Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa ký ban hành công văn về việc chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

bna_le-hong-vinh-3.jpg
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận nội dung phiên họp thường kỳ UBND tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Theo đó, thực hiện Công điện số 63/CĐ-TTg ngày 12/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan tập trung triển khai các nội dung sau:

Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện:

- Tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, giải quyết dứt điểm các phản ánh, kiến nghị nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng điều hành, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường;

- Chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý về tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp; phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính và các hoạt động khác liên quan đến cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước;

- Rà soát, thiết lập, duy trì đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị một cách thực chất, hiệu quả theo chỉ đạo tại Công văn số 2306/UBND-KSTT ngày 27/3/2025 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cắt giảm thủ tục hành chính cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo tiếp nhận, xử lý ngay các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc phải trả chi phí không chính thức cho cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức (nếu có);

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy đối thoại công - tư và cải thiện hiệu quả thực thi chính sách để đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 của tỉnh Nghệ An là 10,5% theo chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên;

- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Chính phủ: số 02/NQ-CP ngày 08/01/2025 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025; số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026, bảo đảm đạt và vượt các mục tiêu Chính phủ đề ra. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung vào lĩnh vực như: thuế, hải quan, xây dựng, môi trường, tiếp cận điện năng,…; triển khai có hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến theo đúng yêu cầu chỉ đạo tại Công văn số 2306/UBND-KSTT ngày 27/3/2025 của Chủ tịch UBND tỉnh;

- Triển khai các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao năng lực sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hình thành chuỗi cung ứng nội địa bền vững; đồng thời đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt tập trung vào các vị trí kỹ thuật chuyên môn và quản lý giám sát thông qua hợp tác với các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề và chương trình thực tập thực tế tại doanh nghiệp.

Sở Tài chính:

Hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp: Đầu tư nguồn lực, nghiên cứu xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực mới trên thế giới, có các giải pháp phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, đồng thời nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ đang có trên thị trường quốc tế; cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, thực chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phù hợp tình hình mới và tương xứng với nguồn lực nắm giữ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu các kết quả về môi trường kinh doanh và cải thiện chất lượng quản trị môi trường tại Báo cáo Chỉ số PCI 2024 (do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 06 tháng 5 năm 2025 và đăng tải tại địa chỉ: https://pcivietnam.vn/an-pham/bao-cao-pci) để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế. Thời gian hoàn thành trong tháng 6/2025.

Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam; Báo Nghệ An, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh; Chi nhánh VCCI Nghệ An ‑ Hà Tĩnh ‑ Quảng Bình; Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh:

- Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm của cơ quan nhà nước chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ động, tận tụy giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp;

- Tuyên truyền để các doanh nghiệp không thao túng, trục lợi chính sách, lợi dụng, làm tha hóa cán bộ, công chức, đồng thời kiên quyết từ chối trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính và các hoạt động khác liên quan đến cơ quan hành chính nhà nước; phản ánh trung thực, kịp thời đến đường dây nóng tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh (qua số điện thoại: 02383.668.789) trong trường hợp bị gây khó khăn, phiền hà, gợi ý trả chi phí không chính thức;

- Chủ động nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; kịp thời kiến nghị với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh còn chồng chéo, gây cản trở, khó khăn đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ; kịp thời phối hợp với các Sở, ngành liên quan để triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của kinh tế doanh nghiệp, kinh tế tư nhân.

Văn phòng UBND tỉnh:

Tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công văn này, kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền theo quy định

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung trên./.