Tránh thất thu thuế từ giao dịch thương mại tử
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về thuế suất 0%, có ý kiến đề nghị quy định rõ trong Luật về nhóm hàng hoá cung cấp cho khách hàng nước ngoài khác, được áp dụng thuế suất 0% (không giao Chính phủ quy định) và đề nghị không áp dụng thuế suất 0% đối với “các trường hợp giao hàng tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp trong nước theo chỉ định của thương nhân nước ngoài”. Có ý kiến đề nghị cho phép áp dụng thuế suất 0% đối với các trường hợp giao hàng tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài vì các trường hợp này “được coi là xuất khẩu” theo quy định của pháp luật về ngoại thương.
Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, theo thông lệ chung, thuế giá trị gia tăng được đánh theo nguyên tắc "điểm đến", tức là "hành vi tiêu dùng ở đâu thì chịu thuế ở đó". Như vậy, thuế suất 0% chỉ được áp dụng đối với các trường hợp hàng hóa thực tế được xuất khẩu, không tiêu dùng tại Việt Nam. Ngược lại, bất kể hàng hóa, dịch vụ nào được tiêu dùng tại Việt Nam đều phải chịu thuế giá trị gia tăng cho dù người mua hàng hóa, dịch vụ đó ở trong hay ngoài Việt Nam. Nguyên tắc này cần được tuân thủ để bảo đảm tính khách quan, công bằng và tránh làm thất thu ngân sách.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định rõ trong dự thảo Luật (tại điểm c khoản 1 Điều 9) về các trường hợp cung cấp hàng hóa cho các khách hàng nước ngoài được áp dụng thuế suất 0% nhất thiết phải được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, không bao gồm trường hợp hàng hóa được giao dịch giữa các đối tác trong nước theo chỉ định của thương nhân nước ngoài và thực chất được tiêu dùng trong nước, nhằm tránh lợi dụng, gây thất thu ngân sách.
Tán thành với việc không quy định miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ thông qua các cái sàn thương mại điện tử, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử hiện nay, số lượng hàng hóa có giá trị nhỏ nhập khẩu vào nước ta ngày càng lớn.
“Đối với từng đơn hàng thì giá trị có thể nhỏ nhưng tổng lượng hàng hóa nhập khẩu theo hình thức này đã, đang và sẽ tiếp tục chiếm khối lượng rất lớn”. Với lý lẽ này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu lưu ý đến khả năng, nếu miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ thông qua các sàn thương mại điện tử sẽ dẫn đến việc không thu được lượng thuế khá lớn, chưa kể còn có thể dẫn đến tình trạng “xé nhỏ” giá trị đơn hàng để tránh thuế.
Mặt khác, theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, việc miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ thông qua các sàn thương mại điện tử sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hóa nhập khẩu được hưởng nhiều lợi thế lớn. Theo đó, trước hết, việc không chịu thuế sẽ giúp hàng hóa nhập khẩu có giá rẻ hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước; đồng thời, do không phải tính thuế nên việc thực hiện thủ tục hải quan đối với loại hàng hóa này cũng sẽ nhanh hơn và có tính cạnh tranh cao hơn. Thực tế cũng cho thấy, một số sàn thương mại điện tử đang bán hàng hóa nhập khẩu với giá trị rất rẻ và rất cạnh tranh, vì vậy, nếu không có những giải pháp sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất trong nước.
Xây dựng cơ chế quản lý thuế hiệu quả
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng cho rằng, việc miễn thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ chủ yếu là để đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, với việc áp dụng công nghệ thông tin như hiện nay thì việc thực hiện thủ tục hải quan và thu thuế cũng đã giảm bớt thời gian và các thủ tục rườm rà khác. Do vậy, biện pháp này là không thực sự cần thiết.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho biết, nhiều nước trên thế giới cũng đã bỏ các quy định miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử. Trước đây Liên minh châu Âu cũng đã cho miễn thuế với các giao dịch có giá trị dưới 150 euro qua biên giới, nhưng từ ngày 1.7.2021, thì quy định này đã bị bãi bỏ nhằm giảm thất thu thuế từ thương mại điện tử và bảo đảm sự công bằng trong lĩnh vực kinh doanh trong nước, trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia..., cũng đang có những bước đi tương tự.
Với những lý do trên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị không miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ qua các sàn thương mại điện tử. Song, đại biểu cũng nêu vấn đề, việc miễn thuế đang được thực hiện theo Quyết định số 785/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là điểm chưa phù hợp với chính sách sau luật định. Vì vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị, cần quy định rõ trong Nghị quyết chung của Kỳ họp lần này về việc cần sớm chấm dứt việc thực hiện Quyết định số 78 này.
Tại Khoản 4, Điều 4 dự thảo Luật quy định nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nộp hai nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài. Tán thành với quy định này, ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang) cũng đề nghị, dự thảo Luật cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý, kê khai và thu thuế đối với các dịch vụ xuyên biên giới trong bối cảnh các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới đang gia tăng mạnh mẽ. Đại biểu Trình Lam Sinh nhấn mạnh, cần xây dựng cơ chế nhằm quản lý thuế hiệu quả, bảo đảm công bằng trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.