Bài 4: Chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược, dự án tầm cỡ
Mới đây, trong chuyến công tác tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi có nghỉ tại một khách sạn nằm trên đường Bùi Thị Xuân, sát với khu vực hồ Xuân Hương. Chuyện trò cùng nhân viên khách sạn thì được biết, khách sạn này vừa đổi chủ mới là một doanh nghiệp người Nghệ An. Giá trị chuyển nhượng khách sạn là trên 450 tỷ đồng; số tiền đó nếu doanh nghiệp này đầu tư xây khách sạn ở chính quê hương mình là Nghệ An, thì tỉnh nhà sẽ có thêm một cơ sở lưu trú lý tưởng cho du khách.
Đem câu chuyện đáng suy ngẫm này trao đổi cùng với các đơn vị lữ hành du lịch ở Nghệ An, thì được biết, đây không phải là hiện tượng đơn lẻ. Rất nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An đã và đang đầu tư du lịch tại Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc…; không chỉ là xây dựng khách sạn, có doanh nghiệp còn xây dựng cả khu nghỉ dưỡng trải nghiệm dược liệu gắn với Thiền… Vì sao có hiện tượng này? Thiết nghĩ không ngoài vấn đề lợi nhuận!
Thực ra, khi so sánh tiềm năng, lợi thế của du lịch Nghệ An với các địa phương khác, rất dễ nhận thấy du lịch Nghệ An có nhiều yếu tố thua thiệt. Trước hết, du lịch Nghệ An bị chi phối bởi tính mùa vụ cao, do thời tiết hết sức khắc nghiệt, mùa hè nhiệt độ luôn ở mức cao nhất cả nước, mùa đông nhiệt độ xuống thấp, mùa mưa thường xảy ra bão, lụt. Nghệ An đang chỉ có một mùa du lịch ngắn từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm.
Nghệ An vẫn còn là một tỉnh nhiều khó khăn, ngân sách thu chưa đủ bù chi, việc bỏ ngân sách đầu tư cho hạ tầng du lịch rất hạn chế. Cùng với đó, mức chi tiêu, chất lượng sống của người Nghệ An chưa cao… Chưa nói, yếu tố địa hình phức tạp, hệ thống giao thông kết nối điểm đến cũng chưa thực sự thuận tiện. Mặc dù tỉnh luôn cố gắng mời gọi đầu tư và có nhiều chính sách ưu đãi, nhưng cá biệt có chỗ còn để tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi, doanh nhân X. (xin phép được giấu tên – PV) kể: “Lãnh đạo tỉnh thì rất tốt, quan tâm tạo điều kiện; thế nhưng có chỗ cán bộ, đơn vị bên dưới thì không như vậy. Để xin phép xây dựng một khách sạn, chúng tôi đã phải đi qua rất nhiều phòng, sở, ngành… và cần tới 15 chữ ký; ròng rã cả 1 năm trời để hoàn thiện giấy tờ. Thủ tục hành chính như vậy là còn rườm rà, mất thời gian, phía nhà đầu tư thì không thể mãi chờ đợi…”.
Trong khi đó, bản chất của hoạt động đầu tư là sinh lợi. Nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư thì luôn mong muốn thu hồi vốn và có lợi nhuận càng nhanh, càng nhiều, càng tốt. Sự rườm rà, phiền hà trong thủ tục hành chính là yếu tố bất lợi làm giảm sức hút đầu tư, đặc biệt là với những nhà đầu tư lớn. Có ý kiến khẳng định: với gói đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng, nếu không thấy được sự thông thoáng, thuận lợi, thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ lựa chọn các tỉnh từ đèo Hải Vân trở xuống phía Nam – nơi có thể khai thác du lịch quanh năm, có nhiều du khách quốc tế. Nghệ An nói riêng, các tỉnh Bắc Trung Bộ nói chung sẽ chỉ là “ưu tiên” lựa chọn cuối cùng!.
Có thể khẳng định, nhà đầu tư chiến lược, đẳng cấp có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo nên những đổi thay cơ bản của ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch các địa phương nói riêng. Nghệ An không nằm ngoài điều đó.
