Để giảm cung phải có lực lượng chuyên trách và lực lượng rộng rãi

Thống nhất với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, các đại biểu nhấn mạnh, thực trạng tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm các giá trị đạo đức xã hội, sức khỏe một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, để lại hệ lụy cho gia đình, xã hội.

Tình trạng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, ma túy xâm nhập đến cả vùng nông thôn, trường học. Do đó, việc thông qua chủ trương đầu tư Chương trình này sẽ là thông điệp mạnh mẽ đấu tranh đẩy lùi tệ nạn ma túy hiện nay.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, một trong mục tiêu quan trọng nhất của Chương trình là sẽ tập trung "giảm cung" - đây là một công việc rất khó. Vì vậy, việc xác định đầu tư Chương trình ở tầm quốc gia là "hoàn toàn cần thiết và phù hợp".

z6012426056995-5ff86525682aaa631d433ed3f42b1073.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi và Bắc Giang). Ảnh: H. Ngọc

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần bổ sung đánh giá kết quả của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021- 2025, từ đó mới xác định chuẩn xác mục tiêu, chỉ tiêu phòng, chống ma túy cho giai đoạn tiếp theo.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ làm rõ tính hiệu quả, khả thi và sự tương thích, phù hợp của các mục tiêu, giải pháp với dự kiến nguồn lực. “Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự kiến bố trí nguồn lực dành cho Chương trình còn “hẻo”, chỉ bằng 1/5 so với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đang được trình Quốc hội xem xét”. Nêu rõ điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “với tầm vóc của Chương trình này, thì việc dự kiến bố trí hơn 22.000 tỷ đồng chưa là gì cả”.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, "cần làm rõ phân bổ như thế nào cho hợp lý, đầu tư cái gì, theo đó không nên xây nhiều trụ sở ở cơ sở mà nên tập trung cho nghiên cứu khoa học, đầu tư cho lực lượng chức năng để giảm nguồn cung; thực tế cho thấy, có trung tâm cai nghiện đang bỏ hoang".

Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần kết hợp chặt chẽ giữa phòng với chống, giữa giảm tác hại với "giảm cầu", đấu tranh để "giảm cung" yêu cầu phải có lực lượng chuyên trách (công an là chủ lực, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan…) và lực lượng rộng rãi (là ý thức của người dân).

Cùng với đó, cần rà soát giữa Chương trình này với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đang trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Đến 2030 phải đạt kết quả cụ thể, nổi trội hơn so với giai đoạn 2021-2025

Theo Chương trình, một số chỉ tiêu đề ra hàng năm đối với nhiệm vụ "giảm cung" là: số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%...

ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá, làm rõ: Đến năm 2030, liệu có bảo đảm đạt được mục tiêu đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy… như đã đề ra hay không?

Cho rằng, mục tiêu của Chương trình còn chung chung, một số ý kiến đề nghị, cần xem xét, nghiên cứu định lượng và thể hiện rõ hơn nữa đến năm 2030 sẽ đạt kết quả cụ thể, nổi trội gì hơn so với thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025, qua đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

H.Ngọc