Tiến sĩ Ngô Hữu Hải và hành trình “tìm lửa”
Họ luôn luôn đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, với từng giọt mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu hồng đã đổ xuống, tất cả đều vì một mục tiêu chung – bảo vệ và phát triển ngành Công nghiệp dầu khí, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam thân yêu. Trong những con người ấy, nổi bật lên Tiến sĩ Ngô Hữu Hải – hiện là Chủ tịch Hội Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí - PVEP, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Điều hành dầu khí Biển Đông POC. Với trí tuệ thông minh sắc bén, bản lĩnh kiên cường và một trái tim tràn đầy nhiệt huyết, ông đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử ngành dầu khí Việt Nam, mang lại những thành tựu to lớn, rất đáng tự hào.
Từ dòng họ khoa bảng đến câu chuyện vượt khó
“Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai. Khoai 3 ba bữa
Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ. Đỗ cả nhà”
Đôi câu đối nói về sự khổ học thành tài của các bậc tiền nhân dòng họ Ngô công thần Lý Trai, xã Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An, đến nay vẫn còn nguyên giá trị và trở thành câu đối nổi tiếng, thể hiện cho ý chí, nghị lực và sự hiếu học của người dân xứ Nghệ bao đời nay. Cũng từ dòng họ giàu truyền thống ấy, có biết bao thế hệ con cháu đã tiếp nối sự học của ông cha, vượt lên gian khó, cần mẫn tìm tòi, nghiên cứu để trở thành hạt nhân cốt cán, đóng góp to lớn cho sự phát triển của quê hương đất nước. Một trong những người con tiêu biểu ấy là Tiến sĩ Ngô Hữu Hải. Ông sinh năm 1962, trong một gia đình cả bố và mẹ đều là những cán bộ công chức. Dường như truyền thống quê hương, dòng họ và gia đình cùng những câu đối ngợi ca tinh thần hiếu học đã in sâu vào tâm trí ông từ thủa nhỏ. Vượt qua những cái lạnh thấu xương của mùa đông khắc nghiệt, cái nóng như đổ lửa của mùa hè, ông phải thường xuyên cùng bạn bè đi bộ cả chục km để theo học cấp 3 trường huyện, nhưng chưa một ngày nghỉ học. Ngô Hữu Hải vẫn luôn chăm chỉ, cần mẫn miệt mài, vượt nắng, mưa và bão gió để tìm kiếm tri thức. Và có lẽ, chính từ mảnh đất cằn khô bỏng rát gió Lào, trời chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt và chưa đông đã lạnh cắt da cắt thịt ấy đã tôi luyện, hun đúc trong ông ý chí, nghị lực, bản lĩnh vượt lên chính mình để tạo dựng tương lai. Để rồi chàng trai trẻ xứ Nghệ ngày ấy đã chọn con đường chinh phục tri thức trong một lĩnh vực hoàn toàn mới, đầy thách thức – công nghệ khai thác dầu khí - một lĩnh vực chuyên môn hẹp rất đặc thù và nhiều hiểm nguy của ngành công nghiệp Dầu khí.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ khai thác Dầu khí thuộc Khoa Dầu khí trường Đại học Mỏ - Địa chất, Ngô Hữu Hải bắt đầu khởi nghiệp với chức danh công nhân khai thác dầu khí bậc 4/6 – một khởi đầu khiêm nhường nhưng là nền móng vững chắc cho hành trình sau này. Thời điểm ấy, ngành dầu khí Việt Nam còn rất non trẻ, thiếu thốn mọi thứ, cả công nghệ lẫn kinh nghiệm, nhưng chàng trai trẻ Ngô Hữu Hải đã hăng hái lao vào công việc với tinh thần học hỏi và trách nhiệm. Dưới cái nắng hầm hập cháy da trên các giàn khai thác, với gió biển mặn mòi và những ca làm việc kéo dài 12 giờ, ông vẫn miệt mài chăm chỉ, cần mẫn làm việc với các chuyên gia nước ngoài, tích luỹ kinh nghiệm thực tế, ông còn chăm chỉ học tập nâng cao trình độ quản trị, khoa học công nghệ, ông đã từng được cử đi tu nghiệp ở Nga, Harvard Kennedy - Mỹ, Heriot Watt Edinbua - Anh… tham gia giảng dạy ở Trường Đại học Mỏ Địa chất, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, ông cũng chính là một trong 10 người thành lập nên khoa Kỹ thuật Dầu khí của trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cách đây 32 năm và dần khẳng định mình qua từng bước tiến trên con đường sự nghiệp.
