Các đại biểu đánh giá, Bộ luật dân sự với vị trí là luật chung của hệ thống luật tư có vai trò hết sức quan trọng, tác động điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản của xã hội, của mỗi công dân, các gia đình, cơ quan, tổ chức. Việc sửa đổi Bộ luật dân sự trong thời gian qua đã được tiến hành thận trọng, nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu đã được tiếp thu, thể hiện trong dự thảo cũng như Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, dự thảo Bộ luật chỉ quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, đồng thời có một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
Nhiều đại biểu tán thành với dự thảo Bộ luật dân sự về việc quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự chỉ là cá nhân và pháp nhân. Cụ thể, Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại Hội trường Ảnh: Đình Nam
Tán thành với phương án chỉ nên quy định pháp nhân, cá nhân là các chủ thể của quan hệ dân sự, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường- Quảng Bình cho rằng, Bộ Luật dân sự hiện hành, trên thực tế thực hiện có rất nhiều bất cập, vướng mắc trong việc xác định tư cách thành viên, tư cách đại diện, tài sản chung và trách nhiệm pháp lý.
Về bản chất pháp lý thì việc tham gia của các chủ thể này và quan hệ dân sự thì thực chất là sự tham gia của các cá nhân và mỗi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự bằng tài sản riêng của mình, nếu tài sản chung không đủ. Điều này cũng giống như một nhóm người ngoài xã hội có tài sản chung và dùng tài sản chung đó tham gia vào quan hệ dân sự thì pháp luật của chúng ta vẫn có thể điều chỉnh được trường hợp này, không nhất thiết phải quy định nhóm người đó phải là một chủ thể riêng của quan hệ dân sự.
Hơn nữa, chúng ta đang hội nhập sâu rộng trong quan hệ quốc tế, tham gia vào nhiều tổ chức thương mại. Vì vậy, quy định về chủ thể quan hệ dân sự cũng phải theo thông lệ quốc tế.
Đại biểu Lê Đắc Lâm- Bình Thuận bày tỏ nhất trí cao với quy định chỉ có cá nhân và pháp nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự tại Điều 101 của dự thảo Bộ luật. Đại biểu cho biết, trong thực tế, hộ gia đình ở nước ta hầu như không có sổ quản lý tài sản để xác định rõ tài sản nào chung và tài sản nào riêng, không xác định tên tài sản riêng tách biệt với của từng thành viên trong hộ gia đình. Do vậy, khi muốn thưa kiện hộ gia đình cũng rất khó khăn. Nếu chúng ta tiếp tục công nhận chủ thể quan hệ dân sự là hộ gia đình bao gồm cả hộ gia đình sử dụng đất như hiện hành sẽ gặp nhiều vướng mắc không giải quyết được.
Đại biểu cho biết thêm, Luật tố tụng dân sự năm 2004 cũng không thừa nhận tư cách nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong tố tụng dân sự là hộ gia đình.

Đại biểu Lê Đắc Lâm phát biểu tại Hội trường
Tán thành với quan điểm này, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh- TP Hồ Chí Minh nhận định, nếu công nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể pháp luật dân sự thì chúng ta sẽ rất khó khăn trong vấn đề xác định thế nào là người đại diện, tổ tham gia, tài sản chung, và trách nhiệm pháp lý đối với tài sản chung đó như thế nào.
Đại biểu cho biết, thực tế, khi xét xử hộ gia đình, tổ hợp tác, Tòa án đều phải giải quyết thông qua chủ thể là cá nhân, một người cụ thể. Để làm được điều đó, chúng ta phải triệu tập tất cả những người khác để họ làm giấy ủy quyền, điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn. Bởi thực tế, để tìm được đầy đủ các thành viên trong gia đình hoặc tổ hợp tác để làm giấy ủy quyền tham gia tố tụng dân sự là không hề đơn giản. Do vậy, đại biểu cho rằng, hướng quy định chỉ là cá nhân và pháp nhân là chủ thể pháp luật dân sự sẽ phù hợp hơn và cũng tránh rắc rối.