Qua những trang báo, những chương trình truyền hình, chúng ta đã phần nào biết đến cuộc sống, nhiệm vụ của quân và dân trên đảo, về con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển…. Nhưng chỉ khi thực sự được đặt chân đến nơi ấy, giữa biển trời bao la, mới thấu hiểu hết được giá trị và tình yêu lớn lao dành cho đất nước.

Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An chụp ảnh tại đảo Trường Sa

Chuyến công tác đầu tiên của tôi đến Trường Sa diễn ra đúng vào dịp đặc biệt - kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cũng là dấu mốc kỷ niệm 50 năm giải phóng các đảo trên quần đảo. Cùng đoàn công tác của tỉnh, chúng tôi lần lượt đi đến thăm các đảo như Đá Thị, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn, Đá Tây A, Trường Sa Lớn và Nhà giàn DK1. Từng bước chân chạm vào mảnh đất thiêng liêng, lòng tôi không khỏi bồi hồi khi đứng trước cột mốc chủ quyền, trước những chứng tích lịch sử – nơi bao thế hệ cha ông đã kiên cường bám trụ để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Và xúc động khi được gặp những người lính hải quân, lực lượng quân, dân trên đảo, ngày đêm lặng thầm thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng.

Đoàn công tác giao lưu cùng các cháu tại trường tiều học thị trấn Trường Sa

Tại Trường Sa, giáo dục và y tế không chỉ là nhu cầu cơ bản, mà còn là "mạch sống" duy trì tinh thần, thắp sáng ước mơ và giữ gìn hy vọng cho những thế hệ trẻ giữa biển đảo. Trên các xã đảo như Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Đá Tây A, dù cơ sở vật chất còn khiêm tốn, các lớp học vẫn diễn ra đầy đủ, đúng chương trình năm học. Ngoài việc học chữ, ở đây các học sinh còn được tham gia các hoạt động thể chất như tập thể dục nâng cao sức khỏe, tổ chức các trò chơi vận động, tham gia một số hoạt động như chào cờ Tổ quốc trước cột mốc chủ quyền, đón các khách từ đất liền ra thăm. Đoàn chúng tôi đến đúng dịp lễ, nhưng các em học sinh vẫn có mặt từ sáng sớm, xếp hàng ngay ngắn, ánh mắt sáng hồn nhiên, hân hoan đón chào đón chúng tôi. Qua trò chuyện với các thầy giáo và cán bộ chiến sĩ, tôi được biết: mỗi trường chỉ có khoảng trên dưới 10 học sinh, được chia thành hai nhóm lớp từ mầm non đến tiểu học, do hai thầy phụ trách. Tại Trường Tiểu học Sinh Tồn, thầy giáo Trương Hồng Lĩnh xúc động chia sẻ: “Việc dạy học trên đảo không chỉ là truyền kiến thức mà còn là gieo mầm ước mơ, gieo niềm tin, tình yêu quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo cho các em ...”

Giao lưu cùng các em học sinh trên đảo Sinh Tồn

Khi đến Trường Tiểu học Đá Tây – ngôi trường vừa được khánh thành vào năm học 2023–2024, ở đây học sinh cũng được chia thành hai nhóm lớp: một nhóm là mầm non và lớp 1, nhóm còn lại từ lớp 2 đến lớp 5, do hai thầy giáo phụ trách giảng dạy (sau lớp 5, các em sẽ được gia đình gửi ra đất liền tiếp tục học tập). Cũng như các trường đảo khác, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, nằm ở trung tâm hành chính của huyện đảo, tuy có điều kiện tốt hơn về cơ sở vật chất và trang thiết bị, cũng chỉ có hai lớp học, nhưng đầy ắp yêu thương của những người thầy tận tụy chăm lo, dạy dỗ, nâng niu từng ước mơ bé nhỏ.

Thăm các gia đình trên đảo Đá tây
Cùng em bé trên đảo Trưởng sa Lớn và đảo Đá Tây

Theo quy định của tỉnh Khánh Hòa, điều kiện được ra đảo công tác khá nghiêm ngặt về sức khỏe và độ tuổi. Nhưng đã có nhiều thầy giáo tình nguyện vượt qua mọi rào cản để gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi đảo xa, họ vừa là thầy, nhưng vừa là “bảo mẫu”. Trung tá Cấn Ngọc Sơn – Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, bày tỏ: “Quân dân trên đảo đã chủ động phối hợp, tạo mọi điều kiện, không nề hà khó khăn vất vả gì trong thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng như việc chăm lo cho giáo dục, chăm lo việc học tập của các cháu học sinh. Các Thầy giáo ở đây rất tận tụy dạy bảo học sinh với những nỗ lực lớn nhất vừa là người thầy, người cha, là “người bạn…”.  Một trong những hiện vấn đề đáng quan tâm ở đây là việc dạy và học ngoại ngữ, cũng như tiếp cận công nghệ thông tin của học sinh tại các trường học trên đảo. Do chưa có mạng internet, thiếu giáo viên bộ môn, học sinh vẫn còn nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận với kiến thức và công nghệ hiện đại. Tuy vậy, những kết quả dạy và học qua ghi nhận hàng năm của chính quyền về giáo dục ở Trường Sa cho thấy tinh thần nỗ lực rất lớn của Thầy và trò nơi đây.

Các em thiếu nhi biểu diễn văn nghệ trên đảo Trường Sa
Đoàn công tác thăm và tặng quà cho Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa

Bên cạnh giáo dục, hệ thống y tế ở Trường Sa cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Dù trong điều kiện trang thiết bị còn hạn chế và thường xuyên đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, nhưng đội ngũ y, bác sĩ trên đảo luôn giữ vững tinh thần “sẵn sàng phục vụ”. Các bệnh xá đã trở thành điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, cũng như giúp cán bộ, chiến sĩ đảm bảo sức khỏe, hoàn thành  tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cây xanh trên đảo Sinh Tồn
Hoa bàng vuông khoe sắc ở Trường Sa

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các bệnh xá ở Sinh Tồn, Đá Tây A, Trường Sa… những năm gần đây đã được tăng cường cả nhân lực lẫn thiết bị y tế hiện đại từ các bệnh viện lớn như Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175… Tại Bệnh xá Trường Sa Lớn đã được trang bị máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm màu 4 chiều, hệ thống khám chữa bệnh từ xa (telemedicine), giúp bác sĩ đất liền hỗ trợ kịp thời các ca bệnh khó trên đảo. ở trong điều kiện nào thì tinh thần phục vụ quân và dân tại các đảo vẫn luôn kịp thời. Một chiến sĩ quân y tôi gặp tại đảo Cô Lin chia sẻ: “Mùa đánh bắt xa bờ, có nhiều ngư dân gặp sự cố ghé đảo để được chăm sóc. Chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện băng bó, sơ cứu, cấp phát thuốc men để bảo vệ tính mạng bà con. Trường hợp nặng thì người dân có thể qua các bệnh xá lớn hơn.”. Quả thật, mỗi đảo, điểm đảo thuộc Trường Sa đã trở thành điểm tựa sinh tồn, là niềm tin vững chắc cho bà con ngư dân vươn khơi bám biển.

Giao lưu thể thao với chiến sĩ ở đảo Trường Sa Lớn

Hải trình đã khép lại sau 1 tuần, chuyến đi đặc biệt này đã khiến tôi lắng đọng rất nhiều tình cảm và sự biết ơn sâu sắc khi được chứng kiến giữa mênh mông sóng gió, điều mà những người lính, những thầy cô, y bác sĩ nơi đảo xa thể hiện không chỉ là lòng yêu nước mà còn là tinh thần vững vàng, ý chí kiên trung, không than vãn về khó khăn, gian khổ. Mọi người đều lặng thầm cống hiến, tận tụy, sẵn sàng vì nhiệm vụ thiêng liêng cao cả bảo vệ chủ quyền, gieo mầm ước mơ cho thế hệ trẻ và giữ gìn mạch sống giữa khơi xa. Trong đêm giao lưu văn nghệ trên đảo Trường Sa Lớn, khi MC hỏi một em nhỏ: “Cô giáo đã dạy con múa bao lâu?”, em trả lời: “Ở đây con chỉ có thầy giáo thôi, không có cô giáo ạ”. Câu trả lời hồn nhiên của bạn nhỏ, khiến mọi người đều cười nhưng cũng không khỏi chạnh lòng và thấm thía hơn những hy sinh của những người giáo viên và những thiệt thòi của các em nhỏ ở đây.

Viết vào sổ lưu niệm, động viên các chiến sỹ tại đảo Trường Sa Lớn
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cũng các chiến sỹ trên đảo Đá Tây A

Rời Trường Sa dưới bầu trời trong xanh, biển cả mênh mông, hình ảnh các chiến sĩ vững vàng tay súng, những ánh mắt long lanh, tiếng cười hân hoan của các em nhỏ, những cây phong ba, bàng vuông vươn mình chống chọi nắng gió, những lớp học nhỏ bé nhưng đầy tình thương … sẽ mãi là ký ức sâu sắc trong tôi. Trường Sa – nơi đầu sóng ngọn gió, nơi những mầm xanh đang lớn lên vững chãi từng ngày. Nơi ấy, những con người kiên cường ngày đêm bám trụ giữ gìn mảnh đất thiêng liêng, để mạch sống biển đảo Tổ quốc mãi trường tồn.