Chỉ thế thôi đã đủ nói rằng: Chương trình “Mạch nguồn Ví, Giặm” đã thành công như mong đợi của Ban Tổ chức, xứng đáng với những nỗ lực lớn của Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, của Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An (NTV) cùng nhiều tổ chức, cá nhân thầm lặng.

machnguonvidam_rkdg.jpg
Chương trình nghệ thuật "Mạch nguồn Ví, Giặm" nhằm tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh 5 nhạc sĩ tài hoa của Nghệ An

Không chỉ thưởng thức âm nhạc, qua chương trình này rất nhiều người, nhất là người Nghệ thêm một dịp hiểu về quê hương mình, hiểu và thêm quý trọng nhiều hơn nữa tài năng, nhân cách của các nhạc sĩ; và có lẽ cũng có thêm những điều suy ngẫm.

1. Từ chính mảnh đất nghèo “mồng tơi không kịp rớt”, phải liên miên chống chịu với bao thiên tai, giặc giã của một vùng phên dậu, “Đến câu hát cũng hai lần sàng lại”…vậy mà bao thế hệ người Nghệ, từ lao động đã sáng tạo, mài dũa, chưng cất dân ca Ví, Giặm thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Vừa vật lộn để sinh tồn rất nhọc nhằn, song người xứ Nghệ cũng thật tự hào khi đã xây đắp nên một "xứ" văn hoá giàu bản sắc, tự tin toả sáng cùng xứ Lạng, xứ kinh Bắc, xứ Thanh, xứ Huế, xứ Quảng, xứ Đồng Nai…

Tiếp cận chiều sâu văn hoá càng hiểu hơn về người Nghệ: dẫu có thể nghèo mà không hèn, gian khổ không làm nhụt chí, hồn hậu mà không quê kệch, cách mạng đến cùng nhưng lãng mạn cũng… vô cùng.

bna-dem-dien-21-8717-1-copy.jpg
Đông đảo khán giả xứ Nghệ tham dự chương trình “Mạch nguồn Ví, Giặm”
bna-1-5-8075-copy.jpg
Đại diện Ban tổ chức tặng hoa cho gia đình các nhạc sĩ

2. Các nhạc sĩ tiêu biểu vừa được vinh danh (và rất nhiều trí thức lớn người Nghệ), nhiều người sinh ra lớn lên từ xóm thợ, gánh hát rong, từ làng quê nghèo, vậy mà họ bằng ý chí, nghị lực và niềm đam mê sáng tạo vô cùng lớn để có được thành công. Họ đắm mình trong dòng chảy của dân gian, khai thác nhưng không bê nguyên xi di sản của cha ông. Họ đã miệt mài sáng tạo, dân gian hoà cùng hiện đại, lấy cái nghèo để nuôi âm nhạc, phát triển và làm thăng hoa di sản văn hoá cha ông bằng những kiệt tác đã thành bất hủ. Những tài năng lớn ấy, họ là những tấm gương sáng về đức độ, nhân cách của một trí thức lớn. Thật may mắn cho những ai đã từng được gặp gỡ, làm việc với những con người tài hoa ấy.

Sinh ra từ xứ Nghệ và thành danh từ “mạch nguồn Ví, Giặm”, nhưng ở họ còn là những tâm hồn rộng mở, đón gió muôn phương, kết tinh tri thức văn hoá muôn phương để làm nên những tượng đài nghệ thuật đa thanh, đa sắc cho nhiều vùng miền, cho văn hoá dân tộc, và qua đó, chính họ đã làm rạng rỡ hơn quê mình xứ Nghệ - miền đất tự bao giờ đã được đánh giá là "địa linh của địa linh, nhân kiệt của nhân kiệt".

ndo_br_16-2893.jpg
Tiết mục "Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh" - sáng tác bởi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, do ca sĩ Phạm Phương Thảo trình bày (Ảnh: Báo Nhân dân)

3. Đêm nhạc “Mạch nguồn Ví, Giặm” đã chạm vào tâm hồn, chạm vào trái tim mỗi chúng ta, cũng đồng thời như dòng Lam giang xanh trong soi rọi từng nghĩ suy, lời nói, việc làm của bao người. Làm sao để tiếp nối và không phải hổ thẹn với cha ông mình, với giá trị văn hoá, nhân văn vốn có của đất và người xứ Nghệ. Hành trình vươn lên trở nên giàu mạnh về kinh tế còn phải cần thêm thời gian, nhưng làm phong phú, giàu sang hơn về văn hoá thì không nên, không thể chậm trễ. Lấy nền tảng văn hoá để nuôi dưỡng khát vọng, động lực, sự bền vững cho kinh tế, cho một xã hội phát triển hài hoà, nhân văn.

ndo_br_7-5231.jpg
Xen kẽ với các tiết mục nghệ thuật, chương trình còn có những câu chuyện kể của người thân, gia đình, các nhạc sĩ đồng nghiệp và bản thân năm cố nhạc sĩ chia sẻ.

Trong nhiều lần được tiếp xúc, học giả Nguyễn Trần Bạt cứ trăn trở: Làm sao để người Nghệ duyên dáng hơn, hấp dẫn hơn? Làm sao chân thật mà không thô vụng, khó khăn nhưng không nản chí; tự tin, tự hào mà không tự phụ, tự ti; không bảo thủ, thành kiến đến cực đoan; làm sao để dù hoàn cảnh nào cũng giữ cho được sự tin cậy, đằm thắm, thủy chung vốn được coi là gen trội của người xứ Nghệ?

Làm sao trước mỗi biến cố, bất đồng dù nhỏ, thay cho sự thiếu kiềm chế, hãy cùng nhau chia sẻ với lòng khoan dung nhất, sự tinh tế, chân thành nhất có thể. Và nhất là cần làm sao luôn biết vượt qua được sự tự cao, tự phụ, nhất là tính gàn dở để mở lòng thành tâm học hỏi mọi điều tốt đẹp từ đất và người muôn phương, để mình ngày càng giỏi hơn, tốt hơn và có thiện cảm hơn trước bạn bè, đối tác... muôn phương.

Hầu như những “Làm sao?” ấy đều có thể tìm thấy câu trả lời trong văn hóa Việt nói chung, trong văn hóa, nhất là trong Ví, Giặm xứ Nghệ nói riêng; được trả lời bằng những tấm gương lao động nghệ thuật quên mình của những nhạc sỹ đang được vinh danh.

Câu Ví, Giặm bắc nhịp cầu trái tim. Kiên trì, bền bỉ để các thế hệ người Nghệ hôm nay, mai sau kế thừa, phát huy và phát triển, làm cho Ví, Giặm ngày càng sâu lắng, bay bổng hơn, làm giàu thêm di sản văn hóa của cha ông; làm giàu sang hơn cho quê hương, đất nước mình, đó chính là sự tiếp nối, tri ân thành tâm, thiết thực, hiệu quả nhất, tốt đẹp nhất.

Chỉ riêng với “Mạch nguồn Ví, Giặm”, những ngày gần đây, nếu như có đủ những điều đó, chương trình nghệ thuật tri ân có một không hai này sẽ còn viên mãn hơn, tỏa sáng, vang vọng hơn rất nhiều!

ndo_br_cover-6585.jpg
Chương trình được đánh giá thành công ngoài mong đợi, để lại những dư vị ngọt ngào sâu lắng trong lòng khán giả. (Ảnh: Báo Nhân dân)