Những thuận lợi trong việc triển khai BHYT học sinh

BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng là một trong những chính sách quan trọng nhằm bảo vệ an sinh xã hội, tham gia chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của học sinh, sinh viên và tham gia tích cực vào việc “chống suy kiệt kinh tế” do bệnh tật gây ra. Để sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quy định có liên quan tạo thuận lợi cho việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên như: Luật BHYT quy định: Học sinh, sinh viên là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm thu tiền đóng thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh 6 tháng hoặc 01 năm một lần nộp vào quỹ BHYT; đồng thời cũng quy định học sinh sinh viên thuộc nhóm do ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT, theo đó học sinh, sinh viên được hỗ trợ 100% mức đóng (từ năm 2020) đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo, hỗ trợ 30% mức đóng đối với những học sinh, sinh viên khác. Về quyền lợi, ngoài việc được quỹ BHYT chi trả các chi phí khi đi khám bệnh, chữa bệnh, học sinh, sinh viên tham gia BHYT còn được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường học của mình.

truong--tieu-hoc-nguyen-trai-thanh-pho-vinh.jpg
Trường Tiểu học Nguyễn Trãi thành phố Vinh

Bên cạnh đó với những quy định mới trong thực hiện chính sách thông tuyến huyện từ 01/01/2016 đến nay, thông tuyến tỉnh từ năm 2021 đến nay, đã tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT nói chung và học sinh, sinh viên tham gia BHYT nói riêng.

Thời gian qua, công tác BHYT học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của 03 ngành: Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội và Tỉnh Đoàn, đặc biệt lãnh đạo các nhà trường đã thực sự đồng hành trong việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện chính sách BHYT cho học sinh, nhờ đó, BHYT học sinh đã đạt được kết quả quan trọng. Số lượng học sinh tham gia BHYT hàng năm đều tăng. Theo thống kê của BHXH tỉnh, năm học 2021 - 2022, chính sách BHYT đã bao phủ đến 96,76% học sinh toàn tỉnh với 640.173 học sinh tham gia BHYT tại 1.561 trường học. Điều đó đồng nghĩa với việc trên toàn tỉnh đã có gần 650.000 học sinh được đảm bảo và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT theo quy định, trong đó, nếu không may ốm đau, bệnh tật các em sẽ được quỹ BHYT thanh toán số tiền khám chữa bệnh. Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh có 170.481 lượt học sinh khám chữa bệnh BHYT, với kinh phí BHXH thanh toán 79.806.067.817 đồng.

Nhiều khó khăn, thách thức

Tỷ lệ học sinh tham gia BHYT tính đến tháng 6/2022 tuy đã đạt 96,76% nhưng vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 (đạt 100%), vẫn còn có 3,2% học sinh chưa tham gia BHYT tương đương 21.975 học sinh vẫn chưa tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ- CP ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT thì cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp kinh phí từ Quỹ BHYT để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu phải có đủ các điều kiện: có ít nhất một cán bộ có đủ điều kiện hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật, làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, có đủ cơ sở vật chất, thuốc… Tuy vậy, thực tế hiện nay toàn tỉnh mới chỉ 1.503 trường học có phòng y tế, còn 58 trường chưa có phòng y tế riêng biệt, mới chỉ có 922 trường có cán bộ chuyên trách về y tế, còn 661 trường cán bộ đang kiêm nhiệm công tác y tế như văn thư, kế toán, giáo viên. Việc chưa đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ học sinh, đặc biệt tại vùng miền núi là một khó khăn cho công tác BHYT học sinh tại trường học.

hoc-sinh-duoc-cham-soc-suc-khoe-ban-dau-khi-tham-gia-bhyt.jpg
Học sinh được chăm sóc sức khoẻ ban đầu khi tham gia BHYT

Trong khi đó, trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống, kinh tế của các bậc phụ huynh còn khó khăn, nhiều gia đình có đông con đi học, điều kiện kinh tế không đủ để đóng góp một lúc nhiều khoản cho con em mình vào đầu năm học mới, nhất là đối với những gia đình ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Nên phụ huynh có nguyện vọng lựa chọn đóng cho con em mình theo hình thức tham gia BHYT hộ gia đình để tiết kiệm chi phí, điều này trái với quy định của Luật BHYT. Do vậy, công tác phát triển người tham gia BHYT đối với học sinh hết sức khó khăn.

Do ảnh hưởng của việc thực hiện Quyết định 861-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, một lượng lớn người dân không còn thuộc diện được hỗ trợ tham gia nên tỷ lệ bao phủ BHYT trên toàn tỉnh nói chung và tại một số huyện bị giảm mạnh. Do đó, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT năm 2022 giảm 0,16%.

Công tác phối hợp giữa các ban ngành trong việc chỉ đạo thực hiện công tác BHYT học sinh tại một số địa phương còn thiếu chặt chẽ. Việc lập danh sách cấp thẻ BHYT cho học sinh từ nhà trường đến cơ quan BHXH và ngược lại có lúc còn chậm; số học sinh tham gia ở các nhóm đối tượng khác thống kê chưa kịp thời dẫn đến việc trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu có lúc còn chậm.

Phấn đấu đạt 100% học sinh tham gia BHYT

Để hoàn thành mục tiêu 100% học sinh tham gia BHYT vào năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 29/4/2022, trong thời gian tới các ngành các cấp cần tiếp tục khẩn trương thực hiện các giải pháp để tăng cao hơn nữa tỷ lệ bao phủ BHYT với nhóm này trong đó cần làm tốt phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT đến các đối tượng là cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh; đồng thời phối hợp tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác BHYT tại các cơ sở giáo dục; các cơ sở giáo dục cần phối hợp với BHXH địa phương tham mưu văn bản cho UBND cùng cấp về việc triển khai thực hiện BHYT học sinh năm học 2022-2023, phấn đấu đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao./.

Nguyễn Thị Vân