Năm 1804 khi lị sở của Nghệ An chính thức dời từ Lam Thành- Phù Thạch về Vĩnh Yên, thành Nghệ An cũng được xây dựng bằng đất. Đến năm 1931 vua Minh Mạng cho xây lại thành bằng đá ong theo kiểu Vô-băng. Thành có 6 cạnh, chu vi dài 603 trượng (2.412m), cao 1 trượng, 1 tấc, 5 thước (4,42 m), diện tích: 420.000m2, bao xung quanh có hào rộng 7 trượng (28 m), sâu 8 thước ta (3,20 m).

“Người ta dùng đá phiến Bến Thủy để kè bờ hào. Thành ngoài xây bằng đá ong lấy từ Nam Đàn. Thành trong xây bằng đá sò Phủ Diễn”

1.jpg
Cửa Tiền (1920 – 1929)

Trên thành có dựng nhiều súng thần công. Theo Ban Quản lý Di tích Danh thắng tỉnh Nghệ An: Toàn bộ thành được trang bị 65 khẩu thần công, 47 khẩu đặt ở các vọng gác, số còn lại tập trung ở Hành Cung và dinh Tổng đốc

Theo Le Breton, trong một khảo cứu về các khẩu súng thần công đăng trên tạp chí của hội Đô Thành hiếu cổ, năm 1934, tại thời điểm đó các khẩu thần công ở thành Nghệ An đã được đưa đến một số nơi như:

- Hai khẩu bằng đồng của Hà Lan (sản xuất từ thế kỷ 17) được trang trí tại thảm cỏ trước Dinh Công Sứ. Sau này hai khẩu súng này “bị mất tích”. Ông khẳng định là nó được gửi về Pháp, thay vì đáng ra nó phải được đưa vào bảo tàng ở Huế.

2.jpg

Bản vẽ khẩu thần công được trang trí bãi cỏ Dinh Công sứ, do thầy Nguyễn Thứ (trường Quốc Học Vinh) vẽ, in trong bài viết của Le Breton

- Mười bốn khẩu bằng đồng “được chôn thành hai hàng song song trước Võ Miếu” (Đền Hồng Sơn). Thế nhưng, xem trên ảnh thì chỉ có một hàng súng được chôn mà thôi.

3.jpg

Bản vẽ súng thần công đặt trước sân Hành Cung Vinh

- Hai khẩu bằng gang được để trước Hành Cung, trong thành Nghệ An, do Hà Lan sản xuất.

Điều thú vị là, theo Le Breton thì 14 khẩu bằng đồng chôn trước Võ Miếu đều do người An Nam chế tạo, thậm chí ông còn cho rằng chúng được đúc bởi làng nghề Nho Lâm ở Diễn Châu. Trên các khẩu súng này có khắc dòng chữ Hán “Minh Mạng bát niên tạo”, tức là được chế tạo vào năm Minh Mạng thứ tám (1827). Cũng theo Le Breton, năm 1933 những khẩu thần công bằng đồng được đưa vào Huế để đúc tiền.

4.jpg

Những khẩu thần công chôn trước Võ Miếu

Bao quanh thành là hào thành, được đào nối thông với sông Vinh. Dưới hào thành trồng rất nhiều sen.

5.jpg
Thành Nghệ An trong “Nghệ An tỉnh thành đồ” (thời vua Đồng Khánh, triều Nguyễn), chú thích tiếng Việt của Brian Wu

Các tài liệu xưa nay, từ Đại Nam nhất thống chí (thời Tự Đức), Nghệ An tỉnh thành đồ (thời Đồng Khánh) đến bản đồ Vinh Bến Thủy (1925), hay bức “Không ảnh” của Pháp (1927) đều cho thấy thành Nghệ An chỉ có 3 cửa. Cửa Tiền hướng về Nam; cửa Hữu chếch tây và cửa Tả chếch đông. Thế nhưng, Le Breton, trong An Tĩnh xưa lại cho biết: “Thành có bốn cửa, cửa Bắc (Hậu) luôn luôn đóng chặt, người ta đồn rằng vì ma quỷ thường lui tới cửa này. Cửa Nam (Tiền) thành Thanh Hóa cũng vậy, từ đó có phương ngôn ở Bắc Trung Kỳ: “Thanh vô tiền, Nghệ vô hậu”. Đây là thông tin cần suy nghĩ và nghiên cứu thêm, bản thân tôi cho rằng có lẽ nhà nghiên cứu người Pháp đã có sự nhầm lẫn. Bởi vì ngoài thông tin này ra, chưa thấy có thông tin hoặc dấu vết gì cho thấy có thể có cửa hậu ở phía bắc thành.