Xin được đối chứng: với sự xuất hiện của các tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, FLC, Thiên Minh… mà bộ mặt kinh tế – xã hội Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Sầm Sơn (Thanh Hóa)… các sản phẩm du lịch nói riêng đã cho thấy sự vượt trội. Các địa phương kể trên đang thực sự ghi dấu ấn đối với du khách trong nước và quốc tế, định hình được tầm trung tâm du lịch vùng, miền… Đồng thời, sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn tại đó đã tạo ra sức hút lớn, cú hích mạnh để nhiều nhà đầu tư thứ cấp khác đến tham gia đầu tư.
Tại Nghệ An, thời gian qua cũng đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược trong phát triển dịch vụ du lịch. Có thể kể đến Tập đoàn Mường Thanh với Khu du lịch Mường Thanh – Diễn Lâm (Diễn Châu) và chuỗi khách sạn từ 3 – 5 sao ở thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, huyện Diễn Châu, huyện Con Cuông. Sự hiện diện của chuỗi khách sạn Mường Thanh đã đáp ứng phần nào nhu cầu tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia và khu vực trên địa bàn tỉnh, tạo ra bước phát triển mới về chất lượng dịch vụ du lịch ở Nghệ An.
Tiếp sau Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Vingoup đã đầu tư khu nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Hội Beach Resort, cung cấp các phòng nghỉ và các biệt thự sang trọng, đẳng cấp. Hiện tại, Vingroup đang đầu tư xây dựng tổ hợp khu giải trí và cáp treo từ Cửa Hội ra đảo Song Ngư, hứa hẹn mang đến sự khám phá, trải nghiệm thú vị, góp phần thu hút và “giữ chân” du khách khi đến với phố biển Cửa Lò. Mới đây, Ngân hàng Bắc Á tư vấn đầu tư xây dựng Dự án tổ hợp sông Khuôn tại huyện Đô Lương; dự kiến đến giữa năm 2025, dự án sẽ mở cửa, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống bản địa, văn hóa làng Việt…
Ngoài những dự án lớn nói trên, ở Nghệ An đang còn có thêm một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp mới đang được triển khai như Tổ hợp khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng Bãi Lữ giai đoạn II của Tập đoàn Tân Á Đại Thành; Khu nghỉ dưỡng Bắc đảo Lan Châu (Cửa Lò) của Công ty Golden City…
Tuy nhiên, tổng lượng nhà đầu tư đẳng cấp về với Nghệ An còn khiêm tốn. Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An nêu rõ: “Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh với các dự án tầm cỡ, dịch vụ độc đáo, cao cấp để thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao, đem lại nguồn thu lớn”… Tháng 3/2023, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Nghệ An đã thành lập do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo. Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Nghệ An trong công tác cải cách hành chính.
Để tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Lợi – Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An, cho rằng: Cơ sở hạ tầng du lịch Nghệ An chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Chúng ta cũng đang thiếu quỹ đất sạch có diện tích lớn để thu hút nhà đầu tư chiến lược về du lịch. Như vậy, để thu hút mời gọi nhà đầu tư, chúng ta cần thực hiện tốt công tác quy hoạch nhằm định hướng thu hút đầu tư vào các địa bàn, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế phát triển, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững; đẩy nhanh việc quy hoạch sử dụng đất toàn tỉnh, các huyện nhằm phục vụ kịp thời cho phát triển kinh tế – xã hội; bố trí quỹ đất để đầu tư và kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, nghỉ dưỡng. Đồng thời chú trọng việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Thực tế ở Nghệ An đang cho thấy, trong điều kiện thực tế hiện nay của tỉnh, việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch rất khó khăn. Hiện tại sẽ khó tìm được nhà đầu tư chịu “vào” chung tay với địa phương cùng đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng hành một chiến lược phát triển du lịch tầm nhìn dài. Vậy nên, một số ý kiến cho rằng, địa phương nên nghiên cứu, hướng đến đối tượng nhà đầu tư là con em người Nghệ để thu hút với tinh thần sát cánh cùng quê hương; trong đó, vẫn không nằm ngoài một yếu tố có tính cốt tử: phía địa phương phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, chân thành nhất, cho nhà đâu tư thấy được sự an toàn, tin cậy khi hợp tác đầu tư cùng phát triển.