năm tháng, cả huyện, cả tỉnh “sôi lên” với công tác tư tưởng. Chúng tôi xây dựng Đề án “Đổi mới công tác tư tưởng, khắc phục bảo thủ, trì trệ, trông chờ, ỷ lại, hẹp hòi, ngại khó,… thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp”. Ông đọc, rất đồng tình và dặn: Nên đi nhiều địa phương, đơn vị, nói thật mạnh chuyên đề này, ở ta còn nặng nề lắm!

Mỗi lần đi công tác, ông thường mang theo vợt bóng bàn, cầu lông. Giờ nghỉ là ông tìm chỗ giao lưu thể thao. Dù tuổi đã cao nhưng những đường bóng của ông khá sắc sảo. Ông chơi hết mình, cũng ăn thua, cũng “công kích” nhau vui vẻ. Cái hay của ông đã thể thao là “không khoảng cách”, không phân biệt chức vụ, tuổi tác, không thích “thể thao nịnh lãnh đạo”. Ông cũng có thể ghé làm mấy chén “rượu xếch” với anh cán bộ ngoài giờ, kể cả anh xe ôm, anh bán quán. Có ngồi với ông mới biết, qua câu chuyện vui vẻ, ông lắng nghe dư luận nhiều chiều.

Có lần gặp ông, chúng tôi mời ông lên thăm huyện. Ông cười: “Mình dạo ni đến lượt mần bí thư chi bộ, bận lắm!”. Thỉnh thoảng gặp ông tại một số cuộc mít-tinh kỷ niệm, ngày truyền thống, hội thảo,… Ông vẫn có bài đăng Báo Nghệ An, Bản tin thành phố Vinh khá đều. Lúc hội họp cũng như trên diễn đàn hay báo chí, truyền thông, những ý kiến của ông rất độc đáo, lời nói, bài viết giản dị, mộc mạc, rất trí tuệ mà rất thực tiễn, vừa có tính lý luận, vừa đề cập những vấn đề mới đang đặt ra trong cuộc sống. Nói, viết như vậy thể hiện trình độ, kiến thức, sự am hiểu rất phong phú, sâu sắc, phong cách diễn đạt sáng tạo, đưa ra được các giải pháp thiết thực, cụ thể, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn mà ở cơ sở rất cần,…

bac-truong-cong-anh-a4.png
Ông Trương Công Anh trong chuyến đi thăm đỉnh Mẫu Sơn. Ảnh: fb Nguyễn Hồ Cảnh

* * *

Xứ Nghệ có một Trương Công Anh kiến thức sâu rộng, phong cách độc đáo, sống bình dị, gần gũi, vô thường, không “quan trọng hóa”, từng để lại nhiều dấu ấn đẹp đẽ. Có một Trương Công Anh ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, không phiền lụy đến ai.

Sáng nay, đột ngột nghe tin ông về miền Tây trúc. Mấy dòng ký ức về ông như một nén tâm nhang của những học trò, những “đệ tử” luôn kính trọng, mến mộ ông.

  • Nội dung: Anh Đặng
  • Ảnh: PV - CTV
  • Thiết kế - Kỹ thuật: Thục Linh