Trong số các nội dung được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND thì thảo luận về Báo cáo kinh tế - xã hội do Chính phủ hoặc UBND cùng cấp trình là một trong những hoạt động được chú trọng và thường dành thời lượng đáng kể trong chương trình kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND. Hoạt động thảo luận được diễn ra tại phiên thảo luận tổ và phiên thảo luận tại hội trường của kỳ họp. Thông qua thảo luận, Quốc hội, HĐND xem xét, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội trong niên độ báo cáo và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tiếp theo. Đây là một trong những hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội và hoạt động giám sát của HĐND được quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đồng thời, hoạt động thảo luận về kinh tế - xã hội, nhất là tại phiên họp toàn thể của kỳ họp thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cử tri. Thông qua đó, vừa là cách thức hữu hiệu để đại biểu thể hiện trách nhiệm của mình với cử tri, với lời hứa đại diện cho tiếng nói của cử tri trong cơ quan dân cử, vừa là cách thức cử tri theo dõi, giám sát đại biểu thực hiện nhiệm vụ của mình.
Xác định tầm quan trọng của hoạt động thảo luận về kinh tế - xã hội, vừa qua, Ban Công tác Đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị bồi dưỡng “Kỹ năng nghiên cứu báo cáo kinh tế - xã hội dành cho đại biểu dân cử”. Từ việc tham gia tập huấn, lắng nghe báo cáo viên trình bày các chuyên đề và nghiên cứu các tài liệu Hội nghị, có thể rút ra một số kỹ năng để đại biểu thảo luận và bộ phận tham mưu, giúp đại biểu nghiên cứu, chuẩn bị thảo luận về kinh tế - xã hội như sau:
Thứ nhất là đọc, nghiên cứu báo cáo về kinh tế - xã hội.
Việc nghiên cứu Báo cáo về kinh tế - xã hội giúp cho việc phát hiện, lựa chọn những nội dung sẽ phát biểu thảo luận. Góp ý trực tiếp vào Báo cáo cũng là một cách để đại biểu phát biểu tại Hội trường.
Trước khi đọc Báo cáo của cơ quan hành pháp trình Quốc hội, HĐND, đại biểu cần nghiên cứu Nghị quyết của Quốc hội, HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thời gian báo cáo. Đây là căn cứ giúp đại biểu đối chiếu, so sánh, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra. Khi nghiên cứu báo cáo kinh tế - xã hội, cần tập trung phân tích những thông tin định tính quan trọng đánh giá tình hình, nhận định kết quả thực hiện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đồng thời, cần quan tâm đến những thông tin định lượng trong Báo cáo đã được xác định trong Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội như chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), tổng thu ngân sách, tổng chi ngân sách, tỷ trọng tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực, chỉ tiêu về giáo dục, y tế, việc làm, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, số liệu về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm…, đánh giá mức độ thực hiện các chỉ tiêu (không đạt, đạt, vượt), so sánh cùng kỳ, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan của kết quả đó.
Ngoài việc so sánh, đối chiếu với các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra thì việc liên hệ những nhận định, đánh giá trong báo cáo với những thông tin từ thực tiễn mà đại biểu thu thập được qua hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề, thanh tra, kiểm tra, phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng… cũng là một cách thức giúp đại biểu phát hiện các vấn đề trong Báo cáo.
Trong quá trình nghiên cứu, đại biểu cần ghi chép lại những nội dung thông tin mà mình quan tâm hoặc đáng chú ý, phát hiện thấy có sự chưa thống nhất, việc giải trình nguyên nhân trong báo cáo chưa thỏa đáng, chưa thuyết phục, chưa làm rõ trách nhiệm hoặc những nhiệm vụ, giải pháp chưa gắn với việc khắc phục các hạn chế, tồn tại để cân nhắc, lựa chọn làm vấn đề thảo luận.
