Đại biểu dân cử cần thông tin để có cơ sở xem xét, thảo luận, ban hành chính sách ở tầm quốc gia hay địa phương, cũng giống như đầu bếp cần nguyên liệu để chế biến các món ăn.
Điểm nổi bật của thông tin dành cho đại biểu dân cử chính là ở tính chất chính sách của nó, kể cả thông tin về vụ việc, trường hợp cụ thể. Trước hết, đó là thông tin về những vấn đề chính sách bất cập; quy mô và xu hướng của vấn đề; mức độ nghiêm trọng của vấn đề có đến mức cần can thiệp về chính sách; nguyên nhân của vấn đề bất cập. Ví dụ, HĐND đánh giá hiệu quả thực hiện Quỹ hỗ trợ sau khi thu hồi đất sản xuất nông nghiệp. Cần có thông tin về các vấn đề sau: Định mức hỗ trợ có phù hợp không? Các nhóm dân cư được hỗ trợ đã đủ chưa? Có phù hợp? Cách thức hỗ trợ? Học nghề trước, sau khi thu hồi đất? công bằng không? Tại sao? Thực hiện đến đâu? Nguồn lực hỗ trợ từ đâu? Cách thức huy động? Hoặc là đối với cuộc giám sát về lao động, thông tin về chính sách lao động, việc làm hay văn bản trực tiếp điều chỉnh, hoặc thoả ước lao động tập thể, thông tin về thất nghiệp, tiền lương tối thiểu, tiền lương và thu nhập thực tế theo hợp đồng lao động của công nhân trong các doanh nghiệp sẽ giúp đại biểu Quốc hội có cái nhìn trực diện, sâu sắc hơn, quan trọng hơn là thông tin chung chung.
Tiếp đó, đại biểu cần thông tin so sánh, đối chiếu, nhận xét, đánh giá các ý kiến, quan điểm về chính sách. Đó là thông tin đánh giá về: Sự cần thiết của chính sách; cân bằng giữa các loại lợi ích; tính toán chi phí, lợi ích, rủi ro; các tác động của chính sách; sự phù hợp với tình hình địa phương; sự thống nhất với các quy định khác; tính khả thi. Trong đó, thông tin về tác động của chính sách là rất quan trọng: Có tác động không, nếu có thì tác động tích cực hay tiêu cực, quy mô và mức độ tác động? Tác động khác biệt thế nào giữa các khu vực? Tác động khác biệt thế nào giữa nhóm nghèo, cận nghèo, trung bình, khá, giàu? Tác động khác biệt thế nào với nhóm xã hội đặc thù: người già, người khuyết tật, trẻ em, người có công với cách mạng? Tác động khác biệt thế nào giữa nam-nữ? Các nhóm xã hội phản ứng thế nào đối với giải pháp chính sách? Các cơ quan thực thi giải pháp chính sách có thái độ và phản ứng thế nào?
Đại biểu cần thông tin chính sách đa dạng từ các nhóm người khác nhau, với những quan điểm, góc nhìn khác nhau cùng về một nội dung. Chẳng hạn, đại biểu cần xem xét chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp thuộc diện thu hồi đất sản xuất. Như vậy, người dân có thể cung cấp thông tin về cách tổ chức chuyển đổi ngành nghề có khó khăn, thuận lợi; đời sống người dân sau khi thu hồi đất; vốn vay sản xuất; hỗ trợ vốn trong xuất khẩu lao động v.v….Từ cán bộ các cấp ở địa phương, có thể nhận được thông tin về số lao động bị mất đất sản xuất; số lao động mà doanh nghiệp nhận làm theo cam kết; hiệu quả sau khi thu hồi đất. Các doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin về các khoản hỗ trợ giúp người lao động bị thu hồi đất; số lượng người lao động họ đã thu nhận, đào tạo lại; doanh nghiệp gặp khó khăn gì; kiến nghị. Các chuyên gia có thể nắm giữ số liệu, dữ liệu, phân tích, đánh giá về các vấn đề trên.
Đại biểu thu thập thông tin qua nhiều kênh khác nhau, tuỳ thuộc điều kiện, năng lực mà có thể tiếp cận và thu lượm thông tin, tư liệu, tài liệu. Trước hết, đại biểu tự mình tìm hiểu, thu thập qua các hoạt động cá nhân theo chương trình chung, hoặc kế hoạch làm việc do chính đại biểu đề ra. Một trong những quyền hạn của đại biểu là quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin. Thông thường đại biểu có thể yêu cầu qua hoạt động chất vấn, gửi văn bản yêu cầu, thông qua các buổi làm việc với các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức. Quyền hạn này có thể phát huy rất tốt vai trò và hiệu quả hoạt động của đại biểu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở Quốc hội, HĐND. Như ông Nguyễn Ngọc Trân, một ĐBQH nhiều khóa đã lấy danh nghĩa cá nhân của ĐBQH gửi công văn đề nghị và nhận được rất nhiều thông tin phong phú, đa chiều từ các bộ, ban ngành, chính quyền các cấp, các cơ sở nghiên cứu, chuyên gia về các vấn đề liên quan đến việc Việt Nam gia nhập WTO.
