Tác động tích cực từ chính sách
Vườn cây ăn quả gần 1 ha cam, bưởi, chanh của gia đình anh Nguyễn Quách Cương, xã Nam Thái (huyện Nam Đàn) được đầu tư hệ thống tưới khá bài bản. Bao gồm 3 giếng đào và khoan; 5 bể chứa; hệ thống ống dẫn nước, van, khoá đồng bộ. Hình thức tưới được kết hợp tưới nhỏ giọt, tưới phun sương và tưới cầm tay.
Anh Nguyễn Quách Cương chia sẻ: Do diện tích đồi núi, khô cằn, nhất là vào mùa nắng nóng, nên làm mô hình này gia đình đã quan tâm đầu tư hệ thống tưới cho cây trồng, tuy nhiên thiếu đồng bộ nên chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu năm 2022, trên cơ sở hướng dẫn của chính quyền địa phương, gia đình đã lập dự án và đầu tư mua sắm, lắp đặt hệ thống tưới đồng bộ, hiện đại hơn, với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng, trong đó có một phần hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách của HĐND tỉnh ban hành. Nhờ đó, cây trồng phát triển tốt và các sản phẩm quả có sản lượng và chất lượng hơn nhiều, tăng giá trị kinh tế vườn đồi. Khi đảm bảo về mặt tưới, gia đình cũng sẽ tăng thêm một số cây trồng có giá trị cao hơn trong thời gian tới.
Ở xã Khánh Hợp (huyện Nghi Lộc), từ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh ở giai đoạn trước (năm 2019) với hơn 300 triệu đồng và giai đoạn 2021 – 2025 với 400 triệu đồng, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hùng Thành đầu tư xây dựng hai nhà lưới trồng nho sữa Hàn Quốc, dưa lưới, cà chua, cherry…. Mỗi năm doanh thu của hợp tác xã hơn 1 tỷ đồng; trong đó lãi hơn 400 triệu đồng/năm. Ông Trần Mạnh Hùng – Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Sự hỗ trợ từ phía Nhà nước tạo ra động lực rất lớn cho những người làm nông nghiệp theo đuổi phương thức, cách thức sản xuất tiến tiến, hiện đại và hiệu quả.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND, ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh, qua gần 2 năm triển khai, trong 5 chính sách của nghị quyết, đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào đối với 4 dự án với tổng kinh phí hơn 510 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Hải – Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam khẳng định: Từ hỗ trợ đầu tư 4 công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án đã có tác động tích cực trong thu hút đầu tư cũng như giải quyết những vấn đề tồn tại, bất cập. Như từ đầu tư dự án đường N3, nối Quốc lộ 1A vào Khu công nghiệp Hoàng Mai I, đã tạo điều kiện để thu hút các dự án đầu tư trong khu công nghiệp. Hay đầu tư xây dựng đường khu D, Khu công nghiệp Nam Cấm cũng đã tạo điều kiện thu hút được 3 doanh nghiệp lớn vào đầu tư trong khu này. Hoặc đầu tư xây dựng hệ thống kênh thoát nước quanh Khu công nghiệp WHA, giai đoạn 2, đã giải quyết vấn đề tiêu thoát nước, ngập lụt cho dân cư trong khu vực và cho các nhà đầu tư khi san lấp mặt bằng và đầu tư xây dựng Khu công nghiệp WHA…
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, HĐND tỉnh đã quan tâm và triển khai thực hiện các cơ chế chính sách phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, với tổng 25 nghị quyết được ban hành (tính đến tháng 7/2023). Trên cơ sở các nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương triển khai, gắn với bố trí nguồn lực, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Chỉ tính riêng 11 nghị quyết thuộc lĩnh vực đầu tư, công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, văn hoá, lao động – xã hội; trong vòng 3 năm (2021 – 2023), UBND tỉnh, cấp huyện và xã đã bố trí gần 1.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 770 tỷ đồng để thực hiện các cơ chế chính sách. Các cơ chế chính sách triển khai vào thực tiễn đời sống xã hội đã tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh; góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị ở từng ngành, địa phương.
Một số tồn tại, bất cập
Không thể phủ nhận tính tích cực trong triển khai thực hiện các cơ chế chính sách do HĐND tỉnh ban hành. Tuy nhiên, thông qua chương trình giám việc thực hiện 11/25 nghị quyết về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay của HĐND tỉnh đã bộc lộ một số bất cập trong xây dựng, ban hành và triển khai các cơ chế chính sách.
