Hơn nửa thế kỷ nay, mỗi dịp tháng Năm về, người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước lại thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc - Người đã hiến dâng trọn đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Năm nay, kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người càng thêm ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở chúng ta về công lao trời biển của Bác đối với dân tộc. Đúng như lời khẳng định đầy xúc động của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn thay mặt toàn Đảng, toàn dân ta nói về Bác: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”[1].

bac-ho-tham-nong-dan-dang-gat-lua-tren-canh-dong-xa-hung-son-huyen-dai-tu-thai-nguyen-vao-nam-1954..jpg
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954.
chu-tich-ho-chi-minh-voi-doan-dai-bieu-anh-hung-chien-si-thi-dua-cac-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-giai-phong-mien-nam-ra-tham-mien-bac-nam-1965..jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1965. Ảnh: TTXVN
bac-ho-o-mat-tran-dong-khe-1950-cua-vu-nang-an.jpg
Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê (1950) của tác giả Vũ Năng An.
bac-van-cung-chung-chau-hanh-quan-cua-dinh-dang-dinh..jpg
Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của tác giả Đinh Đăng Định.

Câu nói ấy đã trở thành chân lý thiêng liêng, làm rung động trái tim người Việt Nam khi nhắc đến tên Người – Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Hình ảnh Bác lắng đọng trong tâm trí mỗi người, luôn hiện diện, tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta trên những chặng đường phát triển. Đã 56 năm kể từ ngày Người đi xa, Bác vẫn như đang đồng hành cùng chúng ta trên mỗi hành trình của đất nước hôm nay và mai sau.

bacvancungchungchauhanhquan-tit1(1).png

Sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản vô giá. Từ chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng năm 1911 ra đi tìm đường cứu nước, Người đã bôn ba khắp năm châu, tiếp thu chủ nghĩa Marx-Lenin và tìm ra con đường cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc. Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam mùa Xuân năm 1930 – một mốc son chói lọi, chấm dứt khủng hoảng về đường lối cứu nước lúc bấy giờ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng do Người sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta đã làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc. Tiếp đó, Người đã dẫn dắt toàn dân tộc tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu (1954) và Đại thắng Mùa Xuân chấn động địa cầu (1975), thu non sông về một mối, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hòa bình và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

bna_tong-bi-thu-lv-voi-nghe-an-12.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
bna_1000022986.jpg
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Cường
bna_tong-bi-thu-lv-voi-nghe-an-18.jpg
Các đồng chí trong đoàn công tác Trung ương tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Cường
z6602945669056_107b1de4c885ddce84007bc7ada11ecb.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Cường

Người không chỉ nói mà luôn thực hành, đi trước làm gương, nói ít làm nhiều. Phong cách ấy đã tạo nên một sức mạnh đoàn kết rộng lớn, một lòng tin tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Bác. Sự giản dị, chân thành, cách ứng xử ân cần, gần gũi đã khiến Bác trở thành một lãnh tụ đặc biệt, luôn sống mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam và “nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”.

Không chỉ dân tộc Việt Nam, nhân dân yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới cũng trân trọng và ghi nhớ Hồ Chí Minh như một biểu tượng của hòa bình, tự do và giải phóng dân tộc. UNESCO vinh danh Người là "Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất" năm 1987. Tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần thúc đẩy các phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc trên toàn cầu, đồng thời truyền cảm hứng cho công cuộc xây dựng một thế giới công bằng và nhân văn hơn.

bna_tong-bi-thu-lv-voi-nghe-an-78.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Cường
bna_22.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tại Đền Chung Sơn. Ảnh: Thành Cường
bna_tong-bi-thu-lv-voi-nghe-an-164.jpg
Tổng Bí thư thăm nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm. Ảnh: Thành Cường
bna_tong-bi-thu-lv-voi-nghe-an-160.jpg
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu Trung ương và tỉnh Nghệ An trồng cây lưu niệm tại Trường THPT Kim Liên. Ảnh: Thành Cường
bacvancungchungchauhanhquan-tit2.png

