1-1685866702813.jpg
Phát biểu giải trình trước Quốc hội sáng 1.6 về vấn đề đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, những vấn đề phân cấp, phân quyền của đầu tư công đã triệt để, giao hết tất cả các quyền cho các bộ, ngành và địa phương, từ khâu lựa chọn dự án, đến lập dự án, chuẩn bị dự án và giải ngân, điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tổ chức thi công... Kết quả tốt hay không nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Vì sao có nơi làm tốt, nơi lại không?
2-1685866703275.jpg
Tiếp thu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận sáng 1.6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong tiếp cận tín dụng, cơ chế chính sách cho vay không có gì thay đổi, năm 2022 tăng 14,16% và 5 tháng đầu năm nay tín dụng tăng 3%. Những tháng đầu năm, dư địa room tín dụng của các tổ chức tín dụng thoải mái, không bị chậm, thanh khoản hệ thống được Ngân hàng Nhà nước duy trì dư thừa, không có lý do gì tổ chức tín dụng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi doanh nghiệp. đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay
3-1685866703821.jpg
Thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn chiều 30.5, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức không dám làm gì do lo, e ngại không biết làm thế nào cho đúng. Tuy nhiên, theo đại biểu, dù có thể nói ra hoặc không nói ra, nhưng người dân đều biết ai làm tốt, ai làm không tốt, ai không dám làm, ai vì mục đích chung, ai vụ lợi. Cho nên chúng ta không sợ người dám làm, dám chịu trách nhiệm mà không được tín nhiệm.
4-1685866704196.jpg
Sáng 31.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, thông thường, một bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dày 70-100 trang, là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà thua thiệt sẽ chủ yếu thuộc về người mua nếu gặp phải tư vấn viên không có tâm. Ngay cả những chuyên gia tài chính, pháp luật không chuyên về bảo hiểm cũng gặp khó trong việc tiếp cận. Nhiều chuyên gia cho biết chỉ hiểu khoảng 70% hợp đồng.
5-1685866704540.jpg
Phát biểu tại hội trường ngày 1.6, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Nam Định) nêu tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm. “Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”. Đã sợ sai còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì nhận vào bản thân, còn khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác và bên ngoài. Đại biểu nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nói rõ về những biểu hiện này và chỉ rõ các nguyên nhân. Theo đó, một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh lên thì cán bộ nhụt chí, không dám làm. Đây là nguyên nhân nhạy cảm nhất mà các đại biểu Quốc hội chưa thấy đề cập tới.
6-1685866704962.jpg
Tại phiên giám sát tối cao về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày 29.5, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) phản ánh nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ, nhiều người chuyển sang khu vực tư nhân hoặc đến các đô thị lớn, rất ít sinh viên ra trường chịu về công tác tại y tế cơ sở. Nếu không sớm có chính sách phù hợp thì 10-15 năm nữa, trạm y tế sẽ không có bác sĩ làm việc.
7-1685866705275.jpg
Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 31.5, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp. Trong đó, cần rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính, nhất là thay đổi văn hóa "doanh nghiệp phải đi xin, chạy". Cần bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, bởi đến khi giải quyết được, doanh nghiệp đã "gần đất xa trời".
8-1685866705619.jpg
Thảo luận về Báo cáo huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng sáng 29.5, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu câu chuyện đầy xót xa khi ở thời điểm dịch bùng phát, các bác sĩ được xã hội coi như "anh hùng áo trắng", nhưng khi hết dịch, hình ảnh đó không còn nữa. Thay vào đó, nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian, tâm trí, công sức của các y bác sĩ, nhà quản lý y tế lại là viết báo cáo giải trình cho các cơ quan chức năng.
9-1685866705978.jpg
Phát biểu lại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 31.5, ĐBQH Đặng Xuân Phương (Nghệ An) kiến nghị hàng loạt giải pháp đề hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Đại biểu cũng đề nghị nếu buộc phải có sự cân nhắc bằng mọi giá hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng như đã đề ra của năm 2023 (GDP tăng trưởng 6,5%) so với việc chấp nhận một mức tăng trưởng thấp hơn trong ngắn hạn để đổi lấy sự phát triển bền vững có tính cạnh tranh cao trong trung và dài hạn, đại biểu tin rằng cử tri và nhân dân cả nước sẽ ủng hộ điều tốt đẹp hơn trong tương lai.
91-1685866706354.jpg
Phát biểu ý kiến về chính sách tiền lương chiều ngày 31.5, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội) cho rằng, cần coi trả lương là hình thức đầu tư, đầu tư cho con người, cho tương lai. Chỉ khi đầu tư tương xứng mới mang lại hiệu quả thiết thực. Đất nước không thiếu người tài, không thiếu người tâm huyết muốn cống hiến, nhưng cần chính sách đủ mạnh, tạo niềm tin cho người lao động. Đại biểu cho rằng, đã có 4 lần cải cách tiền lương, nhưng hiện nay, có thực tế, lương cán bộ, công chức là khá thấp. Sẽ là khập khiễng nếu so sánh với các nước phát triển, nhưng so với các nước trong khu vực thì cũng có khoảng cách không nhỏ.
Chi An; Trình bày: Xuân Tùng