Theo các đại biểu, thành công lớn nhất của diễn đàn là đã đề xuất, kiến nghị những giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó kịp thời với các thách thức, vấn đề mới phát sinh, các ưu tiên trọng tâm trong ngắn hạn cũng như giải pháp căn cơ, lâu dài cho phục hồi, phát triển.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nghệ An CAO TIẾN TRUNG:
Nguồn luận cứ, tư liệu quý cho hoạch định chính sách và quản lý nhà nước

Tôi đánh giá rất cao việc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, với chủ đề: “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”. Được tổ chức trước thềm Kỳ họp thứ Sáu, diễn đàn đã phản ánh rõ nét một Quốc hội chủ động và luôn đồng hành cùng với Chính phủ trong xây dựng, ban hành chính sách đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững hơn.

Tiếp nối thành công của 2 năm tổ chức trước đó, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 được kết nối với quy mô lớn, phạm vi rộng, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, các chuyên gia - nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Nội dung đề cập tại Diễn đàn mang tính thời sự cao. Trong một ngày làm việc tâm huyết, trách nhiệm, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến rất chất lượng, thẳng thắn, không né tránh những khó khăn, thách thức đang đặt ra.

Tôi cho rằng, thành công lớn nhất của diễn đàn là đã đề xuất, kiến nghị những giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó kịp thời với các thách thức, những vấn đề mới phát sinh, các ưu tiên trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong ngắn hạn cũng như các giải pháp căn cơ, lâu dài cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững đất nước… Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Những thông tin quý, hữu ích của Diễn đàn với những giải pháp, kiến nghị rõ ràng, cụ thể sẽ là đầu vào, tư liệu hết sức quan trọng được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan nghiên cứu trong quá trình hoạch định chính sách và quản lý nhà nước”.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Doanh nghiệp vừa và nhỏ TÔ XUÂN THAO:
Cần thiết chuẩn hóa trình độ của đội ngũ quản lý doanh nghiệp

Tôi đánh giá cao tính thiết thực của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023. Thông qua các nội dung được trao đổi giữa các đại biểu, các chuyên gia và lãnh đạo các bộ, ngành đã giúp cho doanh nghiệp hình dung được bức tranh tổng thể của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế. Việc nhận định được các khó khăn truyền thống, mới phát sinh và khó khăn mang tính khách quan giúp cho doanh nghiệp tự đánh giá được các hiệu quả hoạt động trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ về điều hành kinh tế, tài chính, tiền tệ được các lãnh đạo bộ, ngành đưa ra trong các nội dung thảo luận đã giúp doanh nghiệp hiểu rõ, thấu hiểu hơn những khó khăn trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô. Qua đó, nắm bắt được các định hướng chủ trương mới để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả phù hợp.

z4710908803486_b7d8eb9b1ea005e88b059cae2d9efe3e.jpg

Từ góc độ của một nhà nghiên cứu, tôi cho rằng, cần chuẩn hóa một số quy định về việc xây dựng và nâng cao trình độ đội ngũ quản lý của doanh nghiệp trong nước. Việc khuyến khích phát triển kinh tế, khuyến khích đầu tư sản xuất kinh doanh là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, tuy nhiên, cần thiết phải xây dựng tiêu chuẩn về người quản lý doanh nghiệp. Từ đó, nâng cao trình độ của đội ngũ doanh nhân, giúp nâng cao hiệu quả quản lý sản xuất kinh doanh, tránh được sai lầm do thiếu kiến thức về các quy định của pháp luật. Mặt khác, việc chuẩn hóa tiêu chuẩn về vị trí quản lý doanh nghiệp cũng sẽ giúp cho việc hiểu biết, thực hiện và áp dụng được các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ nhanh hơn để tận dụng được lợi thế và tính ưu việt của chính sách điều hành vĩ mô, mang lại hiệu quả về phát triển kinh tế ở mức tối đa.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP IGB VŨ XUÂN NGUYÊN:
Chú trọng chuẩn bị nguồn nhân lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động hiện nay, từ góc độ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, khoa học và công nghệ, tôi cho rằng, chủ đề: “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam thường niên lần thứ 3 của Quốc hội thực sự là chủ để rất cấp thiết, thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn chiến lược của Quốc hội Việt Nam đối với sự phát triển đất nước.

1b7705c8348.jpg

Theo dõi diễn đàn, tôi rất tâm đắc với ý kiến của đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) khi nhấn mạnh, để đạt được tốc độ tăng trưởng năng suất cao hơn thì phải quan tâm hơn nữa đến cải thiện các đặc điểm của lực lượng lao động trẻ. Quan điểm này cho thấy, cần mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao; chú trọng đầu tư, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, đòi hỏi trình độ lao động cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh từ đó phát huy thế mạnh nội lực của nền kinh tế. Tôi tin rằng, để thực hiện được những nhiệm vụ trên, lực lượng lao động trẻ với nền tảng kiến thức về khoa học công nghệ, cùng tư duy đổi mới sáng tạo chính là nguồn “năng lực nội sinh” lớn và quan trọng.

Diễn đàn đã thành công hết sức tốt đẹp, cung cấp nhiều thông tin quý, hữu ích với những giải pháp, kiến nghị rất rõ ràng, cụ thể. Đồng thời, các ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các bộ, ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp… sẽ là cơ sở quan trọng để Quốc hội ban hành quyết sách hiệu quả để tăng cường năng lực nội sinh của doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ chuyên môn, khoa học công nghệ, du lịch…