Cơ chế, chính sách về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm ban hành; nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao có nhiều thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao đã phát huy khá hiệu quả trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng và Nhà nước với Nhân dân, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, thể dục-thể thao, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa, nâng cao thể lực, tầm vóc con người xứ Nghệ góp phần thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những kết quả đạt được
Về công tác chỉ đạo, ban hành văn bản: Trong thời gian qua, thực hiện quy định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của Nhân dân, công tác xây dựng, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao được các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện. Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 20/12/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo. HĐND tỉnh bàn hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Cấp ủy, chính quyền các huyện, thành, thị đã đưa các chỉ tiêu xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đạt tiêu chí quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nghị quyết HĐND, kế hoạch Nhà nước hàng năm để thực hiện.
Các xã đã đưa chỉ tiêu về xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao vào Nghị quyết HĐND cấp xã và có kế hoạch triển khai cụ thể tới tận xóm, bản. Nhiều xã đã quan tâm dành quỹ đất sử dụng cho thiết chế văn hóa, thể thao, thực hiện xin chủ trương đấu giá đất để trích lại và huy động Nhân dân đóng góp tiền, ngày công xây dựng, quản lý và tổ chức phát huy hiệu quả thiết chế văn hoá, thể thao.
Về quy hoạch đất: Trong thời gian qua, công tác quy hoạch đất dành cho thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh đã được sự quan tâm và triển khai. Tỉnh đã quy hoạch đất dành cho thiết chế cấp tỉnh, gồm: Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Nghệ An. Đa số các địa phương đã dành quỹ đất cho việc xây dựng, đồng thời, đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các thiết chế hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của Nhân dân. Đến nay, 21/21 huyện, thành, thị đã có quy hoạch đất thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện; 443/460 xã, phường, thị trấn có diện tích đất quy hoạch cho khu hội trường/nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn.
Về xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị: Việc đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2021 - 2024 cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của Nhân dân với rất nhiều thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp từ nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng kinh phí hơn 1.415 triệu đồng; có 558 thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn và 26 thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã được hỗ trợ đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động tổng kinh phí hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao nhất là nhà văn hóa xóm đã được đầu tư cải tạo, xây dựng, mua sắm trang thiết bị từ nguồn xã hội hóa, huy động sự đóng góp của Nhân dân.
Cấp tỉnh có 2 thiết chế: Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Nghệ An đã được quan tâm, đầu tư xây dựng, cơ bản đảm bảo hoạt động.
Về thiết chế văn hóa - thể thao cấp huyện: Các huyện đã sử dụng khá hiệu quả các nguồn vốn để xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện. Hiện nay, có 20/21 (huyện, thành, thị) có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, 18/21 (huyện, thành, thị) có sân vận động cấp huyện; 8/21 (huyện, thành, thị) có nhà thi đấu do huyện quản lý và có 77 nhà thi đấu một môn hoặc nhiều môn do các ngành, đơn vị trên địa bàn huyện quản lý. Cấp xã có 445/460 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, 403/445 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có 438/460 xã, phường, thị trấn có khu thể thao; 394/438 xã, phường, thị trấn có khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Đã có 3.767/3.797 xóm có nhà văn hóa, trong đó có 3.098/3.767 xóm có nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn theo theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có 3.523/3.797 xóm có khu thể thao, trong đó có 3.005/3.523 xóm có khu thể thao đạt chuẩn theo quy định. Ngoài ra, số thôn sau sáp nhập có nhà văn hóa được xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp, cải tạo một trong số nhà văn hóa hiện có để làm điểm sinh hoạt cộng đồng thôn là 1.170 nhà.
Về tổ chức bộ máy, nhân sự và nguồn nhân lực: Đến nay, Trung tâm Văn hóa tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao; hầu hết Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông cấp huyện là đơn vị sự nghiệp công lập được quản lý trực tiếp từ UBND cấp huyện; một số Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã là đơn vị sự nghiệp do UBND cấp huyện thành lập và giao cho UBND cấp xã quản lý trực tiếp; Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn là đơn vị tự quản. Tổ chức bộ máy của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp cơ bản theo quy định.
