Để từng bước tháo gỡ khó khăn này, mới đây HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 22/2024/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 quy định thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng tài sản công; thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Nghệ An, trong đó tăng hạn mức giá trị mua sắm thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ trưởng các đơn vị.

Phòng xét nghiệm Tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh

Mua sắm khó khăn vì hạn mức giá trị mua sắm

Việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định có liên quan. Theo quy định của Luật Đấu thầu, người có thẩm quyền có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đình chỉ thầu, hủy thầu, giải quyết kiến nghị; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu, thực hiện hợp đồng;…

Nhưng thẩm quyền mua sắm lại chịu sự điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, HĐND tỉnh sẽ có thẩm quyền quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm. Vì vậy, trong thời gian qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐND ngày 20/07/2018 về phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hàng hóa, dịch vụ thuộc dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của tỉnh Nghệ An.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An

Qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về công tác mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư, thiết bị y tế, nhiều lãnh đạo bệnh viện phản ánh, dù đang thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế so với nhu cầu khám chữa bệnh, thậm chí có trường hợp khẩn cấp nhưng bệnh viện cũng chỉ được mua sắm trong hạn mức dưới  dưới 100 triệu đồng/1 đơn vị hàng hóa, dịch vụ hoặc tổng giá trị mua sắm dưới 150 triệu đồng/1 lần mua sắm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Nếu muốn mua sắm hàng hóa có giá trị trên 100 triệu đồng thì phải trình qua Sở Y tế phê duyệt, từ 300 triệu trở lên thì phải trình qua Sở Y tế, qua Sở Tài chính và lên UBND tỉnh phê duyệt.

Theo đại diện Bệnh viện Ung bướu, là bệnh viện chuyên khoa điều trị ung bướu tuyến cuối của khu vực Bắc Trung Bộ, nên bệnh viện có nhu cầu sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao nhiều, các thiết bị y tế lớn, giá trị cao, vì vậy Bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn khi mua sắm. Hầu hết các gói thầu mua sắm của bệnh viện đều thuộc thẩm quyền quyết định của Giám đốc Sở Y tế và Chủ tịch UBND tỉnh, trong khi đó thủ tục, quy trình mua sắm phức tạp, thời gian kéo dài, dẫn đến một số thời điểm bệnh viện thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Đoàn khảo sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An thực tế trang thiết bị hiện có tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

Không chỉ khó khăn cho các đơn vị, việc quy định hạn mức thấp cũng dẫn đến tăng khối lượng xử lý công việc của các cơ quan quản lý nhà nước, một số trường hợp việc thẩm định, phê duyệt không đảm bảo kịp thời, do phải trình qua nhiều cấp để xem xét, phê duyệt, dẫn đến mất tính chủ động của của đơn vị trong việc mua sắm;… Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh từ năm 2021 đến tháng 8/2024, trung bình mỗi năm mua sắm với giá trị gần 500 tỷ đồng với 114 gói thầu nhưng chỉ có 27 gói thầu có giá trị dưới 100 triệu đơn vị chủ động mua sắm, có tới hơn 87 gói thầu trên 100 triệu đều phải được Giám đốc Sở Y tế phê duyệt và Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Phần lớn các gói thầu mua sắm hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế tại cơ sở y tế đều thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế do đó các đơn vị không được chủ động, việc thực hiện mua sắm của các đơn vị phụ thuộc nhiều vào thời gian thẩm định, phê duyệt của các cơ quan chức năng. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cục bộ thiếu thuốc, vật, thiết bị y tế trong thời gian qua.

Tăng hạn mức phân cấp

Từ những khó khăn trong thực tiễn, qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tại các bệnh viện về thực hiện công tác mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư, thiết bị y tế, các bệnh viện đã đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐND ngày 20/07/2018 và Nghị quyết 11/2024/NQ-HĐND ngày 11/07/2024 của HĐND tỉnh theo hướng tăng hạn mức phân cấp cho các đơn vị được quyền quyết định mua sắm tài sản, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động, thuận lợi trong việc mua sắm đảm bảo đủ thuốc, vật tư, thiết bị y tế cho công tác khám chữa bệnh.

