Các đơn vị trường học cũng đã cập nhật khá đầy đủ các văn bản chỉ đạo của các cấp về hướng dẫn thực hiện thu, chi học phí và các khoản thu, đóng góp trong nhà trường, tuyên truyền các quy định về thu, chi, quản lý và sử dụng các khoản thu đến giáo viên, phụ huynh học sinh, do vậy cơ bản đã tạo được sự đồng thuận của Nhân dân trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện thu các khoản thu tại một số trường còn bất cập, tạo dư luận không tốt trong Nhân dân, khiến phụ huynh băn khoăn, bức xúc.
Thực trạng việc thu, quản lý các khoản thu trong trường học
Qua khảo sát của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cho thấy, hầu hết các trường được khảo sát đã thực hiện đúng quy định về mức thu theo Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 của HĐND tỉnh. Đồng thời, các trường đã được cấp bù số kinh phí theo quy định của Nghị quyết số 40/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP của Chính phủ về học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đối với những khoản thu theo quy định khác ngoài học phí (dịch vụ trông giữ xe, tiền bảo hiểm y tế), hầu hết các trường đã tổ chức thu ngay sau khi triển khai nhiệm vụ năm học với các khoản thu theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, mức thu theo đúng quy định.
Đối với những khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục như: dạy học 2 buổi/ngày; dạy thêm, học thêm; tổ chức bán trú; chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ vào các ngày nghỉ, ngày hè; hoạt động giáo dục tăng cường... về cơ bản các khoản thu này các trường thực hiện đúng quy trình và công khai, minh bạch, có văn bản thỏa thuận với cha mẹ học sinh và có sự thống nhất trong Ban Giám hiệu, Hội đồng nhà trường.
Về khoản thu tài trợ giáo dục: cơ bản các trường đã thực hiện quy trình vận động tài trợ giáo dục theo đúng quy trình đã được Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn. Kinh phí tài trợ giáo dục thu được đã góp phần cho các trường có thêm nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học ngày càng khang trang hơn.
Công tác quản lý và sử dụng của các trường học cơ bản đảm bảo đúng quy định, có biên lai thu tiền của phụ huynh học sinh. Các khoản thu, chi trong nhà trường cơ bản đã được kiểm soát qua Kho bạc Nhà nước; được hạch toán quyết toán; theo dõi trên một hệ thống sổ sách; hàng năm đều có báo cáo quyết toán và được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện phê duyệt; theo báo cáo của các đơn vị hồ sơ sổ sách tài chính đảm bảo quy định.
Hạn chế, tồn tại
Công tác thu và quản lý sử dụng các khoản thu trong các trường học trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền các quy định về các khoản thu đến phụ huynh học sinh vẫn còn chung chung, chưa làm rõ và cụ thể chi tiết để phụ huynh hiểu về khoản thu, mức thu theo quy định và mức thu thực tế, do vậy việc triển khai các khoản thu tại một số trường chưa nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân, gây dư luận không tốt. Việc sử dụng kinh phí tài trợ giáo dục tại một số địa phương chưa đảm bảo đúng quy định, có tình trạng kinh phí tài trợ giáo dục của năm này nhưng sử dụng để trả nợ cho các hạng mục cơ sở vật chất của năm trước.
Công tác quản lý về thu nộp các loại quỹ (Quỹ Hội phụ huynh, quỹ lớp, Hội trường...) trong các trường học, cơ bản chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc quản lý tài sản được đầu tư, mua sắm từ nguồn tài trợ giáo dục tại một số trường còn thiếu chặt chẽ, chưa có quy định, quy chế cụ thể. Công tác kế toán và lưu trữ hồ sơ, chứng từ tại một số trường còn sai sót, không đầy đủ và chưa đảm bảo tính pháp lý theo quy định;…
Tập trung thực hiện các giải pháp
Để khắc phục những hạn chế, bất cập và thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về việc thu và quản lý sử dụng các khoản thu trong trường học trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất cần ưu tiên bố trí ngân sách sự nghiệp chi cho ngành giáo dục nhất là khoản chi thường xuyên đảm bảo đúng theo quy định, ưu tiên điều tiết phân bổ ngân sách sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong đó ưu tiên cho các đơn vị ở các vùng khó khăn. Các huyện cần thực hiện bố trí ngân sách sự nghiệp chi thường xuyên đối với các đơn vị trường học thuộc quản lý có tính đồng bộ theo tỷ lệ quy định, tạo điều kiện để các trường hoạt động thuận lợi hơn.
Thứ hai tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong công tác thu và quản lý sử dụng các khoản thu trong trường học, nhất là các nhà trường có nhiều ý kiến, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân về tình trạng lạm thu.
Thứ ba tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền các quy định về các khoản thu, mức thu đối với giáo viên và phụ huynh học sinh; thực hiện đúng các hướng dẫn của trung ương, của tỉnh quy định về thu và quản lý, sử dụng các khoản thu trong trường học; thực hiện nghiêm túc quy trình lấy ý kiến cha mẹ học sinh về các khoản đóng góp tự nguyện, các khoản thu thỏa thuận đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, tự nguyện không ép buộc.
Thứ tư các cơ sở giáo dục xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp, đúng quy định đối với việc thu, quản lý, sử dụng các khoản thu trong trường học, nhất là việc quản lý đối với các khoản quỹ trong trường học, tránh biến tướng về lạm thu, tạo dư luận không tốt trong phụ huynh học sinh; quản lý tốt kinh phí hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội để thực hiện đúng quy định.
Thứ năm thẩm định phê duyệt chặt chẽ kế hoạch thu - chi hàng năm, kế hoạch vận động tài trợ của các nhà trường đảm bảo thực sự cần thiết và phù hợp với thực tiễn; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định thực hiện quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư bằng nguồn tài trợ giáo dục đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với các quy định hiện hành.