147d0093948t48817l0.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trình bày tham luận tại hội nghị

Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Kính thưa các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Thanh Hoá, tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh!

Kính thưa quý vị đại biểu! Thưa tất cả các đồng chí!

Theo sự phân công của Ban Tổ chức Hội nghị, sau đây tôi xin báo cáo với Hội nghị về chủ đề “Tiềm năng, triển vọng liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh”.

Kính thưa toàn thể hội nghị!

Cùng với Bình Trị Thiên, vùng Thanh Nghệ Tĩnh được xem là cầu nối văn hóa giữa 2 miền Nam - Bắc. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, hiếu học, có nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa; được thiên nhiên ưu đãi với nhiều ngọn núi, thác nước, hang động đẹp, hùng vĩ, nhiều bãi biển trong xanh, trải dài, cùng với nhiều giá trị di sản văn hoá đặc sắc, có giá trị nổi bật và ẩm thực đa dạng, phong phú đã tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng mang đậm bản sắc riêng hấp dẫn du khách.

Với diện tích tự nhiên lớn, dân số đông là điều kiện cần thiết để nơi đây tiếp tục phát triển không gian du lịch và gia tăng trao đổi khách giữa các tỉnh/thành phố và các vùng du lịch trên cả nước.

Bên cạnh đó, có hệ thống giao thông thuận lợi, địa giới hành chính 3 tỉnh kết nối với nhau qua các trục giao thông quốc gia: Quốc lộ 1A, đường bộ cao tốc Bắc Nam, đường ven biển, đường Hồ Chí Minh, đường sắt và đường biển. Sân bay Thọ Xuân, Thanh Hoá và sân bay Vinh, Nghệ An với các đường bay trong nước đi đến các tỉnh/thành phố trung tâm du lịch trong cả nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt; là một trong những điều kiện thuận lợi để tiếp cận và gia tăng trải nghiệm nhiều điểm đến hơn cho du khách trong hành trình du lịch của mình.

Để phát huy được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương, chúng ta đã xác định Du lịch không chỉ là ngành kinh tế quan trọng mà còn là cầu nối thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình.

Với tính chất là ngành kinh tế có tính liên vùng và xã hội hoá cao, sự phát triển du lịch không chỉ “bó” trong một lãnh thổ mà luôn vươn ra ngoài phạm vi hành chính một địa phương, một vùng, một quốc gia, một khu vực. Việc liên kết cho phép khai thác những lợi thế tương đối của các địa phương về tài nguyên du lịch, về vị trí giao thương, về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch của vùng.

bna-img-4420-5111--n1.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Nhận thức được vấn đề này, thời gian qua, 3 tỉnh đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả nhất định trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch, đó là:

Một là, Chúng ta đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với trục giao thông quốc gia như đường cao tốc Bắc Nam, đường quốc gia ven biển, đồng thời kiến nghị với Chính phủ tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư xây dựng cao tốc Viên Chăn – Hà Nội đi qua cửa khẩu Thanh Thuỷ (Nghệ An) nhằm kết nối các tỉnh qua tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và khai thác phát triển du lịch của mỗi địa phương.

Hai là, đã liên kết xây dựng và từng bước khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng để du khách trải nghiệm, như: chương trình “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”, “Con đường di sản miền Trung”, “Hành trình theo chân Bác”, chương trình du lịch về nguồn và khám phá văn hoá bản địa, chương trình du lịch 1 ngày ăn cơm 3 nước (Việt Nam, Lào, Thái Lan).

Ba là, tần suất, quy mô liên kết trong việc phối hợp tổ chức và tham gia chung các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến trong và ngoài nước ngày càng được nâng lên, từng bước định hình nhận diện thương hiệu điểm đến của vùng qua các hoạt động: Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh, Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, Chương trình giới thiệu du lịch 3 tỉnh tại Lào, Thái Lan với khẩu hiệu “Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm”; phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện như Hội thảo liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ năm 2016, Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng tại Nghệ An năm 2022.

Bốn là, đã hình thành Ban điều phối hợp tác, liên kết phát triển du lịch các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình do Liên minh Châu Âu EU tài trợ kỹ thuật vào năm 2016; qua đó công tác phối hợp, trao đổi thông tin, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch thường xuyên được quan tâm.

Kính thưa các đồng chí!

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch của 3 địa phương thời gian qua vẫn còn hạn chế như: Lượng khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế và doanh thu từ du lịch của các tỉnh còn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế. Sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nội vùng chưa đồng bộ, thiếu tính chặt chẽ. Kết quả triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác còn khiêm tốn, quy mô nhỏ lẻ như: một số sản phẩm liên kết khai thác chưa hiệu quả, chưa xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung, tần suất tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá chung chưa thường xuyên, công tác phối hợp cùng tham gia xúc tiến đầu tư vào du lịch chưa được quan tâm đúng mức.

Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển năm 2016 và đại dịch COVID-19; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp còn hạn chế; nguồn lực đầu tư cho các hoạt động liên kết, hợp tác còn khiêm tốn; chưa có cơ chế liên kết, hợp tác cụ thể, chặt chẽ giữa các địa phương; hợp tác công tư trong phát triển du lịch vẫn còn manh mún, thiếu tính chiến lược.

Để phát huy tối đa những tiềm năng, cơ hội phát triển du lịch, trong thời gian tới, chúng ta cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch vùng để phân bố lại nguồn lực phát triển du lịch theo hướng ưu tiên khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương với các sản phẩm du lịch đặc thù; từng bước hạn chế sự trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa các địa phương, giảm thiểu chi phí để nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch. Tập trung phát triển các loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng lợi thế của 3 địa phương.

Như phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa lịch sử tâm linh, du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn, du lịch ẩm thực với hệ sinh thái là chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ riêng biệt, đan xen, bổ trợ cho nhau giữa các địa phương.

Hai là, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông của từng địa phương, kết nối với hệ thống giao thông liên vùng, khu vực và quốc tế. Nâng cấp các trục giao thông kết nối với các hành lang kinh tế, các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn vùng. Phối hợp với các hãng hàng không mở thêm các đường bay trong nước và quốc tế.

Ba là, hợp tác xây dựng không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất trên cơ sở kết nối các tour, điểm, khu du lịch; khai thác và bảo tồn các di sản văn hoá trong vùng; hình thành các điểm đến có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế và tạo lập các chuỗi sự kiện du lịch như các festival, lễ hội văn hoá quốc tế, lễ hội quốc gia tiêu biểu.

Bốn là, phối hợp xây dựng cơ chế chính sách về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phối hợp nghiên cứu, đề xuất chính sách mang tính vùng để vận động, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như: phát triển hạ tầng du lịch, phát triển khu/điểm du lịch quốc gia, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.

Năm là, phối hợp đẩy mạnh quảng bá các điểm đến; đầu tư, xây dựng thương hiệu du lịch toàn vùng và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch vùng. Trong đó chú trọng hợp tác công tư trong xây dựng thương hiệu điểm đến, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chung trong và ngoài nước; xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch địa phương đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, công tác quản lý nhà nước về du lịch. Thúc đẩy liên kết, hợp tác trong đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch trong vùng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Kính thưa hội nghị!

Trên đây là một số nội dung về tiềm năng, triển vọng liên kết phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Chúng tôi tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết, hợp tác phát triển và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả 3 tỉnh chúng ta sẽ cùng nhau đạt được mục tiêu phát triển ngành du lịch nói riêng và đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội nói chung của từng địa phương.

Cuối cùng, xin kính chúc quý vị đại biểu cùng tất cả các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

TTK (ghi)