“Tìm lửa” giữa đại dương
Chắt chiu từng giọt dầu từ lòng đại dương, nâng niu và trân trọng những gì mà mẹ biển khơi đã ban tặng, Tiến sĩ Ngô Hữu Hải cùng đồng nghiệp đã sống và làm việc trên các giàn khai thác dầu khí ngoài khơi suốt một thập kỷ. Xa đất liền, xa người thân, họ quyết tâm bám trụ ở những cụm giàn khai thác giữa biển khơi, nơi vùng nước sâu và bão táp. Ngành dầu khí, đặc biệt là khai thác dầu khí ngoài biển khơi, thường được ví như công việc "ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ", nơi chỉ có những người có bản lĩnh, trí tuệ sắc bén và một tinh thần thép mới có thể đối mặt với những thử thách khắc nghiệt. Để tìm được các vỉa dầu sâu dưới lòng đất, ở độ sâu 3000 đến 7000m, với độ chính xác chỉ trong phạm vi 1,0 mét, người kỹ sư dầu khí phải luôn luôn đối mặt với cháy nổ, với nhiệt độ cao, và áp suất cực kỳ cao. Công việc ấy không chỉ đòi hỏi kiến thức sâu rộng mà còn phải là người có bản lĩnh, trí tuệ, sự kiên trì không mệt mỏi dưới cái nắng thiêu đốt, gió biển mặn mòi, và những ca làm việc kéo dài đến 12 giờ, chỉ có 30 phút nghỉ giữa ca.
Chính trong những tháng ngày đó, Tiến sĩ Ngô Hữu Hải đã khẳng định được bản lĩnh của mình, làm nên một phần không thể thiếu trong lịch sử ngành dầu khí Việt Nam. Ông là một trong số ít kỹ sư được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của ngành dầu khí Việt Nam – khi những thùng dầu thương mại đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ được khai thác vào 9:30 phút ngày 26/6/1986. Đây là thời điểm nền kinh tế Việt Nam chúng ta đang vô cùng khó khăn do Mỹ cấm vận và mới bắt đầu đổi mới chuyển mình từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, và mỗi đồng Đô la ngoại tệ thu được từ xuất khẩu dầu khí đều vô cùng quý giá. Mỏ Bạch Hổ không chỉ cung cấp hơn 250 triệu tấn dầu, 30 tỷ mét khối khí và hàng triệu tấn condensate, doanh thu đạt hơn 90 tỷ Đô la Mỹ mà còn thay đổi hoàn toàn lý thuyết về cấu tạo địa chất mỏ dầu khí thế giới khi tìm thấy dầu khí trong tầng đá móng, với sản lượng cực kỳ lớn, thay đổi hoàn toàn quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới.
Những năm tháng sống và làm việc trên các giàn khoan khai thác giữa biển sâu không chỉ tôi luyện bản lĩnh, ý chí, tinh thần kiên cường của ông, mà còn mở ra cơ hội học tập, nghiên cứu và áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất. Điển hình là mỏ Đại Hùng, nơi mà trước đây Tập đoàn dầu khí Việt Nam mua lại của nhà thầu nước ngoài Petronas Carigali với giá 1 Đô la Mỹ và đây là mỏ dầu bị đánh giá là không khả thi về mặt kinh tế, kỹ thuật, tuy nhiên dưới sự lãnh đạo quyết liệt dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của ông và các đồng nghiệp, mỏ Đại Hùng đã khai thác an toàn liên tục trong 25 năm qua (1999-2024) với sản lượng hơn 70 triệu thùng dầu thô, hành tỷ mét khối khí mang về doanh thu gần 5 tỷ USD – một con số ấn tượng.
