Bài 3: “Thiếu hụt” nhiều yếu tố ở các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái

Hiện nay, tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ về các khu, điểm du lịch sinh thái – canh nông và du lịch cộng đồng đang hoạt động ở Nghệ An, song trên thực tế, các loại hình du lịch này đang “nở rộ” từ miền xuôi lên miền ngược. Mỗi địa phương đang có 1 đến 2 mô hình du lịch.

Có thể liệt kê: Huyện Diễn Châu có Khu Du lịch sinh thái Hòn Nhạn (Diễn Đoài); huyện Yên Thành có đập Vệ Vừng và rú Gám; huyện Thanh Chương có đảo chè, thác Mưa, thác Liếp và Khu Du lịch sinh thái Làng Xanh; huyện Anh Sơn có khu du lịch sinh thái Vực Bụt, điểm du lịch cộng đồng bản Bộng; huyện Tương Dương có điểm du lịch sinh thái Khe Cớ, Hội Nguyên và điểm du lịch cộng đồng bản Quang Phúc, bản Coọc; huyện Quế Phong có điểm du lịch sinh thái quần thể thác Bảy tầng, thác Sao Va và điểm du lịch cộng đồng Cọ Muồng, Mường Đán, Farmstay Nhật Minh; huyện Nghĩa Đàn với Khu Du lịch sinh thái Hòn Mát, Trương gia Farm…

Du lịch Cộng đồng bản Khe Rạn (Con Cuông); Khu du lịch sinh thái Hòn Mát (Nghĩa Đàn); Du lịch ở Đảo Chè (Thanh Chương); Du lịch khám phá thiên nhiên trên sông Giăng, xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh Thành Cường - CTV - Vương Bằng

Xét riêng về hạn chế, thì đặc điểm chung của các điểm, khu du lịch cộng đồng – sinh thái trên địa bàn tỉnh là quy mô nhỏ, quy hoạch giống nhau, không tạo được sự khác biệt để hấp dẫn du khách, mà ngược lại dễ gây sự đơn điệu, khó thu hút khách quay trở lại. Các mô hình đang thiếu sự đầu tư chuyên sâu và đẳng cấp; hay nói cách khác là không được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản về loại hình. Ở các điểm du lịch khe, suối và thác nước thường rất đơn sơ, điểm dịch vụ ăn uống, thay quần áo chỉ là lều, lán tạm bợ. Một số điểm du lịch cộng đồng phòng lưu trú còn thiếu sự đầu tư, hệ thống đồ dùng, thiết bị phòng nghỉ còn đơn giản. Phong cách phục vụ thiếu hẳn tính chuyên nghiệp. Vì thế, chưa thể làm du khách hài lòng, nhất là khách quốc tế và khách đến từ các thành phố lớn.

Ông Lương Duy Doanh – Giám đốc Truyền thông Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội từng nhiều lần khảo sát du lịch Nghệ An nhận xét: Thực tế cho thấy, các mô hình du lịch như đập Cầu Cau, Khu trang trại HDT (Thanh Chương), Eo Gió, Thung Pheo (Nam Đàn), Khu Du lịch sinh thái Đại Huệ (Nghi Lộc); Các vườn hoa ở Nghĩa Đàn, TX.Thái Hòa (Hòn Mát, Trương Gia Farm, Thung lũng hoa Phủ Quỳ) đang rất “chắp vá”, chỉ thu hút được một bộ phận rất nhỏ khách địa phương, chưa thu hút được khách ngoại tỉnh và quốc tế. Thực trạng này xuất phát từ tầm cỡ và chiến lược của nhà đầu tư.

Du lịch sinh thái – canh nông thường được phát triển dựa trên những tài nguyên có sẵn và bàn tay con người sẽ bổ cứu, thêm vào. Tuy nhiên, để làm được du lịch sinh thái – canh nông thì không dễ, bởi vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm. Trong khi đó, những nhà đầu tư làm khu du lịch sinh thái – canh nông ở Nghệ An nguồn lực đầu tư hạn chế, nặng tư duy “nay gieo, mai gặt”.

Chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Mỹ đến từ Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: “Tôi từng tham gia khảo sát các khu, điểm du lịch cộng đồng ở Nghệ An và nhận thấy các điểm khá giống nhau về cách bố trí, tổ chức và vận hành. Khách chỉ cần trải nghiệm ở một điểm sẽ hiểu hết các điểm còn lại. Cách làm này vô hình trung cùng kéo nhau thụt lùi, làm giảm lượng khách đến trải nghiệm vì thiếu tính hấp dẫn… Du lịch sinh thái – canh nông thì còn kém hơn nhiều, khó để du khách quay trở lại”.

Thung lũng hoa tam giác mạch ở huyện Nghĩa Đàn.