Trên cổng Cửa Tiền còn lưu lại đôi câu đối của danh nhân Đào Tấn, người từng hai lần giữ chức Tổng đốc Nghệ An:

Hồng Sơn Lam Giang như tại tả hữu

Hoàng đồng bạch tẩu di nhiên vãng lai

Nghĩa là: Núi Hồng, sông Lam vẫn vững chãi hai bên tả hữu. Cụ già con trẻ vẫn vui vầy lại qua nơi đây. Cũng có người nói ẩn ý của câu đối là: “Núi Hồng sông Lam vẫn vững vàng đứng đó, sao chúng ta lại có thể để giặc Pháp và lũ Việt gian ung dung qua lại nơi đây”, như vậy, đây không chỉ là một câu đối để trổ tài chữ nghĩa của một thượng quan triều Nguyễn mà chính là một thông điệp, một hiệu triệu kín đáo của nhà yêu nước Đào Tấn.

Cũng có chi tiết đáng lưu ý là trên một bức ảnh chụp Cửa Tiền năm 1897 chưa thấy có câu đối khắc trên đó. Như vậy, có thể câu đối chỉ được khắc khi Đào Tấn ra làm Tổng đốc Nghệ An lần thứ hai.

Theo các bức ảnh để lại thì trên các cổng thành có vọng lâu. Hiện nay Cửa Tả và Cửa Tiền được tu sửa đều có vọng lâu bên trên. Thế nhưng, một bức ảnh được chụp năm 1889 cho thấy cổng thành trong ảnh không có vọng lâu. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu thêm.

6.jpg
Một cổng thành Nghệ An không có vọng lâu (1889)
7.jpg
Thành Nghệ An trong bản đồ Vinh – Bến Thủy năm 1936

Là nơi làm việc của bộ máy chính quyền Nam triều cấp tỉnh, trong thành Nghệ An có dinh Tổng đốc, Án sát, Bố chánh, Nhà lao, Trại lính, Kho lương thực, xưởng…(Xem chú thích của Brian Wu trong bức ảnh kèm theo)

8.jpg
Vị trí các công sở trong thành Nghệ An (Chú thích của Brian Wu)

Nằm chính giữa thành có một khu đất vuông vức, trên đó xây dựng một tòa nhà đồ sộ và nghiêm ngắn, xung quanh có tường cao, phía nam có cổng vào rất đồ sộ. Có thể ví khu vực này giống như tử cấm thành trong kinh thành. Đây chính là Hành Cung, ngôi nhà giành cho nhà vua mỗi khi đến Nghệ An. Nhưng, cao hơn, đây là tòa nhà biểu tượng cho quyền lực của nhà vua. Các ngày lễ trọng, hay các sự kiện liên quan đến nhà vua đều diễn ra ở đây.

Quan sát kỹ trên bức “Không ảnh” năm 1927, thấy khu vực Hành Cung chưa có công trình nào lớn, so với khu vực Dinh Tổng đốc bên cạnh. Mặt khác, qua nội dung một số bài phú dự thi (trong cuộc thi viết về Hành cung của báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn, năm 1932-1933, có thể nhận định Hành cung mới xây mới, hoặc trùng tu lớn khoảng năm 1930- 1932, trước khi vua Bảo Đại thăm Vinh năm 1932. Theo đó, Hành Cung là một tòa nhà đồ sộ bằng gỗ có chín gian, theo kiến trúc truyền thống. Trong Hành Cung có ngai vàng giành cho vua mỗi khi về làm việc ở đây. Toàn bộ tòa nhà có 12 bộ cửa, bậc lên xuống bằng đá xanh.

Mặc dù không đi vào mô tả chi tiết, nhưng qua các bài phú về Hành Cung, cũng có thể hình dung đây là một tòa nhà hết sức đồ sộ và đẹp đẽ.

“Lính gác đưa theo cửa bên mở lỏng, ba thước nền cao, chín gian nhà rộng, đối liễn liền bức tường treo, bộ mộ nối hàng giá đóng, chính giữa ngai vàng sập ngự rất đỗi nghiêm trang, khắp đền cột đỏ rường sơn một màu trông bóng. Sau cung nối đôi dòng sưởng xá lợp ngói xây tường, ngoài cung thêm hai tọa thể lâu, chạm rồng kết phượng”.

