Vào cuộc đồng bộ

Tháng 9/2022, gia đình ông Nguyễn Hữu Minh, ở thôn 3, xã Long Sơn (huyện Anh Sơn) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau tròn 30 năm kể từ ngày được cấp có thẩm quyền có quyết định cấp đất, giao đất đối với gia đình. Không thể nói hết sự phấn khởi, bởi theo ông “bây giờ mới là thực quyền là tài sản của gia đình bằng pháp lý và đi kèm với đó là quyền lợi được vay ngân hàng để đầu tư phát triển trang trại với việc cải tạo ao thả cả, chăn nuôi trâu - bò”.

Cùng thôn 3, gia đình ông Trần Văn Nam cũng được cấp giấy trong thời gian với gia đình ông Minh và sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã vay ngân hàng mở dịch vụ kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải, máy múc. Hay ông Trần Văn Phú cũng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và vay tiền ngân hàng để mở dịch vụ tạp hoá, dịch vụ thuốc tây.

Không chỉ có 3 hộ, ở thôn 3 đã có 45/89 trường hợp tồn đọng nhiều năm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời gian qua. Ông Nguyễn Hữu Minh cho biết: Việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đơn vị tư vấn triển khai từ năm 2012, 2013 và sau đó nhiều đoàn về làm cũng không được. Nhưng chỉ 4 tháng xã đưa cán bộ, công chức về phối hợp với thôn để rà soát, tổng hợp các hộ dân có nhu cầu cấp giấy chứng nhận, đồng thời trực tiếp hoàn thiện hồ sơ cho dân thì đã tháo gỡ cho nhiều gia đình, hiện các trường hợp còn lại chưa được cấp giấy do chưa đủ điều kiện.

Thời điểm đầu năm 2022, qua rà soát, trên địa bàn xã Long Sơn có hơn 600 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây chính là vấn đề “nóng” ở các thôn mà các kỳ tiếp xúc cử tri hay họp dân của cán bộ các cấp, người dân đều có ý kiến, kiến nghị. Để đảm bảo triển khai hiệu quả kế hoạch của UBND huyện Anh Sơn và giải quyết vướng mắc từ thực tiễn, xã Long Sơn thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch và thành lập tổ chuyên môn giúp việc bao gồm công chức xã được phân công phụ trách một thôn có trách nhiệm rà soát, phân loại và trực tiếp làm hồ sơ cho người dân. Kết quả, tính từ tháng 8/2022 đến nay, xã Long Sơn đã giải quyết được hơn 400/600 hồ sơ cấp giấy cho người dân.

thao-go-tung-vuong-mac-trong-cap-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat-cho-nguoi-dan--n1.jpg
Công chức xã Long Sơn, huyện Anh Sơn trực tiếp xuống dân rà soát, hoàn thiện hồ sơ cấp giấy

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân lâu nay luôn là vấn đề “nóng” ở nhiều diễn đàn tiếp xúc cử tri tại các địa phương. Với sự vào cuộc của HĐND tỉnh, đặc biệt là phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh và ban hành Thông báo số 219/TB-HĐND, ngày 05/10/2021 về kết quả giải trình về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An với các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra rất cụ thể; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 815/KH-UBND, ngày 30/11/2021 để triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị từ Thường trực HĐND tỉnh. Theo đó, nhiệm vụ, chỉ tiêu cho từng sở, ngành và địa phương được giao cụ thể; trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành, thị xã và cơ sở xác định rõ: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người dân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Cùng với đó, cấp uỷ, HĐND một số địa phương cũng đã vào cuộc, tạo sự đồng bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, như huyện Đô Lương tổ chức hội nghị chuyên đề bàn giải pháp, đồng thời ban hành Chỉ thị số 09-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện uỷ về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện. Hay ở huyện Tân Kỳ, HĐND huyện đã tổ chức cuộc giám sát chuyên đề việc chấp hành pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện; UBND huyện giao chỉ tiêu từng cơ sở và ban hành văn bản đôn đốc…

Ở huyện Nghi Lộc, HĐND huyện đã thành lập đoàn giám sát công tác quản lý đất đai, trong đó có cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số xã Nghi Thịnh, Nghi Quang, Nghi Xuân…; đồng thời đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp và tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND huyện với lãnh đạo UBND huyện và phòng, đơn vị chuyên môn liên quan, nhằm tạo sức nặng, theo đuổi đến cùng trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân của HĐND huyện.