Nổi lên là dù trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng tỉnh đã rất quan tâm dành đủ nguồn lực triển khai thực hiện các chính sách do HĐND tỉnh ban hành; song việc tuyên truyền, đưa các cơ chế chính sách đến các đối tượng thụ hưởng ở nhiều địa phương còn hạn chế; việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ các sở, ban, ngành cấp tỉnh thiếu quan tâm. Điều này dẫn đến, nhiều địa phương mới chỉ triển khai thực hiện 3 – 5 nghị quyết và trong số nghị quyết được triển khai cũng chưa thực hiện hết chính sách được thụ hưởng.
Thực tiễn này được đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hoá – Xã hội, HĐND tỉnh chỉ ra cụ thể, như chính sách hỗ trợ trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục có bố, mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND, ngày 13/8/2021, do chưa được tuyên truyền đầy đủ, nên các địa phương vẫn cho rằng, trên địa bàn không có khu công nghiệp nên không có đối tượng để triển khai. Băn khoăn nhất được Trưởng ban Văn hoá – Xã hội, HĐND tỉnh chia sẻ là Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND, ngày 09/12/2022 quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, dù có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, nhưng đến thời điểm đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh giám sát vẫn chưa được triển khai.
Cũng quan tâm đến công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Anh Hoa – Phó Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh cho rằng, việc triển khai thực hiện đang đi ngược lại mục tiêu xây dựng chính sách là nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho một số đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị quyết số 30/2021/NQ-HĐND, ngày 09/12/2021 với cơ chế hỗ trợ hàng tháng, nhưng nguồn năm 2022 thì cuối năm mới được cấp về và năm 2023, thời điểm giám sát vào tháng 10/2023 vẫn chưa được cấp.
Bên cạnh đó, một số vướng mắc, bất cập trong thực hiện cơ chế chính sách chậm được các sở, ngành chủ động tham mưu điều chỉnh. Đơn cử thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho các doanh nghiệp, điều kiện được hỗ trợ là có chứng chỉ đào tạo nghề; trong khi thực tiễn các doanh nghiệp tự đào tạo lao động không qua cơ sở đào tạo để cấp chứng chỉ. Trình tự hồ sơ thủ tục trong thực hiện chính sách cũng đang có những rườm rà, phức tạp, khiến một số đối tượng không mặn mà với chính sách.
Thay đổi tư duy làm chính sách
Bên cạnh việc triển khai thực hiện bộc lộ những bất cập, thông qua hoạt động giám sát, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nêu ra vấn đề, các sở, ngành cần rà soát, xem xét lại các chính sách đã ban hành đang có tính dàn trải, sự hỗ trợ nhỏ lẻ và không tạo được đột phá.
Đồng tình ý kiến Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương - Phạm Văn Hoá cho rằng: Chính sách ban hành chưa đủ tầm mà nguyên nhân là do nguồn lực hạn chế, các ngành muốn có chính sách “to” cũng không được nên buộc phải tham mưu, đưa ra nhiều chính sách nên thành manh mún. Muốn khắc phục tình trạng này, cần phải thay đổi quan điểm, tư duy làm chính sách; chính sách phải là để đầu tư chứ không phải chính sách để chi các hoạt động thường xuyên.
Nêu quan điểm về xây dựng chính sách, đồng chí Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Tâm lý, ai cũng muốn ngành mình, địa phương mình có chính sách để thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ; cho nên trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân kiểm soát xây dựng chính sách là phải tránh cục bộ ngành, địa phương. Xây dựng chính sách, bên cạnh giải quyết các vấn đề bức thiết của cuộc sống, thì đầu tiên là phải bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, mục tiêu, nhiệm vụ gì trọng tâm, đột phá để xây dựng theo thứ tự ưu tiên, như đầu tư nguồn lực cho con người, xây dựng nông thôn mới, thu hút đầu tư, đầu tư hạ tầng, cải cách hành chính, chuyển đổi số… “Trong điều kiện khó khăn, nếu ngành nào cũng đề xuất chính sách và được thông qua thì sẽ mất đi định hướng” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đồng tình với các quan điểm xây dựng chính sách nêu trên, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh, cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận mới trong ban hành cơ chế chính sách có trọng tâm, trọng điểm gắn với cơ cấu ngành, lĩnh vực; và các sở, ngành cần rà soát các chính sách để đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp, tạo động lực thúc đẩy phát triển thật sự đối với từng ngành, lĩnh vực và chung của tỉnh.