Trước Hành Cung có hai chiếc lầu bằng gỗ rất đẹp, “ngoài cung thêm hai tọa thể lâu, chạm rồng kết phượng”

Trong Hành Cung cũng có chỗ để cho vua nghỉ lại: “Giường thất bảo, màn bát tiên, rực rõ uy nghi đời Hán. Cây bốn mùa, hoa trăm thức, tốt tươi thảo mộc nhà Chu”.

Tuy nhiên, nếu Hành Cung mới được xây dựng lại ngay trước chuyến thăm của vua Bảo Đại, thì nhà vua chưa từng nghỉ lại ở ngôi nhà này. Trong các chuyến thăm Nghệ An, nhà vua chỉ thực hiện các nghi lễ tại đây, còn ăn nghỉ thì hoặc là khách sạn Tòa sứ (Grand hôtel), hoặc "nhà mát của Tòa sứ" ở Cửa Lò.

Về phía đông của Hành Cung là dinh Tổng đốc, người đứng đầu bộ máy hành chính của tỉnh trong chính quyền Nam triều. Đây là ngôi nhà một tầng bằng gỗ rất đồ sộ.

Ngoài Hành Cung và Dinh Tổng đốc, thành Nghệ An là nơi đóng trụ sở của hầu như tất cả các cơ quan hành chính, quân sự, tư pháp, thuế khóa, giáo dục…, kể cả kho lương và nhà tù.

Thành Nghệ An là một chứng tích lịch sử, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, liên quan đến nhiều nhân vật lịch sử quan trọng của đất nước và địa phương.

Cụ Phan Bội Châu khi mới bắt đầu sự nghiệp yêu nước và cách mạng đã xây dựng kế hoạch đánh chiếm thành Nghệ An. Chí sĩ Phan Bội Châu kể trong Tự phán về việc ông đã được Đào Tấn giúp thoát khỏi sự bắt bớ của thực dân Pháp trong bước đầu cuộc đời cách mạng của mình:

“Mùa xuân năm Tân Sửu (1901), tôi cùng vài chục người bạn như Phan Bá Ngọc (con ông Phan Đình Phùng ở La Sơn), ông bạn Vương Thúc Quý và bọn dư đảng ở Nghi Xuân như Trần Hải, thảo luận định đến ngày kỷ niệm cộng hòa của Pháp sẽ dùng giáo mác để cướp vũ khí của giặc rồi đánh tỉnh thành Nghệ An.

9.jpg
Một trong hai chiếc lầu đón vua Bảo Đại dựng trước Hành Cung, năm 1932 (“ngoài cung thêm hai tọa thể lâu, chạm rồng kết phượng”)

Ngày hôm ấy (14-7-1901) đã họp ở trong thành nhưng cánh nội ứng sai hẹn, thành ra việc phải đình chỉ, vì thế mà cơ mưu bị tiết lộ, tên Nguyễn Điềm là mật thám của Pháp dò biết, mật báo với công sứ, may lúc bấy giờ tổng đốc Nghệ An là Đào Tấn cho công việc của tôi làm là phải nên hết sức che chở, vì thế tôi không bị bắt. Từ đó tôi chuyên chú ý về việc ngầm tìm nội ứng”.

Bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã cùng các đồng chí của mình tổ chức lấy trộm súng của trại lính trong thành. Việc bị bại lộ, bà bị bắt và bị giải vào nhà Lao Vinh, bị tra tấn dã man. Phiên tòa ngày 4/6/1918 đã xử bà chịu đánh 100 trượng và đày khổ sai 9 năm, riêng người đồng chí nam giới của bà bị tử hình.

10.jpg
Quang cảnh cái gọi là “Lễ Quy thuận” ở Hành cung Vinh năm 1931

Hành Cung chính là nơi thực dân Pháp và chính quyền Nam Triều đã tổ chức Lễ Quy Thuận, ngày 19/1/1931, sau khi đàn áp đẫm máu phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Đến năm 1940, thành Nghệ An lại chứng kiến sự hy sinh của Đội Cung và những nghĩa binh yêu nước.

11.jpg
Vua Bảo Đại trước Hành cung, trong chuyến thăm Vinh năm 1932

Thành Nghệ An, với ba cổng thành còn sót lại, là một trong vài di tích hiện còn ở Vinh. Một dự án lớn gần đây đã xây dựng lại hào thành. Thành vẫn tiếp tục được quy hoạch và tôn tạo, để thực sự là một di sản quý của thành Vinh và Nghệ An.