Phòng xét nghiệm Tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh

Qua theo dõi một số tỉnh trong cả nước đã tăng hạn mức giá trị mua sắm thuộc thẩm quyền quyết định của giám đốc các Bệnh viện để tạo sự chủ động trong mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế như: như tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND ngày 24/7/2024, Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024;…Đặc biệt, tại Hà Nội, HĐND tỉnh đã phân cấp hoàn toàn thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trừ tài sản là nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp và tài sản khác gắn liền với đất, xe ô tô tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố cho thủ trưởng cơ quan, tổ chức đơn vị.

Tương tự, HĐND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 66/2024/NQ-HĐND ngày 08/10/2024, HĐND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND ngày 30/9/2024 theo hướng tăng hạn mức phân cấp đối với các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành quyết định mua sắm tài sản công, theo đó các hàng hóa có giá trị dưới 5 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; các hàng hóa có giá trị dưới 500 triệu đồng/gói thầu thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Tại tỉnh Nghệ An, để đẩy mạnh và tăng cường phân cấp cho Thủ trưởng các đơn vị và địa phương; góp phần nâng cao trách nhiệm, tạo sự chủ động trong công việc của các đơn vị, hạn chế được việc phát sinh các thủ tục hành chính giữa các cấp, các ngành dẫn đến chậm trễ trong quá trình quản lý, xử lý, mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, gây lãng phí tài sản công và ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao, tại Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 22/2024/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 quy định thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng tài sản công; thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Nghệ An thay thế Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày và sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND, trong đó có quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản đối với các cơ sở y tế.

Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên có thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công bao gồm cả vật tư tiêu hao (trừ cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) phục vụ hoạt động của đơn vị.

Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn lại trực thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị dự toán cấp I  có thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công khác (bao gồm cả vật tiêu hao) phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với mua sắm tài sản có giá trị không quá 200 triệu đồng/một lần mua sắm, trừ các tài sản trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

Theo Báo cáo của Sở Y tế, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 01 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, 18 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên gồm: 11 bệnh viện tuyến tỉnh: Các bệnh viện: Sản - Nhi, Ung bướu, Nội tiết, Phục hồi chức năng, Chấn thương - Chỉnh hình, Phổi, Mắt, đa khoa khu vực Tây Bắc và Tây Nam, Y học cổ truyền, Da liễu và 07 Bệnh viện đa khoa tuyến huyện hạng II: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương, Đô Lương và thành phố Vinh. Theo quy định mới tại Nghị quyết số 22/2024/NQ-HĐND, Giám đốc các đơn vị này sẽ có thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công bao gồm cả vật tư tiêu hao (trừ cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) phục vụ hoạt động của Bệnh viện mà không bị hạn chế về hạn mức giá trị tài sản.

Các cơ sở y tế còn lại gồm: 18 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên: 06 đơn vị tuyến tỉnh: Bệnh viện Tâm thần; Trung tâm: Kiểm soát bệnh tật, Huyết học - Truyền máu, Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm - Thực phẩm, Giám định y khoa, Giám định pháp y; 12 đơn vị tuyến huyện: Trung tâm y tế các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Cửa Lò, Hoàng Mai; 09 đơn vị do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Trung tâm Y tế các huyện: Con Cuông, Đô Lương, Thanh Chương, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thái Hòa và thành phố Vinh. Việc mua sắm các tài sản có giá trị không quá 200 triệu đồng/1 lần mua sắm (trừ các tài sản trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô tại) sẽ do Thủ trưởng các đơn vị quyết định.

Hy vọng, với việc tăng hạn mức phân cấp mua sắm cho Thủ trưởng các đơn vị như trên, sẽ khắc phục phần nào khó khăn, vướng mắc, tạo sự chủ động cho các cơ sở y tế trong việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc, vật tư, thiết bị y tế cho công tác khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn tỉnh./.