Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế tự chủ của các bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn, do đó tại Kỳ họp thứ 25 HĐND tỉnh Nghệ An sẽ chất vấn vấn đề tự chủ các các bệnh viện để thông tin minh bạch và đề ra các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Kết quả tích cực từ thực hiện tự chủ các bệnh viện công lập
1 đơn vị tự chủ nhóm I, 18 đơn vị tự chủ nhóm II, 18 đơn vị tự chủ nhóm III
Theo báo cáo của Sở Y tế đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 01 đơn vị tự chủ tài chính với mức tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm I), 18 đơn vị tự chủ tài chính với mức tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm II) chiếm 76% trong tổng số đơn vị sự nghiệp do Sở Y tế quản lý quản lý và điều hành ngân sách) gồm 01 đơn vị tự chủ nhóm I là Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh; 18 đơn vị tự chủ nhóm II gồm: 11 bệnh viện tuyến tỉnh: Các bệnh viện: Sản - Nhi, Ung bướu, Nội tiết, Phục hồi chức năng, Chấn thương - Chỉnh hình, Phổi, Mắt, đa khoa khu vực Tây Bắc và Tây Nam, Y học cổ truyền, Da liễu và 07 Bệnh viện đa khoa tuyến huyện hạng II: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương, Đô Lương và thành phố Vinh.
Ngoài ra, có 18 đơn vị tự chủ tài chính với mức tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm III) gồm: 06 đơn vị tuyến tỉnh: Bệnh viện Tâm thần; Trung tâm: Kiểm soát bệnh tật, Huyết học - Truyền máu, Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm - Thực phẩm, Giám định y khoa, Giám định pháp y; 12 đơn vị tuyến huyện: Trung tâm y tế các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Cửa Lò, Hoàng Mai; 09 đơn vị do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên gồm Trung tâm Y tế các huyện: Con Cuông, Đô Lương, Thanh Chương, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thái Hòa và thành phố Vinh.
Thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Việc thực hiện cơ chế tự chủ trong thời gian qua đã thực sự thay đổi diện mạo của các bệnh viện công lập. Theo đó, nhiều bệnh viện đã phát triển về cả quy mô và chất lượng với cơ sở hạ tầng khang trang, thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, cải tiến thủ tục hành chính; nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu tại một số bệnh viện ngang tầm với các bệnh viện tuyến trung ương, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân. Một số kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới được triển khai như: can thiệp mạch, mổ tim hở, hỗ trợ sinh sản, ghép thận, ghép xương hàm, kỹ thuật ECMO cứu sống bệnh nhân nặng nguy kịch, can thiệp mạch tạng, nội soi nối thông lệ mũi,… Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã phối hợp cùng với Bệnh viện Việt - Đức và Bệnh viện Trung ương Huế tư vấn thành công hiến tạng từ người hiến chết não, đồng thời lấy đa tạng (gan, thận, giác mạc, van tim, mạch máu…) và triển khai thành công ca ghép thận từ người hiến chết não.
Người dân ngày càng tăng cơ hội được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại. Thời gian qua, nhiều bệnh viện đã chuyển từ tư duy “phục vụ” sang “cung ứng dịch vụ”; đồng thời, thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh Trên cơ sở đó, tổ chức lại, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị trực thuộc hoạt động không hiệu quả hoặc chưa phù hợp để thành lập các đơn vị mới hoạt động hiệu quả hơn. Bản thân các y, bác sỹ, nhân viên bệnh viện cũng ý thức rõ hơn tinh thần phục vụ người bệnh, có thái độ chuẩn mực hơn… Theo thống kê, số lượt khám chữa bệnh năm 2023 tăng 14,4% so với năm 2020; số lượt điều trị nội trú năm 2023 tăng 136.206 lượt so với năm 2018.
Kết quả tự kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế cho thấy điểm trung bình chung năm 2023 của các cơ sở khám, chữa bệnh đạt 3,42 điểm (cao nhất là 4,4; thấp nhấp là 2,7). Tỷ lệ hài lòng người bệnh nội trú 97,2%, ngoại trú: 94,8%. Trong đó, các chỉ số thái độ ứng xử của nhân viên y tế, minh bạch về thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận dịch vụ có sự chuyển biến tích cực và đạt tỷ lệ cao.
Giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước
Thực hiện cơ chế các bệnh viện cũng có cơ hội sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hoạt động, phát huy tính năng động, sáng tạo trong việc sử dụng có hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước giao, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị y tế để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cũng như dịch vụ phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện tăng nguồn thu. Việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở y tế công lập giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tăng hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho y tế thông qua việc hỗ trợ người dân mua thẻ bảo hiểm y tế và đầu tư cho y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Tổng ngân sách nhà nước cấp cho chi thường xuyên giai đoạn 2018-2023 là: 1.602,6 tỷ đồng, chiếm 7,3% trong tổng nguồn tài chính của các đơn vị Trong đó: năm 2018 là 174 tỷ đồng; năm 2019 là 189,7 tỷ đồng; 2020 là 278,8 tỷ đồng; năm 2021 là 368 tỷ đồng; năm 2022 là 292,6 tỷ đồng năm 2023 là 299,5 tỷ đồng.