Bà Lê Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghi Lộc, cho rằng: Thông qua các hoạt động của HĐND huyện đã tạo sự cộng hưởng đốc thúc UBND huyện và cơ sở vào cuộc quyết liệt. Từ khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn cấp giấy được HĐND kiến nghị, UBND huyện tổ chức buổi làm việc với các phòng, ngành liên quan để thống nhất phương án giải quyết; đồng thời làm việc với các xã có kiến nghị cử tri trong cấp giấy, giao trách nhiệm và cử cán bộ, công chức các phòng, ban chuyên môn cấp huyện về cơ sở hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho từng cơ sở. Qua đó, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo Kế hoạch 815/KH-UBND của UBND tỉnh tại huyện Nghi Lộc đạt khá tốt; trong đó có một số xã đã hoàn thành chỉ tiêu được giao về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tồn đọng, như xã Nghi Thiết, Nghi Tiến, Nghi Thái, Nghi Xá, Nghi Phong, Nghi Thuận.

thao-go-tung-vuong-mac-trong-cap-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat-cho-nguoi-dan--n2.jpg
Cán bộ huyện Nghi Lộc về xã Nghi Kiều trực tiếp hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSD đất.

Từ nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo của các cấp, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất so với tổng số trường hợp còn tồn đọng là 35,39% và tỷ lệ cấp so với các trường hợp đủ điều kiện là 53,95%. Trong đó có nhiều địa phương đạt tỷ lệ cấp giấy chứng nhận cao (trong số các trường hợp đủ điều kiện) như huyện Quỳnh Lưu đạt 100%; Thanh Chương đạt 82,14%; Đô Lương đạt 75,56%...

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Mặc dù có nhiều chuyển biến trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, tuy nhiên so với Kế hoạch số 815/KH-UBND của UBND tỉnh thì vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo phản ánh của nhiều địa phương, qua rà soát, trong nhóm đủ điều kiện để thực hiện cấp giấy chứng nhận thì có một số trường hợp sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai cần phải thực hiện xử lý vi phạm theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Một số trường hợp đất cấp chồng lấn hoặc diện tích thực tế so với quyết định giao đất chênh lệch lớn, phải thực hiện trích đo lại thửa đất; có những trường hợp chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ thủ tục liên quan đến phân chia tài sản thừa kế, tặng cho; hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Trong nhóm không đủ điều kiện để thực hiện cấp giấy chứng nhận, có trường hợp không phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đất đang có tranh chấp, lấn chiếm; chuyển nhượng, tặng cho sau ngày 01/01/2008 nhưng chưa làm thủ tục với Nhà nước; người dân không phối hợp đến kê khai, lập hồ sơ theo thông báo; sử dụng đất không liên tục;...

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp chưa được cấp giấy thuộc diện giao đất không đúng thẩm quyền, không có giấy tờ giao đất, nộp tiền sử dụng đất… Một số người sử dụng đất không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính, không phối hợp thực hiện kê khai, lập hồ sơ theo thông báo của chính quyền địa phương...

Trường hợp người dân đổi đất là nhà văn hoá đã có chủ trương cấp giấy chứng nhận, tuy nhiên các trường hợp đổi đất làm đường giao thông, sân vận động, trạm điện, trụ sở UBND xã, trường học…, hiện chưa có chủ trương giải quyết.

Hiện nay, những vấn đề khó khăn, vướng mắc đang được các địa phương tập trung tháo gỡ và kiến nghị tỉnh tháo gỡ nhằm đưa công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới./.