Thực trạng sạt lở đất

Mùa mưa năm nay hiện tượng sạt lở, sụt lún đất tại các huyện miền núi của Nghệ An đang xuất hiện ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp, gây chia cắt đường giao thông, đe dọa đến an toàn của nhiều nhà dân. Điển hình như tại huyện Kỳ Sơn, do đợt mưa to từ ngày 4/9/2022, hơn 20 bản thuộc 4 xã tại huyện miền núi cao Kỳ Sơn đã bị cô lập. Đồng chí Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: địa hình của Kỳ Sơn chủ yếu một bên là núi dốc, một bên là vực sâu và sông suối nên nguy cơ sạt lở đất cao. Do ảnh hưởng của trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 2/10, làm cho hàng trăm người dân ở Kỳ Sơn rơi vào cuộc sống khốn đốn. Hiện nay, cùng với công tác khắc phục, bà con lại phải đối mặt với nỗi lo sạt lở đất có thể đổ sập xuống bản làng bất cứ lúc nào.

b35dc16df9893fd76698.jpg

Thời gian qua, tình trạng hàng trăm điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh xuất hiện gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân các huyện miền núi. Đơn cử khu vực sạt lở đất tại bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông xảy ra từ tháng 10/2020. Bản Bủng Xát có 17 hộ dân đang nằm trong vùng sạt lở núi, nguy cơ mất an toàn cao. Gia đình chị Vi Thị Thủy là 1 trong số 7 hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng của khu vực sạt trượt. “Tình trạng đất, đá rơi sau nhà tiếp tục xuất hiện khi có đợt mưa nhỏ vào tháng 7 vừa qua. Các vết nứt quanh núi cách đây mấy tháng đã được huyện cho xử lý lấp lại, nhưng nguy cơ vẫn còn hiện hữu khi những hòn đá tảng lớn treo trên sườn núi vẫn còn nhiều. Lo lắng về sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, một số hộ gia đình ở bản Bủng Xát đã tìm đất, dựng nhà ở các địa điểm khác. Về lâu dài chúng tôi cần di dời tái định cư đến nơi an toàn”- chị Vi Thị Thủy chia sẻ.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã cho phép huyện Con Cuông lập dự án xây dựng di dời khẩn cấp các hộ dân vùng thiên tai sạt lở đất tại bản Bủng Xát với tổng mức đầu tư dự kiến 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay chưa thể thực hiện được phương án xây dựng di dân 17 hộ khẩn cấp vùng sạt lở. Huyện đã tiến hành khắc phục sự cố bằng cách dùng máy móc để san gạt lấp các vết nứt trên núi. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phương án tạm thời.

Cũng chung tình trạng, tại xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, đợt mưa lớn của tháng 10/2020, gần nửa quả đồi đã xuất hiện vết nứt lớn đe dọa đến cuộc sống của 6 hộ dân nằm bên dưới. Từ đó đến nay, mỗi một trận mưa lớn, xuất hiện tình trạng nước ùn từ vết nứt tràn vào vườn và nhà dân. Hay ở huyện Tương Dương, địa hình phức tạp, sông núi xẻ dọc, cắt ngang, đã từng xảy ra lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề. Vào mùa mưa, nguy cơ lũ quét đe dọa tính mạng và tài sản của Nhân dân là rất lớn.

Không chỉ ở vùng miền núi, đợt mưa lớn đầu tháng 10/2022, nhiều tảng đá lớn kèm đất từ thân núi Quyết đã đổ thẳng xuống một khu dân cư ở thành phố Vinh làm hư hỏng nhà cửa. Hàng trăm hộ dân khác hiện đang nơm nớp lo âu khi sống trong các vùng có nguy cơ sạt lở. Tai nạn do sạt lở đất hầu như năm nào cũng xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Diễn biến bất ngờ, khó lường của loại hình thiên tai này đã gây nên bao đau thương, mất mát. Một mùa thiên tai nữa đã về. Nhiều hộ dân lại phải rời bỏ nơi ở của mình để đi lánh nạn, khi nguy cơ nhà cửa bị vùi lấp xảy ra không biết lúc nào. Đây là băn khoăn, lo lắng được chính quyền, cử tri và người dân các địa phương kiến nghị nhiều thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Mất an toàn hồ đập

Vào mùa mưa bão, ở khu vực vùng biển nguy cơ thiên tai ngày càng cao khi hàng trăm hồ đập đang xuống cấp nghiêm trọng. Đơn cử như kè biển xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu có chiều dài gần 1,8km, đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ các khu dân cư nằm sát cửa Lạch Thơi. Sau nhiều năm, hệ thống kè đã bắt đầu xuống cấp, xuất hiện những vị trí bị đứt gãy. Nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy sự tàn phá của sóng biển đối với các công trình dân sinh nằm phía trong hệ thống kè.