Sự ra đời của hàng loạt mô hình du lịch sinh thái – canh nông và du lịch cộng đồng manh mún, nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh không phải là điều đáng mừng mà thực sự đáng lo. Hiện đang có tình trạng phát triển “nóng” mà thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm để rồi “cùng nhau chìm”. Du lịch cộng đồng, sinh thái – canh nông ở Nghệ An cần phải thay đổi từ gốc rễ. Bà Vi Thị Thắm – Giám đốc Tây Nghệ Tourist chia sẻ: Sở dĩ các điểm du lịch cộng đồng ở Nghệ An đều giống nhau, bởi tất cả các điểm này đều đi học chung 1 mô hình tại bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, các điểm du lịch cộng đồng ở Nghệ An không thể thành công như nguyên mẫu.

Du lịch cộng đồng ở bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và Pù Luông (Thanh Hóa) thành công là do các giá trị văn hóa truyền thống ở 2 địa phương nói trên rất đậm đặc, được lưu giữ rất tốt. Cảnh sắc thiên nhiên rất đẹp, hùng vĩ. Đường giao thông đến điểm du lịch thuận lợi… Với chủ thể làm du lịch, bản Lác là một cộng đồng dân cư với xấp xỉ 600 hộ. Ở đây, nhà nào cũng làm du lịch và có cung cách phục vụ tốt. Với Pù Luông, chủ thể làm du lịch là doanh nghiệp – những nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm.

Du lịch cộng đồng homestay bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch (Quế Phong). Ảnh: Đức Anh

Với các điểm du lịch cộng đồng ở Nghệ An, phải nói rằng, các điều kiện hạ tầng nói chung kém hơn. Chủ thể là những người dân làm du lịch theo kiểu tự phát (ngoại trừ mô hình bản Nưa – Con Cuông đã được JICA hỗ trợ và đào tạo khá bài bản, nhưng quy mô nhỏ, vẫn chưa thật sự bật lên được đặc thù, đặc trưng bản sắc văn hóa riêng có). Nhân lực làm du lịch cộng đồng ở Nghệ An rất thiếu, hạn chế về kỹ năng do chưa được đào tạo nhiều. Ẩm thực tuy phong phú nhưng thiếu món đặc thù, chưa thể làm du khách ăn một lần nhớ mãi. Các sản phẩm lưu niệm, thủ công truyền thống thì khá sơ sài, không tinh xảo.

Có thể thấy, dù đi học hỏi cách làm du lịch ở các tỉnh bạn, nhưng du lịch cộng đồng Nghệ An không thể bê nguyên mô hình bản Lác về để áp dụng như lâu nay được. Chúng ta cần phải sáng tạo trên các giá trị bản sắc riêng. Điều quan trọng là cần nắm được tâm lý du khách mong muốn điều gì khi về du lịch cộng đồng để phục vụ… Du lịch cộng đồng cũng cần nhà đầu tư lớn, nếu không sẽ phát triển rất chậm, khó phát huy tiềm năng để xây dựng thương hiệu các sản phẩm đủ sức cạnh tranh.

Là người trăn trở với du lịch cộng đồng, ông Lê Thanh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho rằng: Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Quy hoạch đã có, vấn đề đặt ra là cần thực hiện nhất quán. Mỗi địa phương cần căn cứ quy hoạch để lựa chọn mô hình phát triển du lịch phù hợp để tránh sự dàn trải, trùng lặp, không có điểm nhấn. Nếu huyện Con Cuông đã lấy văn hóa đồng bào Thái làm điểm nhấn văn hóa và sản phẩm du lịch, thì huyện Tương Dương có thể chọn văn hóa đồng bào Ơ Đu; huyện Kỳ Sơn chọn điểm nhấn là văn hóa đồng bào Mông; huyện Quế Phong có thể lựa chọn văn hóa cổ của người Thái, trải nghiệm có chiều sâu và mang tính cá biệt; huyện Quỳ Châu thì dựa vào văn hóa Thái nhưng theo hướng trải nghiệm làng nghề (dệt thổ cẩm); làm các đồ thủ công mỹ nghệ như mô phỏng cọn nước, cùng học dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian.

Ông Vi Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông bày tỏ: Để phát triển du lịch sinh thái – canh nông, du lịch cộng đồng cần có những nhà đầu tư có tiềm lực. Hiện các doanh nghiệp du lịch ở địa phương có tâm huyết, có đam mê nhưng năng lực đầu tư yếu. Việc tìm kiếm nhà đầu tư xây dựng các điểm đến hiện nay là rất khó khăn. Mong rằng, các cấp, ngành từ Trung ương, địa phương chung tay hỗ trợ công tác quảng bá, thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư.

Du lịch bằng xuồng máy trên thượng nguồn sông Giăng tại đập Phà Lài (Con Cuông). Ảnh: Lê Quang Dũng

 

Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến