Cùng với cả nước, Nghệ An xác định năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng định hình sự thành công trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Ngoài ra, đối với Tỉnh, đây là năm nhìn lại chặng đường phát triển đã qua để đề xuất Trung ương các cơ chế, chính sách, tạo động lực đột phá phát triển trong giai đoạn mới.
Tại kỳ họp cuối năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 60/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Nghị quyết số 61/NQ-HĐND về Kế hoạch đầu tư công năm 2023, Nghị quyết số 68/NQ-HĐND về Dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2023. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 4378/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 về giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023. Các ngành và địa phương có trách nhiệm xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể theo từng quý.
Ngay những ngày đầu năm mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Đây là năm đầu tiên, Nghị quyết số 01/NQ-CP bao gồm cả nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thể hiện quyết tâm, đổi mới của Chính phủ trong điều hành phát triển nền kinh tế. Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 18/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết số 01/NQ-CP; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được quyết nghị.
Chủ đề điều hành xuyên suốt năm 2023 từ Trung ương đến địa phương là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", dựa trên 03 phương châm "Đoàn kết, thống nhất; chủ động, linh hoạt; trọng tâm, trọng điểm". Nhiệm vụ, giải pháp trong chỉ đạo, điều hành được định lượng rõ từ cấp độ bao quát đến cụ thể. Có 05 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: rà soát, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương trình Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW, đề xuất ban hành Nghị quyết mới gắn với các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh phát triển; Hoàn thành phê duyệt và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Triển khai thực hiện 02 dự án hạ tầng chiến lược là Cảng biển nước sâu Cửa Lò và nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; Tập trung triển khai xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh, Đề án mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam. Từ 05 nhiệm vụ trọng tâm, chi tiết thành 12 nhóm nhiệm vụ và 160 nhiệm vụ cụ thể của các ngành, lĩnh vực.
Tiếp tục phát huy phương thức điều hành hiệu quả những năm gần đây, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập các Tổ công tác chỉ đạo, thúc đẩy thực hiện kế hoạch. 05 Tổ công tác tương ứng với 05 lĩnh vực: công nghiệp, đầu tư công, thu ngân sách nhà nước, nông nghiệp - nông thôn, dịch vụ. Các Tổ có trách nhiệm lập kế hoạch cụ thể gắn với danh mục sản phẩm (đối với sản phẩm công nghiệp, có địa chỉ từng nhà máy cụ thể), địa bàn cần kiểm tra, đốc thúc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
Đồng thời với tinh thần tích cực đổi mới, quyết liệt hành động là yêu cầu bảo đảm sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các ngành, đơn vị, địa phương khi chủ trì tham mưu, phối hợp tham mưu phải cung cấp cả nhật ký xử lý công việc, chỉ rõ đơn vị phối hợp xử lý chậm nếu có; cơ quan chức năng tổng hợp, kiến nghị xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình thực thi hành chính - công vụ theo quy định.
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định, Thông báo giao chỉ tiêu của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong quý I, các ngành, địa phương cũng đã ban hành nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch ngành, lĩnh vực, trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu cao hơn chỉ tiêu Tỉnh giao. Như ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu diện tích cây lương thực là 221.500 ha/chỉ tiêu 219.240 ha, tổng sản lượng cây có hạt là 1.220.000 tấn/chỉ tiêu 1.200.000 tấn (riêng cây lúa phấn đấu diện tích là 175.000 ha/chỉ tiêu 173.000 ha, sản lượng đạt 988.750 tấn/chỉ tiêu 968.800 tấn); trồng mới rừng tập trung 20.500 ha/chỉ tiêu 18.500 ha...
Có thể nói, kế hoạch, mục tiêu và chỉ tiêu đề ra cho năm 2023 là khá cao trong điều kiện dự báo có nhiều cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức sẽ ngày càng nhiều hơn. Quyết tâm lớn đòi hỏi trách nhiệm và sự nỗ lực cũng phải lớn. Cùng với việc kiểm điểm, đánh giá giữa nhiệm kỳ của cấp ủy, thực hiện Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, căn cứ Hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu. Việc lấy phiếu tín nhiệm có thể xem là thước đo đánh giá hiệu quả chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực cho việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ cũng như của nhiệm kỳ tiếp theo./.