Nguồn ngân sách cấp cho 16 đơn vị tự chủ tài chính nhóm II giai đoạn 2018-2019 và 19 đơn vị tự chủ tài chính nhóm I, nhóm II giai đoạn 2020 - 2023 là kinh phí hỗ trợ sửa chữa, cải tạo nhà cửa, cơ sở vật chất. Từ năm 2020 đến năm 2023, ngân sách cấp cho các đơn vị sự nghiệp y tế tăng lên là do chi trả chính sách cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Đối với nguồn ngân sách chi thường xuyên giao tự chủ, ngân sách cấp giảm dần qua hàng năm và hiện nay chỉ cấp cho 6 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên (nhóm III) gồm: Bệnh viện Tâm thần; Trung tâm: Kiểm soát bệnh tật, Huyết học - Truyền máu, Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm - Thực phẩm, Giám định y khoa và Trung tâm Giám định pháp y.
Năm 2024, ngân sách nhà nước cấp cho chi thường xuyên là 212,1 tỷ đồng, chiếm 5,6% trong tổng nguồn tài chính của các đơn vị. Trong đó, chủ yếu cấp cho các đơn vị tự chủ nhóm 3 với số kinh phí là 114,38 tỷ đồng.
Tăng nguồn kinh phí tái đầu tư cơ sở vật chất và tăng thu nhập cho cán bộ y tế
Cơ chế tự chủ khuyến khích các bệnh viện sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn kinh phí, trích lập các quỹ của bệnh viện, góp phần tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và tăng nguồn thu cho cán bộ công chức.
Giai đoạn năm 2018 đến năm 2023, đơn vị có mức chi trả thu nhập tăng thêm cao nhất là Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh với mức chi trả bình quân là từ 7,1 triệu đồng đến 14,4 triệu đồng/người/tháng. Đối với 9 tháng đầu năm 2024, đơn vị có mức chi trả thu nhập tăng thêm bình quân cao nhất là Bệnh viện Y học Cổ truyền (8,82 triệu đồng/người/tháng); tiếp đến là Bệnh viện Chấn thương (7,5 triệu đồng/người/tháng). Trong đó, người cao nhất là 37,7 triệu đồng/ tháng tại Bệnh viện HN đa khoa tỉnh.
Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các đơn vị ngày càng tăng giúp các bệnh viện chủ động trong công tác đầu tư, xây dựng sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị mà không phải phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Tổng giá trị chi Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp giai đoạn 2018-2023 là 990,9 tỷ đồng chiếm 5,9% trong tổng chi thường xuyên của các đơn vị.
Nhiều khó khăn, bất cập
Việc thực hiện tự chủ đối với một số cơ sở y tế tuyến tỉnh và các cơ sở y tế tuyến huyện gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư do khả năng thu thấp, chủ yếu thu từ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Công tác tuyển dụng nhân lực còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao. Số lượng người làm việc chưa đảm bảo so với nhu cầu tại các đơn vị tự chủ tài chính nhóm III, nhóm IV.
Nguồn kinh phí của đơn vị còn hạn hẹp, đặc biệt là đối với các đơn vị tự chủ tài chính nhóm III, nhóm IV, vì vậy không có nguồn kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất và không đảm bảo nguồn chi trả lương tăng thêm cho đội ngũ viên chức, người lao động.
Phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao tại một số bệnh viện chưa tương xứng với nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Tình trạng quá tải còn xảy ra tại các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến tỉnh. Một số bệnh viện có khuôn viên, cơ sở hạ tầng còn chật hẹp, xuống cấp ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.
Còn tình trạng một số cơ sở y tế không cung ứng kịp thời đủ một số loại thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, nhất là vật tư y tế kỹ thuật cao, vật tư, linh kiện thay thế độc quyền.
Chất vấn để thông tin minh bạch và đưa ra các giải pháp
Từ khó khăn, bất cập nêu trên, nhằm tạo diễn đàn công khai tại kỳ họp HĐND tỉnh nhằm mục đích thông tin minh bạch trước cử tri và Nhân dân tỉnh nhà về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ trong các bệnh viện công lập, làm rõ những kết quả đạt được, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ trong các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh, tại Kỳ họp thứ 25 HĐND tỉnh diễn ra từ ngày 05 - 06/12/2024 HĐND tỉnh sẽ tiến hành chất vấn nội dung này.
Hy vọng, từ kết quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sẽ có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị; nâng cao hiệu quả, thực hiện tốt cơ chế tự chủ của các bệnh viện công lập theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống y tế công lập để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân./.