Về nguồn nhân lực: trong thời gian qua đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các thiết chế văn hóa được tăng cường, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, Vì vậy, cán bộ, viên chức đang làm việc tại Trung tâm Văn hóa tỉnh có trình độ đại học trở lên đạt khoảng 92%, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao có cán bộ, viên chức có trình độ đại học trở lên khoảng 96%; ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông cấp huyện hiện có 456 biên chế viên chức số lượng cán bộ, viên chức có trình độ đại học trở lên khoảng 90%. Ở cấp xã, công chức văn hóa - xã hội cấp xã hiện có 456 cán bộ chuyên trách, trong đó có trình độ đại học trở lên 91%. Đối với thôn, bản, khối, xóm, có 3.797 Trưởng thôn phụ trách nhà văn hóa thôn. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, điều hành hệ thống thiết văn hóa thể thao cơ sở về cơ bản đã phát huy tốt năng lực, sử dụng kiến thức được đào tạo, kinh nghiệm tích lũy trong quá trình công tác để tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về tổ chức các hoạt động; quản lý, sử dụng: Thiết chế văn hóa, thể thao các cấp đã thực hiện tốt chức năng tổ chức các hoạt động chuyên môn và hướng dẫn nghiệp vụ, xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nội dung, chương trình ngày càng tinh, gọn, đổi mới phương thức, đa dạng, phong phú và linh hoạt phù hợp hơn với từng đối tượng tham gia, đã bắt kịp nhanh với những thay đổi, nhu cầu, thị hiếu của xã hội, đáp ứng nhu cầu của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần ngày càng cao của Nhân dân; từng bước xây dựng và hình thành môi trường văn hóa cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mỗi địa phương.
Hạn chế, khó khăn
Các thiết chế văn hóa thể thao ở cấp tỉnh cơ sở vật chất chưa đảm bảo để đáp ứng nhu cầu phát triển xứng tầm với mục tiêu xây dựng xây dựng thành phố Vinh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Nghệ An- trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ; Thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, cấp xã, xóm ở nhiều đơn vị còn thiếu, chưa đồng bộ, nhiều thiết chế lạc hậu, xuống cấp, chưa đảm bảo chuẩn theo định, khu vui chơi dành cho người già, trẻ em chưa được quan tâm đầu tư.
Việc quy hoạch, sử dụng đất cho thiết chế văn hóa, thể thao nhiều nơi chưa hợp lý hoặc chưa đảm bảo số lượng theo quy định, nhất là đối với các huyện miền núi, chưa chú trọng quy hoạch các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em; Tiến độ thực hiện chỉ tiêu xã có thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở các huyện miền núi tỷ lệ thấp; một số nhà văn hóa xóm chưa được quan tâm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Việc xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn ở các xã, thôn, xóm sau khi sáp nhập đơn vị hành chính chưa được quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng, hiện tại vẫn là tình trạng thừa thiếu cục bộ về thiết chế văn hóa chưa được sắp xếp bố trí hợp lý.
Việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao theo Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành còn chậm, có nhiều hạn chế, không đạt hoặc chưa đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành nghị quyết.
Công tác quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao một số địa phương chưa được phát huy hiệu quả, dẫn đến gây lãng phí, nhất là sân vận động cấp huyện, cấp xã.
Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao một số huyện, xã, phường, thị trấn được bố trí, sắp xếp nhưng không có chuyên môn về văn hóa, thể thao nên trình độ, năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và năng lực tổ chức quản lý hạn chế về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động; số lượng chưa đảm bảo.
Giải pháp trong thời gian tới
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn và đồng thời xây dựng đồng bộ, khai thác hiệu quả các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cần triển khai các giải pháp sau:
Một là rà soát lại các cơ chế, chính sách đã ban hành để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các chính sách mới hiệu lực, hiệu quả hơn, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nghiên cứu ban hành quy định, hướng dẫn về cơ chế xã hội hóa thu hút cá nhân, doanh nghiệp thuê một phần diện tích, đầu tư sân tập luyện thể thao, sân bóng đá mi ni,… để khai thác phát huy hiệu quả sân vận động cấp huyện, cấp xã đảm bảo theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Hai là đổi mới phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao để phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đổi mới các nội dung, chương trình hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp gắn với thực tiễn đời sống tinh thần và nhu cầu người dân. Xây dựng chương trình, tiết mục hoạt động phong phú, phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng và lứa tuổi.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân, các tổ chức và toàn xã hội về vị trí, vai trò của thiết chế văn hóa, thể thao trong phát triển văn hóa, con người xứ Nghệ cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bảo đảm ngân sách Nhà nước và huy động sự đóng góp của toàn xã hội để trang bị các phương tiện tuyên truyền cần thiết cho việc triển khai các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan ở cơ sở, nắm bắt chủ trương kịp thời và đúng đắn. Đẩy mạnh tuyên truyền và nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu phù hợp góp phần nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Bốn là làm tốt công tác quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tăng cường quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao sau sáp nhập đơn vị hành chính, sớm hoàn thành việc rà soát và có phương án xử lý đối với các nhà văn hóa, khu thể thao dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 và rà soát, có kế hoạch, phương án xử lý cho giai đoạn 2023 - 2025 sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về việc sắp xếp đơn vị hành cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Năm là rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến thôn, xóm để có lộ trình cụ thể đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây mới các thiết chế văn hóa, thể thao chưa có và chưa đạt chuẩn, đảm bảo đúng mục tiêu theo Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đánh giá lại hiệu quả đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các thiết chế trong thời gian qua để có giải pháp đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả hơn trong thời gian tới; quan tâm hơn nữa đến khu vui chơi cho người già, trẻ em.