Thứ hai là lựa chọn vấn đề để tham gia thảo luận
Việc lựa chọn vấn đề để phát biểu thảo luận có ý nghĩa hết sức quan trọng quyết định đến chất lượng của bài phát biểu, đặc biệt là phát biểu thảo luận tại phiên họp toàn thể của kỳ họp thường được truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi. Thực tế thì báo cáo về kinh tế - xã hội khá dày dặn, với nhiều thông tin trên các mặt của đời sống xã hội, việc lựa chọn vấn đề thảo luận cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Đại biểu có thể cân nhắc trong số những vấn đề đáng chú ý mà mình đã phát hiện, ghi chép khi đọc báo cáo như đã phân tích ở trên. Ngoài ra, đại biểu có thể phát biểu về một vấn đề khác liên quan đến kinh tế - xã hội mà đại biểu quan tâm, không phụ thuộc vào nội dung của báo cáo hoặc phản ánh, kiến nghị vấn đề của địa phương nơi ứng cử. Tuy nhiên, cần lưu ý những vấn đề này phải đặt trong mối tương quan với các địa phương khác, hạn chế đưa những vấn đề cục bộ của địa phương mình.
Dù cách thức lựa chọn vấn đề phát biểu thảo luận thế nào chăng nữa thì việc lựa chọn cần dựa trên ba tiêu chí: vấn đề mà đại biểu am hiểu, nắm vững; vấn đề cử tri quan tâm và vấn đề mà đại biểu có thể thu thập được nhiều thông tin hữu ích. Việc lựa chọn vấn đề đại biểu am hiểu sẽ giúp đại biểu phát huy lợi thế, hiểu biết sâu sắc về vấn đề, đồng thời thực hiện trách nhiệm của đại biểu đối với cử tri trong ngành/lĩnh vực mà mình đang là người đại diện. Hơn thế nữa, điều đó còn giúp đại biểu tự tin hơn khi phát biểu và có thể thu thập được những thông tin bổ ích để lập luận chặt chẽ, chính xác, bảo vệ cho quan điểm của mình. Nếu đại biểu phát biểu một vấn đề mà mình không nắm vững thì có thể phần lập luận thiếu chặt chẽ và bị tranh luận, thậm chí “chất vấn ngược” trở lại. Vấn đề thảo luận được cử tri quan tâm giúp đại biểu lựa chọn những vấn đề nóng, đồng thời giúp đại biểu thực hiện vai trò đại diện cho tiếng nói của cử tri trong cơ quan dân cử. Lựa chọn vấn đề thảo luận đáp ứng cả ba tiêu chí trên sẽ giúp đại biểu có nhiều thuận lợi khi phát biểu, quyết định một phần đến thành công khi thảo luận.
Thứ ba là chuẩn bị bài phát biểu thảo luận
Một bước quan trọng không kém quyết định đến thành công của việc phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội chính là công tác chuẩn bị. Đại biểu cần chú ý đến thời lượng phát biểu thảo luận tại hội trường tối đa 07 phút đối với kỳ họp Quốc hội, tối đa 03 phút đối với kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An mà nội quy kỳ họp đã đề ra để chuẩn bị dung lượng phù hợp.
Ở bước này, đại biểu cần thu thập thông tin, số liệu “biết nói” để dẫn chứng cho những nhận định, đánh giá của mình và sắp xếp bài phát biểu theo bố cục đầy đủ, cân đối, trật tự logic, chặt chẽ. Thông tin, số liệu có thể thu thập từ rất nhiều nguồn như báo cáo của các cơ quan nhà nước, tài liệu chuyên ngành của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, ý kiến của các chuyên gia, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến, kiến nghị của cử tri… Tuy nhiên, các thông tin, số liệu đưa vào bài phát biểu cần phải chính xác, minh chứng cho các luận điểm, nhận định được đưa ra. Từ những thông tin, số liệu thu thập được, đại biểu cần có đánh giá, phân tích toàn diện để đưa ra các nhận định, đánh giá và giải pháp có tính thuyết phục, khả thi. Nội dung chính của bài phát biểu có thể triển khai theo hướng lập luận từ thực trạng, nguyên nhân đến kiến nghị, đề xuất giải pháp.
Có nhiều cách thức khác nhau để chuẩn bị phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội nhưng việc đại biểu dân cử nghiên cứu công phu, chuẩn bị kỹ càng bài phát biểu, thẳng thắn phát biểu thảo luận về báo cáo kinh tế xã hội tại phiên thảo luận tại tổ hay thảo luận tại hội trường kỳ họp vừa thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm của người đại biểu, vừa góp phần rất quan trọng vào chất lượng, hiệu quả kỳ họp của Quốc hội, HĐND các cấp./.
Thảo Nguyên