Dự buổi tọa đàm có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; GS. TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Quốc hội khóa XV. Cùng dự có các vị đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo huyện Diễn Châu.

bna-anh-dai-bieu-anh-thanh-le-2883.jpg.webp
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Lê

Lịch sử hào hùng

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu ôn lại chặng đường 78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01 /1946-06/01/2024).

Đúng ngày này cách đây 78 năm, ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội. Đáp lại lời kêu gọi của Người, toàn thể Nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị; không phân biệt gái, trai, già, trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 06/01/1946- đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.

bna-anh-chi-chung-chon-anh-thanh-le-6166.jpg.webp
Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu khai mạc buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Lê

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta - thời kỳ có Quốc hội, có Chính phủ thống nhất, có một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế về đối nội và đối ngoại.

Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

bna-truong-anh-thanh-le-6020.jpg.webp
Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Văn Tố trao đổi về hoạt động của nhà trường. Ảnh: Thanh Lê

Thắng lợi đó là khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng ta đúng đắn, thể hiện khát vọng được độc lập, tự do của Nhân dân Việt Nam và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/1/1946 đã đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son chói lọi. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tình thế quốc gia “ngàn cân treo sợi tóc”.

Cùng với lịch sử 78 năm xây dựng và củng cố nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đến nay Quốc hội Việt Nam đã trải qua 15 khóa. Do điều kiện lịch sử của đất nước, trong 15 khóa Quốc hội đã qua, nhiệm kỳ Quốc hội khóa I kéo dài nhất, hơn 14 năm (từ năm 1946 đến năm 1960) và nhiệm kỳ Quốc hội khóa V ngắn nhất (1975-1976).

bna-anh-thay-hanh-anh-thanh-le-2567.jpg.webp
Thầy giáo Lê Viết Hạnh - Người sáng lập Trường THPT Nguyễn Văn Tố trao đổi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Lê

Dù bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, Quốc hội Việt Nam vẫn không ngừng lớn mạnh. Quốc hội đã cùng với Đảng và Chính phủ lãnh đạo Nhân dân ta vượt qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành thắng lợi cuối cùng; khôi phục và phát triển đất nước sau chiến tranh và đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, thay mặt Nhân dân thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

bna-hoc-sinh-anh-thanh-le-9232.jpg.webp
Đại diện học sinh của Trường THPT Nguyễn Văn Tố trao đổi đề xuất với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Thanh Lê

Giáo dục truyền thống

Cùng với sự trưởng thành của Quốc hội Việt Nam, 78 năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã không ngừng đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển ngày càng cao của đất nước. Cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh Hóa, Nghệ An là một trong 4 đoàn có đại biểu Quốc hội đông nhất cả nước.

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An luôn tăng cường mối quan hệ công tác với các cơ quan hữu quan, gắn bó chặt chẽ và chủ động phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời, đề cao trách nhiệm của các cơ quan này trong quan hệ phối hợp với Đoàn ĐBQH.

bna-thay-thanh-anh-thanh-le-6329.jpg.webp
GS. TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Quốc hội khóa XV trả lời những vấn đề các giáo viên, học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Tố quan tâm. Ảnh: Thanh Lê

Mặt khác, để hoạt động của Đoàn Quốc hội thể hiện được ý chí, nguyện vọng của toàn dân, gắn bó với thực tiễn cuộc sống, các vị đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An qua các nhiệm kỳ luôn đề cao trách nhiệm của người đại biểu dân cử, tăng cường và giữ mối quan hệ chặt chẽ với nhân dân thông qua việc tiếp xúc với cử tri, lắng nghe ý kiến và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri trên các diễn đàn Quốc hội.

bna-trao-1-anh-thanh-le-1527.jpg.webp
Đoàn ĐBQH tỉnh tặng tranh lưu niệm cho Trường THPT Nguyễn Văn Tố. Ảnh: Thanh Lê

Đặc biệt, tại buổi tọa đàm các đại biểu đã ôn lại chặng đường 78 năm vẻ vang của Quốc hội Việt Nam dưới mái trường mang tên Nguyễn Văn Tố - vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cụ Nguyễn Văn Tố sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Với uy tín của một nhân sĩ, cụ Nguyễn Văn Tố đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I được bầu tại tỉnh Nam Định.

bna-trao-2-anh-thanh-le-2847.jpg.webp
Các đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tặng quà cho học sinh có thành tích cao trong học tập. Ảnh: Thanh Lê

Tại Kỳ họp thứ nhất, cụ được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu để bầu giữ chức vụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội hiện nay). Tuy thời gian giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội chỉ 8 tháng (từ 2/3-9/11/1946) nhưng đó là quãng thời gian gay cấn nhất của cách mạng, thù trong giặc ngoài tìm mọi cách chống phá quyết liệt.

bna-anh-hien-anh-thanh-le-7363.jpg.webp
Hội Khuyến học tỉnh tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Thanh Lê

Trên cương vị là Trưởng ban, cụ Nguyễn Văn Tố cùng với các thành viên trong Ban Thường trực Quốc hội nhanh chóng bắt tay vào củng cố nhà nước, xây dựng nền dân chủ, thống nhất dân tộc, sẵn sàng kháng chiến, tham gia nhiều ý kiến với Chính phủ để thi hành nhiều phương sách thích hợp chăm lo đến quyền lợi quốc gia và giữ gìn đời sống nhân dân. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ Nguyễn Văn Tố cùng các thành viên của Chính phủ rời thủ đô lên chiến khu Việt Bắc để tiếp tục lãnh đạo toàn dân kháng chiến và ngày 07/10/1947 cụ đã anh dũng hy sinh, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào.

bna-huyen-anh-thanh-le-6742.jpg.webp
Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Văn Tố nhận quà tặng của lãnh đạo huyện Diễn Châu dành cho học sinh nhà trường. Ảnh: Thanh Lê

Cùng đó, tại buổi tọa đàm, Đoàn ĐBQH tỉnh được lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các thầy, cô giáo và các em học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Tố liên quan đến hoạt động của Quốc hội và những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Chương trình giáo dục phổ thông 2018, xã hội hóa giáo dục...

bna-luu-niem-anh-thanh-le-231.jpg.webp
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Thanh Lê

“Các ý kiến tại buổi tọa đàm hôm nay sẽ giúp cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có thêm cơ sở vững chắc để tham gia xây dựng pháp luật và giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nói chung và trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo nói riêng.

Từ kết quả buổi tọa đàm hôm nay, Đoàn ĐBQH tỉnh mong muốn các thầy, cô giáo và các em học sinh nhà trường sẽ tiếp tục có những hoạt động kỷ niệm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên hàng năm gắn với việc giáo dục cho lớp trẻ về những cống hiến, đóng góp của ông Nguyễn Văn Tố - vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước ta mà trường mang tên Nguyễn Văn Tố”- đồng chí Thái Thị An Chung nhấn mạnh.

Thanh Lê