Tiến sĩ Ngô Hữu Hải cũng đã ghi dấu ấn trong vai trò Tổng Giám đốc lãnh đạo các Công ty liên doanh dầu khí như Hoàn Vũ JOC và Hoàng Long JOC, nơi ông đã đưa các mỏ Cá Ngừ Vàng và mỏ Tê Giác Trắng vào khai thác vượt tiến độ, tiết kiệm hàng trăm triệu USD nhờ những cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Khi giữ chức Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) với 52 Công ty và dự án trên khắp thế giới như Mỹ, Cuba, sa mạc Shara Algieria, Malaysia… ông tiếp tục chứng minh tài năng quản lý của mình khi chèo lái doanh nghiệp vượt qua những thách thức của thị trường năng lượng toàn cầu.
Những thành tựu đó vẫn chưa dừng lại. Khi lãnh đạo Biển Đông POC, ông đã dẫn dắt Công ty đạt được những cột mốc mới. Tại cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh, BIENDONG POC không chỉ đạt những kỷ lục về sản lượng khai thác mà còn vận hành với tỷ lệ thời gian hoạt động hệ thống công nghệ liên tục lên tới 99,99%, vượt xa các tiêu chuẩn thế giới (94%). Dự án này không chỉ mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế mà còn khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam, làm rạng danh một thế hệ những người con xứ Nghệ kiên cường, sáng tạo và luôn vì sự nghiệp chung của đất nước, ông cũng chính là tác giả của ý tưởng và tổ chức "Lễ chào cờ xa đất liền nhất trên Biển Đông" được Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam trao Kỷ lục Việt Nam năm 2020.
"Tiến sĩ 4.0"
Không chỉ là người tiên phong trong kỹ thuật khai thác dầu khí, Tiến sĩ Ngô Hữu Hải còn được mệnh danh là "Tiến sĩ 4.0", bởi những nỗ lực vượt bậc trong việc áp dụng công nghệ số vào ngành dầu khí. Dưới sự lãnh đạo tài ba của ông, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) đã trở thành biểu tượng tiêu biểu cho ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị và sản xuất. Ông không chỉ là người dẫn đầu trong việc triển khai các hệ thống quản lý hiện đại như bảo trì tiên đoán và trí tuệ nhân tạo- AI, mà còn là người khai phá những con đường mới, giúp Công ty tiết kiệm hàng trăm triệu USD, nâng cao hiệu quả công việc và giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận hành.
Tiến sĩ Ngô Hữu Hải chia sẻ:…“ Muốn chuyển đổi số thành công thì trước hết chúng ta phải thay đổi tư duy cho toàn bộ tập thể Người lao động, và Tổng Giám đốc phải là người quyết định mọi vấn đề. Chuyển đổi số sẽ làm thay đổi văn hóa làm việc, chúng ta có thể làm việc mọi lúc mọi nơi, văn phòng không giấy, năng suất lao động, hiệu quả của sản xuất kinh doanh sẽ tăng không ngừng. Điều này đòi hỏi mỗi chúng ta phải sẵn sàng đón nhận cái mới, đón nhận sự thay đổi và luôn tìm kiếm cách làm tốt nhất. Ngày hôm nay phải mới hơn, tốt hơn ngày hôm qua…”. Những lời nói đó không chỉ là phương châm làm việc mà còn là kim chỉ nam cho sự phát triển của cả một tập thể. Dường như, trong con người nghiêm khắc, bản lĩnh và đầy tinh thần thép ấy, lại ẩn chứa một trái tim nhiệt huyết, luôn khát khao sáng tạo và đổi mới. Chính nhờ vậy, ông đã truyền cảm hứng cho toàn thể cán bộ, công nhân viên của BIENDONG POC, tạo ra một bầu không khí sục sôi của chuyển đổi số, sự phát triển bền vững và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, thông qua nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi lĩnh vực sản xuất và điều hành.
Dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ Ngô Hữu Hải, BIENDONG POC đã thành lập Nhóm triển khai công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo AI, nâng cao hiệu quả trong các mảng vận hành kỹ thuật, khoan, hoàn thiện giếng, tìm kiếm thăm dò và công nghệ mỏ. Việc tiên phong ứng dụng các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo đã giúp BIENDONG POC tối ưu hóa công tác quản trị và kiểm soát nội bộ, giảm chi phí khai thác, vượt chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính hàng năm. Một trong những thành tựu đáng chú ý là việc thực hiện thành công chiến dịch bảo dưỡng giàn trong điều kiện đầy thách thức, khẳng định khả năng điều hành vượt trội của ông trong mọi tình huống khó khăn.
Với sự dám nghĩ, dám làm, cùng phương châm quyết liệt trong chỉ đạo và luôn "bắt tay trực tiếp" làm cùng anh em, Tiến sĩ Ngô Hữu Hải đã đưa BIENDONG POC vượt qua nhiều thử thách, đạt được những thành tựu đáng tự hào. Chính nhờ những đóng góp xuất sắc của mình, ông đã góp phần quan trọng giúp BIENDONG POC được vinh danh là "Doanh nghiệp Khoa học - Công nghệ và Đổi mới sáng tạo" trong chương trình biểu dương TOP Công nghệ 4.0 Việt Nam 2 năm liên tục 2022; 2023. Thành công này không chỉ là minh chứng cho tài năng lãnh đạo của Tiến sĩ Ngô Hữu Hải, mà còn là bước đột phá quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của ngành dầu khí Việt Nam, đưa doanh nghiệp tiến xa hơn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhà khoa học với trái tim đam mê, sáng tạo
Không chỉ là một nhà quản lý tài ba, Tiến sĩ Ngô Hữu Hải còn là một nhà khoa học xuất sắc. Ông là đồng tác giả của 62 sáng kiến khoa học được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một trong những công trình tiêu biểu của ông là cụm nghiên cứu phát triển công nghệ khai thác khí-condensate trong điều kiện áp suất cao, nhiệt độ cao ở thềm lục địa Việt Nam – một dự án đã mang lại Giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá cho ông. Cụm công trình này không chỉ khẳng định năng lực của ngành dầu khí Việt Nam mà còn có ý nghĩa đặc biệt về quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hội đồng khoa học đánh giá, việc triển khai thành công dự án này đã tạo nên kỳ tích khi khai thác trong những điều kiện phức tạp hàng đầu thế giới.
Với lòng say mê khoa học, ông đã đóng góp vào hàng chục sáng kiến công nghệ giúp tối ưu hóa quá trình khai thác dầu khí. Luôn không ngừng học hỏi, trăn trở phân tích để đặt ra nhiều bài toán khó hơn cho mình và các đồng nghiệp, chưa bao giờ “ngủ quên trên chiến thắng” đã trở thành tính cách “bất di bất dịch” trong con người Ngô Hữu Hải và cũng từ tính cách đó mà tạo nên một “cây sáng kiến” của ngành dầu khí. Trong gần 40 năm công tác, Tiến sĩ Ngô Hữu Hải đã có tới 62 sáng kiến, trong đó có những sáng kiến làm lợi lên tới 485 triệu Đô la Mỹ khi ông đang làm Tổng Giám đốc Liên doanh Hoàng Long – Hoàn Vũ JOC. Ông cũng là một người đặc biệt xuất sắc khi 2 lần được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ – một giải thưởng danh giá nhất – giải “Noben Việt Nam về Khoa học công nghệ”, được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng vào năm 2017 và 2022 với hai công trình có đóng góp đặc biệt cho khoa học dầu khí của Việt Nam.