Nguồn thông tin tiếp theo từ hồ sơ, tài liệu chính thức. Chẳng hạn, bộ hồ sơ dự án luật thường có hằng trăm, hàng ngàn trang tài liệu, đó là chưa kể đến tài liệu tham khảo. Trước hết nên tìm thông tin trong Báo cáo tổng kết, chú ý phần thực trạng (thực tiễn thi hành); khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ xuất phát từ quy định của luật hay từ thực tiễn thi hành, mức độ cấp bách của vấn đề,... Tài liệu tiếp theo cần nghiên cứu kỹ là Tờ trình kết hợp đối chiếu với dự thảo luật, trong đó đặc biệt chú ý đến sự cần thiết, quan điểm chỉ đạo, phạm vi sửa đổi, bổ sung, những ý kiến còn khác nhau và quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo (ở một số tờ trình còn có phần những vấn đề cần xin ý kiến). Báo cáo đánh giá tác động về nguyên tắc cung cấp cho đại biểu thông tin khách quan, khoa học và đầy đủ về những ưu điểm, lợi thế và hạn chế của việc sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới một chính sách và lý do tại sao cơ quan trình lại chọn phương án như quy định trong dự thảo luật.
Cần lưu ý rằng, có lúc thông tin được cung cấp trong một số tài liệu chính thức không phản ánh đúng bản chất của sự việc, thiếu hoặc không chính xác. Do vậy, cần đối chiếu với nhiều kênh thông tin khác để có một sự đánh giá khách quan, toàn diện nhất. Đó là thông tin thu thập qua báo chí, mạng xã hội; qua cử tri, các nhóm dân cư khác nhau; qua chuyên gia. Mỗi nguồn này có ưu, nhược điểm của mình. Thông tin từ báo chí, mạng xã hội đa dạng về chủng loại, phong phú thể loại, cập nhật thường xuyên; cả trong nước và tình hình quốc tế, nhưng nhiều khi có sự “nhiễu loạn”; rất cần sự chọn lọc, chắt lọc. Qua tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư, đại biểu có thể thu thập nhiều thông tin về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, chính sách quốc phòng, đối ngoại, nhất là các nội dung kiến nghị, phản ánh về chính sách, pháp luật. Đặc biệt, các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri khu vực bầu cử có ý nghĩa rất quan trọng vì có tính trực tiếp, bắt buộc phải quan tâm xử lý để báo cáo, giải trình. Thông tin thu thập được qua xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, kêu oan, kêu cứu chứa đựng những tình tiết về các vụ việc cụ thể ở các địa phương. Thông tin từ các chuyên gia có hàm lượng chuyên môn cao, giúp sáng rõ các nội dung cụ thể, chuyên sâu trong các đạo luật, nghị quyết về các lĩnh vực khác nhau.
Sàng lọc, xử lý thông tin là khâu rất quan trọng, chi phối tới quyết định hành động của đại biểu. Đại biểu có thể dựa trên các tính chất của thông tin chính sách như đã đề cập để sàng lọc thông tin nào là quan trọng, thông tin nào không phù hợp, thông tin nào cấp thiết, thông tin nào có thể lưu trữ để sử dụng sau này. Đại biểu cũng có thể sàng lọc bằng cách trả lời các câu hỏi như: Thông tin được lấy từ nguồn nào? Kiểm chứng với nguồn nào? Có được thu thập một cách khách quan, trung thực không, ví dụ, thông tin được thu thập từ câu hỏi có tính chất “gợi ý” không? Tính toàn diện của thông tin có được đảm bảo, ví dụ, có thông tin về diện tích đất hỗ trợ cho các hộ nghèo, nhưng cần cả thông tin về việc đất đó có dùng cho sản xuất được không, các hộ nghèo có sử dụng đất đó vào sản xuất không? Thông tin đã bị “lạc hậu” chưa, ví dụ người dân kiến nghị làm việc gì đó, nhưng đã có quy định rồi; thông tin nào không cần thiết?…Có thể phân loại thông tin theo nội dung, tính chất, mục đích sử dụng, nguồn đưa tin, mức độ liên quan đến công việc để xác định liều lượng, loại thông tin, thời điểm sử dụng. Xác định giá trị, tầm quan trọng của thông tin nhằm đặt ưu tiên sử dụng, lưu giữ.
Về việc sử dụng thông tin, đại biểu có thể cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, đại biểu khác hoặc cử tri, báo chí (nếu được) để sử dụng vào các công việc. Có thể yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền cung cấp tài liệu, cho biết quan điểm xử lý vụ việc hoặc tiến hành biện pháp theo pháp luật để thực hiện công việc. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền, người có trách nhiệm giải quyết yêu cầu của đại biểu. Tiến hành theo dõi, giám sát quá trình xử lý vấn đề đã thông tin, cung cấp thông tin, kiến nghị, giám sát. Cuối cùng, đại biểu có thể sử dụng thông tin đã thu thập, sàng lọc, xử lý vào các bài phát biểu tại hội trường, tại các cuộc giám sát, giải trình, dùng cho chất vấn. Các “sản phẩm” của đại biểu trong hoạt động nghị trường có chất lượng, có đáp ứng yêu cầu, mong muốn của cử tri, Nhân dân hay không, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào “nguyên liệu đầu vào” – thông tin.