CÂU CHUYỆN GIẢM NGHÈO


Người nông dân và cánh đồng chưa gặt
Ở một xã vùng sâu, trong buổi làm việc với cán bộ địa phương, thấy bảng báo cáo được chiếu lên màn hình: “Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 5,2% còn 2,6%”. Một con số nghe có vẻ đáng tự hào. Nhưng khi chiều xuống, đi ngang một cánh đồng trơ gốc rạ, gặp một người đàn ông đang gom rạ làm chất đốt, lưng còng, tay trầy trụa.

Hỏi ra, bác tên Sáu. Năm nay ngoài 60 tuổi, sống với người vợ bệnh, hai đứa cháu ngoại mồ côi. Vụ mùa rồi mất trắng vì lũ. Giờ ráng cày cuốc để sang năm còn mảnh ruộng mà bám. Bác nói, giọng trầm buồn: “Tui giờ đâu còn trong danh sách hộ nghèo. Năm ngoái có vay được con bò, sửa lại căn chòi, vậy là mấy chú thống kê báo ‘thoát’ rồi. Mà còn nghèo lắm chú ơi”.
Đứng giữa cánh đồng, nhìn cánh cò bay thấp, lòng chợt thấy trống trải. Hộ nghèo, đôi khi không nghèo trên giấy tờ, nhưng vẫn còn nghèo trong đáy mắt, trong bữa ăn thiếu muối, trong căn nhà trống trước trống sau.
Phần trăm đẹp, nhưng có thấy được từng nỗi nghèo?
Trong các báo cáo nông thôn mới, thường nghe: “Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ X% xuống Y%”. Con số ấy gọn gàng, thuận lợi cho quản lý, dễ nhìn trên biểu đồ. Nhưng câu hỏi là, bao nhiêu người đã thật sự bước ra khỏi nghèo?, bao nhiêu người “thoát” trên giấy, nhưng vẫn chưa đủ áo ấm, sách vở, nước sạch?.

Con số phần trăm không kể được chiều sâu của một cái nghèo kéo dài, và càng không hiện lên được khuôn mặt, giọng nói, khát vọng của từng con người. Một phần trăm không phản ánh được đôi mắt trũng sâu của bác Sáu, trong giấc ngủ chập chờn của người mẹ đơn thân, hay tiếng thở dài của đứa trẻ thiếu tập đến lớp, đến trường.
Nghèo không phải là một danh sách, mà là một hành trình cần đồng hành
Trong nhiều năm làm chính sách, có những hộ được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo bằng cách “thêm tiêu chí”, “vay vốn”, “sửa nhà”, nhưng chưa được ra khỏi cảnh nghèo. Thoát danh sách, nhưng chưa thoát bấp bênh, con chưa có học bổng, vợ chưa được chữa bệnh dài ngày, miếng ruộng còn ngập phèn chua, nỗi lo về tương lai vẫn y nguyên. Đó là nghèo ở tầng sâu, mà con số phần trăm không “thấm” được.
Muốn giảm nghèo thật, phải gọi tên từng hộ nghèo cụ thể
Lãnh đạo địa phương thay vì đặt câu hỏi: “Xã còn bao nhiêu phần trăm hộ nghèo?”, chuyển thành câu hỏi: “Tên ai còn trong danh sách cần giúp đỡ? Họ sống ở đâu? Họ cần gì? Ai đang đồng hành với họ?”. Đó là cách: Gọi tên - để biết rõ trách nhiệm; Gọi tên - để kết nối được chính sách, doanh nghiệp, cộng đồng; Gọi tên - để chính người trong cuộc thấy mình được ghi nhận, không bị bỏ lại phía sau.