Bản lĩnh Nghệ giữa muôn trùng sóng gió
Khi được hỏi về những thành tựu mà mình đã đạt được, Tiến sĩ Ngô Hữu Hải khiêm tốn chia sẻ: "Tôi chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh lớn. Những gì tôi làm được là nhờ sự chung tay của rất nhiều đồng nghiệp và sự hỗ trợ từ gia đình, quê hương, tôi chỉ là người đại diện thay mặt bạn bè đồng nghiệp nhận phần thưởng danh dự này,…" Chính tinh thần khiêm nhường và sự tận tụy ấy đã khiến ông trở thành một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ, một minh chứng sống cho những giá trị bền vững trong nghề nghiệp và cuộc sống.
Suốt hơn 40 năm cống hiến không mệt mỏi, Tiến sĩ Ngô Hữu Hải đã để lại dấu ấn đậm nét trong ngành dầu khí Việt Nam. Những thành tựu của ông không chỉ được ghi nhận qua hàng loạt giải thưởng danh giá, như Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Hữu nghị của Liên bang Nga, do tổng thống Vladimia Putin ký tặng mà còn qua sự kính trọng, yêu mến mà đồng nghiệp và cộng sự dành cho ông. Nhưng hơn tất cả những danh hiệu đó, tài sản quý giá nhất mà ông để lại chính là tinh thần dám nghĩ, dám làm, sự sáng tạo không ngừng nghỉ và khát vọng cống hiến cho đất nước. Tiến sĩ Ngô Hữu Hải đã trở thành biểu tượng của một thế hệ trí thức Việt Nam dám vươn ra thế giới, khẳng định bản lĩnh và vị thế của người Việt trên trường quốc tế.
Từ dòng họ khoa bảng xứ Nghệ, người con ưu tú Ngô Hữu Hải đã viết tiếp truyền thống vẻ vang của quê hương, không chỉ với những sáng kiến đột phá trong việc khai thác “vàng đen”, mà còn bằng những bài học sâu sắc về ý chí, sự sáng tạo và trách nhiệm đối với đất nước. Hành trình của ông, từ những giàn khoan ngoài khơi xa đến những quyết định mang tính đột phá trong công nghệ dầu khí, là một khúc ca hào hùng giữa đại dương, nơi mà những "người lính không quân hàm" như ông đã góp phần làm giàu cho đất nước từ những giọt dầu quý giá. Bởi mỗi giàn khoan ngoài khơi không chỉ là một cột mốc công nghệ, mà là biểu tượng của lòng kiên trung và khát vọng giữ gìn chủ quyền biển đảo. Những chiến công ấy không chỉ được đo bằng sản lượng khai thác, mà còn bằng tình yêu đất nước, bằng sự hy sinh và đóng góp âm thầm, bền bỉ của những người như Tiến sĩ Ngô Hữu Hải.
Hết tuổi làm việc Nhà nước, nhưng tài năng, kinh nghiệm và nhiệt huyết của ông vẫn tiếp tục lan tỏa. Tiến sĩ Ngô Hữu Hải vẫn tham gia vào cố vấn cao cấp, tư vấn phản biện cho nhiều tập đoạn kinh tế lớn, nhiều dự án dầu khí, dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, tín chỉ Carbon,… không chỉ ở trong nước mà còn ở cả quốc tế. Ông hiện nay đang đảm đương chức danh Chủ tịch Hội Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh và là thành viên Hội đồng thành viên Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh Tiến sĩ và thật thú vị khi nhiều học sinh của ông nay đã trở thành lãnh đạo các Công ty dầu khí trong nước và nước ngoài. Và mới đây ông cùng các cộng sự đã xuất sắc đạt 2 giải Nhất và 1 giải Nhì trong Lễ công bố Sách vàng Việt Nam 2023. Hành trình “tìm lửa” của ông, dù đã khép lại trên cương vị lãnh đạo, nhưng vẫn sẽ tiếp tục truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ. Và như những con sóng mãi vỗ bờ, câu chuyện về Tiến sĩ Ngô Hữu Hải sẽ còn được kể mãi – một câu chuyện đẹp về bản lĩnh người xứ Nghệ, về lòng yêu nước và sự đam mê cống hiến không ngừng nghỉ/.