Nhiều kỳ họp chuyên đề giải quyết công việc đột xuất
Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã tạo thuận lợi và đặt ra yêu cầu lớn đối với hoạt động của Thường trực HĐND, nhất là giữa hai kỳ họp để Thường trực HĐND phát huy tốt vai trò, góp phần hoàn thiện bộ máy và khẳng định vị thế của HĐND. Theo đó, thời gian qua, việc xem xét, giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp luôn được Thường trực HĐND tỉnh, thành phố chú trọng, đổi mới, áp dụng linh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp được bảo đảm kịp thời, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và nghị quyết của HĐND, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Thẩm quyền quyết định những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp đã được các địa phương áp dụng linh hoạt trong thực tiễn đem lại hiệu quả, tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, mâu thuẫn từ trong chính các điều luật khiến cho vai trò của Thường trực HĐND chưa được phát huy tối đa.
Cụ thể, Khoản 3 Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: “Thường trực HĐND là cơ quan thường trực HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của pháp luật liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND”. Tuy nhiên, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND được quy định cụ thể tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó giao Thường trực HĐND thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu để bảo đảm hoạt động của HĐND như: triệu tập kỳ họp HĐND, chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban, giám sát, tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp công dân, trình HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm... Như vậy, mọi vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND chỉ được giải quyết tại kỳ họp HĐND chứ không quy định về việc HĐND ủy quyền, giao quyền, phân công cho Thường trực HĐND thực hiện một số công việc phát sinh trong thời gian giữa hai kỳ họp. Do đó, HĐND nhất là cấp tỉnh đang phải tổ chức rất nhiều kỳ họp chuyên đề để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.
Thực tế, để tổ chức một kỳ họp HĐND mất khá nhiều thời gian cho khâu chuẩn bị. Do đó, đối với những vấn đề phát sinh liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, quản lý và sử dụng ngân sách theo yêu cầu của các cơ quan Trung ương; quy định ngắn hạn một số chính sách ưu đãi đất đai, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới… rất cần xử lý ngay nhưng vẫn phải chờ đến thời điểm tổ chức kỳ họp mới có thể thông qua được. Ngoài ra, có những chính sách cấp bách liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội như: dịch bệnh, thiên tai,… hoặc cạnh tranh cơ hội thu hút đầu tư để có những bước đột phá trong phát triển kinh tế nếu không được quyết đáp kịp thời có thể dẫn đến những tổn thất không đáng có. Trong khi, Thường trực HĐND gồm các lãnh đạo chủ chốt của HĐND tỉnh với tín nhiệm cao hoàn toàn có đủ năng lực quyết định những chính sách kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách. Chưa kể, việc tổ chức quá nhiều kỳ họp đang gây lãng phí ngân sách và thời gian của đại biểu, nhất là đối với các địa phương địa bàn rộng, địa hình phức tạp.
Bảo đảm HĐND có thể ủy quyền cho Thường trực HĐND
Nhìn lại Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành có thể thấy, tuy Luật năm 2003 không quy định Thường trực HĐND là cơ quan Thường trực của HĐND, nhưng Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 đã nêu một trong những nhiệm vụ của Thường trực HĐND là phối hợp với UBND giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện nghị quyết của HĐND trong thời gian giữa hai kỳ họp; xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung những biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghị quyết của HĐND theo đề nghị của UBND, Ban của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất. Mặc dù Nghị quyết 753 không quy định cụ thể cơ chế phối hợp giữa Thường trực HĐND và UBND, nhưng trên thực tế quy định này đã là cơ sở pháp lý để Thường trực HĐND và UBND giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp của HĐND, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, giảm thiểu việc tổ chức kỳ họp bất thường của HĐND.
Việc phân định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND trong giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp là mong muốn của hầu hết Thường trực HĐND các tỉnh, thành trong cả nước. Mới đây, tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô năm 2024. Trong đó, Khoản 5, Điều 9 Luật đã cho phép Thường trực HĐND thành phố Hà Nội được quyết định một số nội dung và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất, bao gồm: “Biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; điều chỉnh chủ trương đầu tư trong trường hợp cần thiết đối với các dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công; việc hỗ trợ cụ thể theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 35 của Luật này căn cứ vào dự toán ngân sách hằng năm đã được HĐND thành phố phê duyệt”. Việc “trao quyền” cho Thường trực HĐND thành phố là tiền đề quan trọng để tháo gỡ nhiều rào cản, tạo động lực quan trọng trong tiến trình phát triển Thủ đô.
Do đó, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND theo hướng HĐND có thể ủy quyền cho Thường trực HĐND xem xét, quyết định một số vấn đề cụ thể phát sinh giữa hai kỳ họp. Khi đó, nhiệm vụ của Thường trực HĐND sẽ tương xứng với vị trí, vai trò và cơ cấu tổ chức được mở rộng theo đúng tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.