Chọn cách tiếp cận hiệu quả
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về Nghệ An là thể hiện sự quan tâm đặc biệt, là cơ sở chính trị to lớn để hiện thực hóa “khát vọng sông Lam”. Xác định được tầm quan trọng đó, đặc biệt nhận thức rõ khâu tổ chức thực hiện Nghị quyết là một phương thức lãnh đạo đặc biệt quan trọng của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong tỉnh, thể hiện năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và quyết định mức độ hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đã đề ra.
Do đó, Tỉnh ủy Nghệ An rất khẩn trương, rốt ráo trong khâu tổ chức thực hiện. Vừa qua, dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW đã được thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đây là khâu áp chót trong quy trình ban hành trước khi hoàn thiện để Thường trực Tỉnh ủy ký ban hành chính thức.
Về cách tiếp cận, cho thấy dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy đã toát lên quan điểm trọng tâm, trọng điểm, phân giao trách nhiệm rõ ràng, rõ thời gian, sát với yêu cầu, có mục tiêu cụ thể, có lộ trình cụ thể, không chung chung.
Bởi như phân tích của lãnh đạo tỉnh, thời điểm này Nghệ An được đánh giá là có những điểm thuận rất quan trọng để phát triển. Các cơ sở chính trị và pháp lý từ cấp Trung ương dành cho tỉnh cơ bản đã đầy đủ. Nghị quyết số 39/NQ-TW được Bộ Chính trị ban hành và trực tiếp Ban Bí thư tổ chức học tập, triển khai. Các ban, bộ, ngành đồng thuận. Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết cũng đã được ban hành. Trên phương diện pháp lý, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các nghị quyết luôn đứng trước những khó khăn, áp lực; đặc biệt là đối với một nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 39-NQ/TW. Đó là việc khởi động thực hiện đang vào giai đoạn gần cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025 nên nguồn lực đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 không có vì đã phân bổ từ đầu kỳ, trong khi thời gian triển khai từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm.
Trong điều kiện có hạn về nguồn lực, giới hạn về thời gian, đòi hỏi phải có cách tiếp cận trong tổ chức thực hiện phù hợp. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, việc xây dựng, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW là để xác định mục tiêu, dự án, đề án cụ thể; song trong đó phải có lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên để thực hiện.
Mặt khác, để có thêm nguồn lực và tạo sự chủ động cho tỉnh nói chung, thành phố Vinh nói riêng, Nghệ An tiếp tục triển khai thực hiện, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách theo Nghị quyết số 36/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù dành cho tỉnh; đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù trình các cấp có thẩm quyền ban hành để bảo đảm nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, nhất là các chính sách về tài chính, ngân sách để tạo nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm, thành phố Vinh, khu vực miền Tây; và cả cơ chế phân cấp quản lý, tổ chức, biên chế cho tỉnh.
Mục tiêu mà Nghệ An đang đặt ra là đến Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV, tức là vào tầm tháng 6/2024, tỉnh sẽ có được các cơ chế, chính sách này. Hiện nay, trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Tổ trưởng tổ xây dựng cơ chế, chính sách mới để trình Chính phủ, Quốc hội; điều đó cho thấy tầm quan trọng của nhiệm vụ này.
Nêu cao trách nhiệm tổ chức thực hiện
Tiếp cận với dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị có thể thấy, bên cạnh các công trình, dự án của Chính phủ sẽ đầu tư, về phần mình, Nghệ An xác định dành nguồn vốn đầu tư công và cả nguồn huy động, kêu gọi đầu tư chủ yếu cho các hạ tầng trọng điểm.
10 nhiệm vụ đầu tư dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đang được đề xuất chủ yếu trong lĩnh vực giao thông, chuyển đổi số, đô thị thông minh và y tế như: Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Hồ Chí Minh nối QL.48E Tân Long - Tân Kỳ (Đoạn kéo dài đường giao thông nối từ QL.7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ); xây dựng nâng cấp mở rộng tuyến ĐT.536 Nam Cấm - Cửa Lò và tuyến ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò đoạn qua thị xã Cửa Lò hình thành tuyến tránh phía Đông thành phố Vinh; xây dựng tuyến nối QL.45 (Thanh Hóa) - QL.48 (Nghệ An); xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; xây dựng Khu liên hợp thể thao vùng Bắc Trung; xây dựng Trung tâm Hội nghị tỉnh; đầu tư xây dựng Bệnh viện tim mạch và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới;… Ngoài ra, Nghệ An kêu gọi đầu tư vào 20 danh mục lĩnh vực, dự án trọng điểm trên các lĩnh vực: Kết cấu hạ tầng; hạ tầng đô thị, khu dân cư; công nghiệp; nông, lâm nghiệp và thủy sản; thương mại, du lịch, dịch vụ.
Tuy nhiên để làm được điều này, không phải chỉ ở cấp tỉnh mà đòi hỏi tinh thần chung sức, đồng lòng, chia sẻ, gánh vác trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy nhiều lần nhấn mạnh, quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện. Theo đó, UBND tỉnh phải ngay lập tức có kế hoạch thực hiện Chương trình hành động; các ngành, cấp huyện cần xây dựng kế hoạch càng chi tiết, cụ thể hơn để triển khai thực hiện khi Chương trình hành động được ban hành.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất các tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là 21 huyện, thành, thị; các ban, sở, ngành phải xây dựng kế hoạch thực hiện gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị; thể hiện sự quyết tâm, sáng tạo và bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả; bám sát vào tinh thần nghị quyết, chương trình hành động của cấp ủy cấp trên, chứ không phải sao chép lại câu chữ của cấp ủy cấp trên; từ đó tránh tình trạng ban hành kế hoạch chung chung, đối phó, miêu tả lại Nghị quyết số 39 -NQ/TW, Chương trình hành động của Tỉnh ủy.