Mỗi hộ nghèo là một câu chuyện - không thể gom chung vào một chỉ số
Ở một huyện vùng cao, có một bà cụ tên Bảy. Một đời mò ốc, bắt cá, nuôi hai đứa cháu nội, thường xuyên bị những căn bệnh của tuổi già. Bà được thoát nghèo nhờ căn nhà tình thương năm ngoái. Nhưng thu nhập vẫn gần như bằng không, không đất, không người thân đỡ đần.
Hỏi cụ: “Cụ thấy mình thoát nghèo chưa?”. Cụ trả lời chân chất: “Chắc nhà nước thấy rồi, chớ với tui cái ăn, cái bệnh vẫn bấp bênh mỗi ngày”. Không phải ai “thoát nghèo” cũng… thấy mình thoát. Vì vậy, mỗi hộ cần được “lập hồ sơ sống” như bác sĩ lập bệnh án, trong đó ghi rõ hộ nào nghèo do thiếu đất thì hướng tới tích tụ, chia sẻ đất sản xuất; hộ nào nghèo do thiếu kỹ năng thì tổ chức lớp dạy nghề, hộ nào nghèo do bệnh tật thì giúp kết nối y tế cộng đồng, hộ nào nghèo do neo đơn thì chuyển sang hệ thống trợ giúp xã hội có nhân lực thật sự.

Khi giảm nghèo là đi cùng từng hộ gia đình
Nhiều quốc gia trên thế giới có những cách làm hay. Đó là, cấp xã lưu trữ thông tin từng cá nhân, từng hộ nghèo về: độ tuổi, tình trạng sức khoẻ và tiếp cận cơ sở y tế, khả năng lao động, từng nhu cầu cụ thể khác. Đó là, “Tìm người nghèo nhất trong số nghèo để ưu tiên hỗ trợ sâu và đúng”. Chúng ta hoàn toàn có thể học được khi cán bộ chuyển từ cách tiếp cận “giảm tỷ lệ” sang “chăm sóc từng hộ nghèo”, xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ hộ nghèo như quản lý bệnh án điện tử, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, từng đoàn thể, những cán bộ thực chiến “đỡ đầu” một số hộ như người dẫn đường.

Cán bộ địa phương - đừng làm người vẽ số, hãy làm người đồng hành
Cán bộ nông thôn mới, cán bộ đoàn thể, hội phụ nữ, hội nông dân là những người gần dân nhất, hiểu dân nhất. Đừng để công việc chỉ xoay quanh chỉ tiêu phần trăm. Hãy bước vào từng căn nhà, hỏi thật, lắng nghe thật, và viết lại câu chuyện thật. Bởi vì một người “bước ra khỏi nghèo” không chỉ cần tiền, mà cần một bàn tay chìa ra đúng lúc, một ánh mắt tin tưởng, một lộ trình được thiết kế cho chính họ.

Giảm nghèo không phải là hạ thấp biểu đồ, mà là làm đầy cuộc sống
Chúng ta không thể đo được sự ấm áp của một mái nhà bằng con số phần trăm. Chúng ta cũng không thể thấy hy vọng qua biểu đồ, mà chỉ thấy trong ánh mắt người nghèo được gọi tên, được giúp đúng, giúp thật. Chúng ta làm vì trách nhiệm thì làm vừa đủ, nhưng nếu làm vì bổn phận của người phụng sự người dân và lòng trắc ẩn bên trong thì sẽ làm bằng cả trái tim.
Khi còn một người nghèo chưa được chạm tới, thì nhiệm vụ của chính quyền, của người làm chính sách vẫn chưa tròn. Khi ấy, câu nói “Không ai bị bỏ lại phía sau” sẽ còn là khẩu hiệu hoặc trong các bảng báo cáo.

Giảm nghèo không phải là viết báo cáo đẹp, mà là giúp người nghèo viết lại cuộc đời mình. Và khi người dân biết rằng mình được gọi tên, được nhìn thấy, được đồng hành, thì bà con sẽ vươn lên không chỉ bằng hỗ trợ, mà bằng sự kiên trì và bằng niềm tin.
Một danh nhân đã đúc kết: “Lãnh đạo không phải là quyền lực. Lãnh đạo là trách nhiệm. Trách nhiệm với người dân, nhất là những người không có tiếng nói”.
Và, câu chuyện con số phần trăm ở cơ sở đâu chỉ trong tiêu chí giảm nghèo, mà còn trong giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, sử dụng nước sạch, v.v…
Bài: Lê Minh Hoan
Thiết kế: Hoàng Bá