Hơn nửa thế kỷ từ khi Bác đi xa, tư tưởng và tấm gương của Người tiếp tục soi đường, dẫn dắt dân tộc ta gặt hái nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thực tiễn gần 40 năm Đổi mới đã chứng minh rõ: mỗi chủ trương đúng đắn của Đảng, mỗi chính sách hợp lòng dân đều phản ánh sự kế thừa và phát huy sáng tạo tư tưởng của Bác. Ngày nay, trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế cho đến quốc phòng, an ninh và đối ngoại, chúng ta đều thấy rõ dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng định hướng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

bna_tong-bi-thu-lv-voi-nghe-an-28.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương, tỉnh Nghệ An ân cần trò chuyện, thăm hỏi gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Sáu. Ảnh: Thành Cường
bna_tong-bi-thu-lv-voi-nghe-an-25.jpg
Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Sáu trò chuyện cùng Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Thành Cường
bna_a-2-525b3ca9ba17ab90adaac36d436bdf55.jpg
Trong chuyến thăm và làm việc tại Nghệ An, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn đại biểu đến thăm, tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tại Đền Chung Sơn nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Cường
z6614183907397_daa4d1718c533c55e68e424b443aece0.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm Đền Chung Sơn - nơi thờ tự gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ.

Bác từng nói “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”[2]. Thấm nhuần những lời dạy ấy, Đảng và Nhà nước ta luôn coi việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, xuyên suốt trong mọi chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước. Những năm gần đây, các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai rộng khắp và đã đạt được những kết quả quan trọng; hệ thống an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa đều có những bước tiến bộ đáng kể. Đặc biệt, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được triển khai mạnh mẽ trên cả nước, hướng tới mục tiêu không để người dân nào phải sống trong điều kiện khó khăn, không có nhà ở vào năm 2025. Đời sống văn hóa tinh thần cũng được quan tâm đầu tư với nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, làm phong phú thêm đời sống tinh thần và nâng cao chất lượng sống của người dân.

bna_tong-bi-thu-lv-voi-nghe-an-104.jpg
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Nghệ An dự lễ Khai mạc Lễ hội Làng Sen và Khánh thành Tượng "Bác Hồ về thăm quê". Ảnh: Thành Cường
bna_tong-bi-thu-lv-voi-nghe-an-98.jpg
Đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự Lễ khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2025. Ảnh: Thành Cường
bna_tong-bi-thu-lv-voi-nghe-an-113.jpg
Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội Làng Sen năm 2025. Ảnh: Thành Cường

Về giáo dục và đào tạo, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của “trồng người” đối với tương lai dân tộc. Người căn dặn: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Kế thừa tư tưởng đó, nước ta đã dồn sức phát triển sự nghiệp giáo dục và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, Việt Nam đã phổ cập giáo dục ở các bậc học nền tảng trên phạm vi toàn quốc, đưa tỷ lệ biết chữ của người lớn lên mức gần 100%. Nhiều chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được triển khai, bám sát những định hướng mà Bác đã nêu ra từ khi lập nước. Nhờ đó, thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay không chỉ có tri thức vững vàng mà còn được giáo dục về lý tưởng, đạo đức, lối sống, tiếp tục sự nghiệp cách mạng mà thế hệ cha anh truyền lại.

Về chăm sóc sức khỏe nhân dân, tư tưởng “yêu dân, phục vụ dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào ngành y tế nước nhà. Sinh thời, Người từng nói: “Mỗi người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”, đặt ra nhiệm vụ xây dựng một dân tộc khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần. Ngày nay, chúng ta có một hệ thống y tế không ngừng lớn mạnh, từ tuyến cơ sở đến tuyến trung ương. Mạng lưới bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh được mở rộng khắp các vùng miền, nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến ngang tầm thế giới đã được làm chủ. Tinh thần “lương y như từ mẫu” được khơi dậy, đội ngũ thầy thuốc ngày đêm tận tụy theo gương Bác Hồ chăm lo cho người bệnh. Chúng ta đang hướng tới xây dựng một nước Việt Nam khỏe mạnh, mọi người dân đều được sống lâu, sống khỏe, sống lành mạnh, sống hạnh phúc. Những kết quả và chủ trương ấy đều mang dấu ấn sâu sắc của tư tưởng nhân đạo và triết lý phát triển con người toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

bna_tong-bi-thu-lv-voi-nghe-an-75.jpg
Tổng Bí thư tặng tách phẩm điêu khắc ánh sáng cho Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh: Thành Cường
bna_tong-bi-thu-lv-voi-nghe-an-74-72489174c58db8f3316ce1ad77640ca6.jpg
Tổng Bí thư tặng tách phẩm điêu khắc ánh sáng cho Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh: Thành Cường
bna_tong-bi-thu-lv-voi-nghe-an-72.jpg
Tổng Bí thư tặng tách phẩm điêu khắc ánh sáng cho Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh: Thành Cường

