Các đại biểu đề nghị dự thảo Luật phải thể hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Nhà nước về văn hóa nói chung, phát triển ngành Điện ảnh nói riêng theo mục đích đã được xác định ở trên, phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ số, tạo hành lang pháp lý thuận lợi; khuyến khích, thu hút các tổ chức cá nhân, tham gia hoạt động điện ảnh Việt Nam; quan tâm đến quyền hưởng thụ và sáng tạo của người dân. Quá trình hoàn thiện dự án Luật cần tham khảo kinh nghiệm pháp luật của các nước có nền điện ảnh phát triển. Nội dung của các điều Luật cần thể hiện vai trò của Nhà nước điều tiết, tạo “sân chơi” cởi mở để điện ảnh Việt nam phát triển; đổi mới công tác quản lý nhà nước theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với phim hợp tác với nước ngoài . Quan tâm đến vấn đề bảo hộ hợp pháp phim Việt Nam để nâng tầm điện ảnh Việt Nam, hạn chế khả năng xâm lấn, chi phối của điện ảnh nước ngoài; các quy định của dự thảo Luật cần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quảng cáo, Luật An ninh mạng. Rà soát, điều chỉnh bố cục cân đối, hài hòa, hợp lý; nghiên cứu, bổ sung quy định về “hợp tác quốc tế trong hoạt động điện ảnh”.

Cùng với đó, vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận, tranh luận nhiều nhất là cơ chế, chính sách phát triển điện ảnh, các đại biểu cho rằng: cần quy định cụ thể hơn, cơ chế khai phóng, cởi mở để phát huy sáng tạo, tạo động lực cho điện ảnh Việt Nam phát triển; chính sách phải gắn với nguồn lực thực tế để đảm bảo tính khả thi; nghiên cứu điều chỉnh các chính sách trong dự thảo còn phân tán, dàn trải, chủ yếu liên quan đến quản lý nhà nước; bổ sung các chính sách đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh để phát triển theo hướng thị trường; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh song song với bảo tồn, phát huy các cơ sở điện ảnh của Nhà nước để phục vụ nhiệm vụ chính trị; chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hệ thống rạp, đầu tư xây dựng phim trường và cơ sở hạ tầng phát triển điện ảnh; chính sách phát triển công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và các ngành kinh tế liên quan; nghiên cứu chính sách ưu đãi đối với dòng phim lịch sử để giáo dục cho thế hệ trẻ; giảm giá, miễn thuế hoặc ưu đãi đối với đối tác nhập khẩu phim Việt Nam; khuyến khích đầu tư sản xuất phim xuất khẩu; tăng cường liên kết sản xuất các sản phẩm điện ảnh giữa Việt Nam và các nước có nền điện ảnh phát triển; cụ thể hóa chính sách đãi ngộ đối với các nghệ sĩ có thành tựu, đóng góp nhiều cho sự nghiệp điện ảnh; bổ sung chính sách ưu tiên phổ biến phim cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Lựa chọn cơ chế phù hợp sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước; phổ biến phim trên không gian mạng; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh…

plugin_ckeditor_upload.upload.bc9b816985278b72.c4906fc3a06e204e6768e1bb8720416e2e6a7067.jpg

ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Văn Thành phát biểu đề nghị thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam tại phiên Thảo luận trực tuyến về Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Tham gia thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Thái Văn Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có ý kiến thảo luận về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Đại biểu cho rằng, việc thành lập Quỹ này là hết sức cần thiết bởi các lý do:

Thứ nhất, đây là giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ đầu tư cho các tài năng trẻ; hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung nghệ thuật, kỹ thuật của các tác phẩm điện ảnh; xúc tiến quảng bá đất nước, con người và điện ảnh Việt Nam thông qua chính các tác phẩm điện ảnh có chất lượng cao được giới thiệu, phổ biến đến khán giả nước ngoài, tham dự các liên hoan phim quốc tế.

Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay cơ chế đặt hàng sản xuất có sử dụng ngân sách Nhà nước, chưa bao gồm sản xuất các phim tạm gọi dòng phim tác giả, phim nghệ thuật, phim đầu tay của các tài năng mới. Vì vậy, nếu Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được thành lập sẽ đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ, khuyến khích các tài năng sáng tạo; duy trì và phát triển dòng phim nghệ thuật; qua đó tạo ra được sự hài hòa phát triển giữa các dòng phim của Việt Nam.

Thứ ba, sản xuất phim là lĩnh vực cần có sự đầu tư kinh phí lớn, tuy nhiên, việc thu hồi vốn để tái đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ gặp rủi ro cao, đặc biệt là các phim nghệ thuật. Vì vậy, Quỹ này có vai trò hỗ trợ, khuyến khích, chia sẻ khó khăn với các nhà sản xuất phim. Mặt khác, tại Việt Nam, nhiều chính sách mở cửa và các quy định thông thoáng của pháp luật các doanh nghiệp phát hành, kinh doanh chiếu phim tại Việt Nam đang thu lợi nhuận lớn từ kinh doanh chiếu phim nhưng đa số lợi nhuận chủ yếu từ việc chiếu phim nước ngoài nhập khẩu, ngoài việc đóng thuế thu nhập các doanh nghiệp chưa thực hiện nhiệm vụ tái đầu tư đóng góp lợi nhuận cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam một cách bài bản. Cho nên, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh càng cần phải thành lập để trên cơ sở những quy định phù hợp đúng pháp luật việc đóng góp tài chính từ doanh thu của doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim đóng góp vào nguồn quỹ hỗ trợ thúc đẩy điện ảnh dân tộc phát triển.

Thứ tư, trong Luật Điện ảnh hiện hành chưa có điều khoản nào quy định ngân sách Nhà nước chi cho sản xuất những phim tác giả mang đậm tính nghệ thuật để tranh giải tại các hoan phim quốc tế. Nếu không có Quỹ để đầu tư, khuyến khích người tài sẽ dẫn đến việc Nhà nước luôn đứng ngoài, không hỗ trợ mức độ cần thiết cho các tác phẩm có thể đưa điện ảnh Việt Nam xác lập vị thế văn hóa trên trường quốc tế.

Theo đó, đại biểu cũng đồng tình với ý kiến của một số đại biểu rằng: để Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh phát huy có hiệu quả cần có cơ chế quản lý quỹ này rõ ràng và đề nghị Quốc hội, Chính phủ xác định tầm quan trọng của điện ảnh và sự cần thiết để thành lập Quỹ hỗ trợ, phát triển điện ảnh nhằm thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển theo định hướng vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành công nghiệp văn hóa./.

Phan Hậu

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nghệ An