Và điều cần quán triệt sâu sắc hơn nữa, đó là: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là Nhân dân làm chủ”, do đó, “tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ Nhân dân”.
Tư tưởng “vì dân” đặt ra đối với người cán bộ và đối với người cán bộ dân cử thì yêu cầu này càng là lẽ dĩ nhiên, tất yếu. Bác đã chỉ rõ: “Quốc hội là ai, họ chính là những người được dân bầu ra, thay mặt dân để bảo vệ lợi ích cho Nhân dân”, “đại biểu Quốc hội được cử tri bầu ra không phải để làm quan, không phải để ăn trên ngồi trốc, mà là người đầy tớ thật trung thành với đồng bào”.
Để thực hiện được trọng trách Nhân dân giao phó, người cán bộ phải có đạo đức cách mạng - suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân; và bên cạnh có đức phải có tài, đó là năng lực trí tuệ, năng lực tổ chức thực tiễn, có phong cách khoa học. Bác đã gói gọn những tiêu chuẩn, phẩm chất của người cán bộ bằng hai từ vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Đối với cán bộ dân cử, người xứng đáng được dân lựa chọn, có thêm tiêu chuẩn đã được thấm nhuần, xuyên suốt, nhất quán và được thể chế hóa thành quy định pháp luật: liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
Khi đã trúng cử, tôn chỉ, mục đích, mục tiêu hành động của đại biểu dân cử được Người nêu rõ: “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”. Ngày nay, mỗi đại biểu dân cử cũng mang bên mình lời hứa, có thể xem là lời tuyên thệ trước cử tri, đó là Chương trình hành động khi ứng cử. Và khi cử tri, Nhân dân đã đặt niềm tin vào người đại biểu thì người đại biểu phải giữ được chữ tín với cử tri, Nhân dân. Bác yêu cầu cán bộ “không nói một đàng làm một nẻo”, “không hứa hươu, hứa vượn với dân”. Người cũng khẳng định chân lý “cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì việc gì cũng mỹ mãn”.
Bác cũng đã đề cập đến “chế tài” trong trường hợp đại biểu không còn xứng đáng: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những người đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân”. Kế thừa tư tưởng của Người, Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc cử tri bãi nhiệm...
Như “ngọc càng mài càng sáng”, theo thời gian, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng vững bền, là chân lý, kim chỉ nam soi đường dẫn lối cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Tháng 5 về nhớ Bác..., tháng 5 về cũng nhắc nhớ người đại biểu dân cử về những kỳ bầu cử, về trọng trách trước cử tri, Nhân dân, bởi như Bác nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn...”. Do vậy, mỗi đại biểu dân cử phải không ngừng phấn đấu, nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất, trí tuệ, bản lĩnh để góp phần xây dựng, củng cố, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân./.