Về quốc phòng, an ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hình đường lối chiến lược “dựng nước đi đôi với giữ nước” cho cách mạng Việt Nam. Người sáng lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân, đặt nền tảng cho một nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc. Bác dạy: Các lực lượng vũ trang Cách mạng là con đẻ của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà tuyên truyền, công tác, chiến đấu, hy sinh. Tuân thủ với những lời Bác dạy, chiến đấu, hy sinh bảo vệ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, chúng ta đã và đang xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đủ sức bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố ngày càng vững mạnh, tạo thành sức mạnh vô song bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa. Nhờ vậy, Việt Nam nhiều năm qua đã duy trì được ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế, đồng thời sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tiếp tục là kim chỉ nam để chúng ta hiện đại hóa lực lượng vũ trang, nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

bacvancungchungchauhanhquan-tit3.png

Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu rằng sự nghiệp cách mạng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các thế hệ nối tiếp nhau chung sức, chung lòng. Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người vì thế không chỉ soi sáng chặng đường đã qua, mà còn tỏa sáng như một nguồn cảm hứng bất tận cho hiện tại và tương lai.

Đảng ta khẳng định chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh mãi là nền tảng tư tưởng, là ngọn cờ dẫn dắt dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều lấy mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm trọng tâm – đó chính là mong ước của Bác Hồ lúc sinh thời về một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, phồn vinh. Những định hướng lớn như phát triển bền vững, tăng trưởng đi đôi với tiến bộ xã hội, xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân… đều bắt nguồn từ tư tưởng xuyên suốt của Người. Học tập Bác, toàn Đảng, toàn dân ta càng nêu cao ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên, đổi mới sáng tạo để đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính tinh thần dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì nước vì dân của Bác đã và đang truyền lửa cho thế hệ hôm nay quyết tâm thực hiện những mục tiêu, khát vọng lớn, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển hùng cường trong tương lai.

bna_img_1696(1).jpg
Quang cảnh Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng cao đẹp của ý chí, khát vọng độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân”.Ảnh: Thành Duy
bna_3-1--307843125ce64c91d7b1cb426d05e35c.jpg
Hạ tầng giao thông Nghệ An đang ngày càng phát triển hoàn thiện và đồng bộ. Ảnh tư liệu: PV

Ý thức sâu sắc về trách nhiệm trước nhân dân và lịch sử, Đảng và Nhà nước ta đang kiên định mục tiêu phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, đồng thời quyết liệt triển khai các đột phá chiến lược để tạo chuyển biến rõ rệt trong thời kỳ mới. Những đột phá quan trọng đang được tập trung chỉ đạo gồm: tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản trị quốc gia; đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; đẩy mạnh khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Mỗi bước chuyển mình đều nhằm thực hiện trọn vẹn tâm nguyện của Bác, xây dựng đất nước ta “bằng mười ngày nay”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu thường xuyên và bức thiết. Chúng ta cần học Bác mỗi ngày – học từ điều lớn đến điều nhỏ, học ở tầm lý tưởng nhưng cũng học trong từng hành vi ứng xử, từng việc làm cụ thể. Học Bác để sống có lý tưởng, có kỷ cương, biết yêu thương, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Học Bác không phải để ca ngợi Người một cách hình thức, mà để tiếp thêm niềm tin, động lực, bản lĩnh cho công cuộc dựng xây đất nước hôm nay.

bna_quang-truong-ho-chi-minh-nghe-an-30.4(1).jpg
Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh). Ảnh: Thành Duy

Mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam nguyện khắc ghi lời dạy của Bác, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, đoàn kết, chung sức đồng lòng vì mục tiêu chung. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng vô tận, giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách, giành nhiều thắng lợi trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.

Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta thêm một lần nhắc nhở chính mình về trách nhiệm đối với Tổ quốc và nhân dân. Chúng ta tự hào về Bác bao nhiêu, càng phải nỗ lực phấn đấu bấy nhiêu để biến những ước nguyện của Người thành hiện thực. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi là hành trang quý báu cho dân tộc ta trên con đường phát triển. Mãi mãi, Bác vẫn cùng chúng ta hành quân – Người vẫn sống động trong từng việc làm, từng thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta nguyện tiếp bước con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai cùng cường quốc năm châu, xứng đáng với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Và đó là chân lý thiêng liêng đã đi vào lịch sử: “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!


[1] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc trong lễ truy điệu Hồ Chủ tịch ngày 9/9/1969.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập sdd-T9-Tr578.