Tương tự, được xây dựng khá kiên cố, tuy nhiên qua nhiều năm chống chịu với gió bão, công trình đê biển Long – Thuận – Thọ ở Quỳnh Lưu đang dần xuống cấp. Bà Nguyễn Thị Thập - Trưởng thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu cho hay: Việc bảo vệ mặt đê mỗi khi có bão là vấn đề sống còn đối với hàng trăm hộ dân ở phía trong khu dân cư. Khi có thông tin bão vào là chúng tôi phải túc trực ở đây. Quan trọng nhất là tuyến đê biển, nếu bị phá là nước biển sẽ dâng vào trong nhà dân hết. Khi một tấm lát bảo vệ mà bị sóng đánh rời ra thì phải lập tức lấp lại ngay. Người dân rất lo lắng bất an đối với hệ thống đê biển ở đây.

96f09926a6c2609c39d3.jpg
Nhập chú thích ảnh

Theo ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Huyện Quỳnh Lưu hiện có 15/19,5 km bờ biển đã được ưu tiên xây dựng hệ thống đê, kè để bảo vệ các khu dân cư và vùng sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống đê, kè biển của huyện nói riêng theo thiết kế mới chỉ đủ khả năng chống chịu với bão cấp 10 và triều cường 4m trở xuống. Nếu có bão lớn và siêu bão, phải di dời các hộ dân ven biển là phương án duy nhất nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.

Tình trạng mất an toàn hồ đập cũng đang diễn ra ở huyện Yên Thành. Đơn cử sau đợt mưa lớn kéo dài vào trung tuần tháng 9/2021, đập Bàn Vàng thuộc xã Tiến Thành, huyện Yên Thành đã bị vỡ và kịp thời khắc phục trong đêm. Tuy nhiên, với hiện trạng của đập Bàn Vàng và 6 đập chứa nước nhỏ còn lại, chính quyền địa phương và người dân cũng không khỏi lo lắng khi mùa mưa bão đã đến. Được biết, trên địa bàn huyện Yên Thành có trên 200 hồ đập được xây đắp bằng thủ công, không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và ngày một xuống cấp; mỗi khi có mưa lớn kéo dài nhiều ngày, tình trạng rò rỉ nước thường xuyên xuất hiện; nước từ các hồ đập trên cao đổ về thì sẽ rất nguy hiểm, gây nguy cơ vỡ đập.

Trong những năm gần đây, trên địa bàn cả nước thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt; vượt mức lịch sử kể cả về số lượng, cường độ và phạm vi ảnh hưởng. Riêng tỉnh Nghệ An phải chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai (bão, lũ, ngập lụt, sụt lún đất, sạt lở núi…) gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp, nhà ở, tài sản, cơ sở hạ tầng của người dân và Nhà nước. Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, đầu năm 2022, toàn tỉnh có 196 vị trí, khu vực đã xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở đất (núi, bờ sông).

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 1.061 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 101 hồ đập lớn và vừa do các Công ty TNHH thủy lợi quản lý, còn lại 960 hồ đập nhỏ do cấp xã trực tiếp quản lý. Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh hầu như được xây dựng từ lâu, tuy hàng năm đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hồ bị hư hỏng, xuống cấp nhưng thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu do số lượng hồ hư hỏng, xuống cấp rất lớn, trong khi diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường. Bên cạnh đó, các hồ do địa phương quản lý hầu như không có cán bộ chuyên môn trực tiếp quản lý, vận hành nên việc đánh giá hiện trạng, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố, hư hỏng còn nhiều hạn chế.

Từ những tồn tại, bất cập của hệ thống kè, đê biển, an toàn hồ đập và tình trạng sạt lở đất cho thấy, công tác phòng, chống thiên tai đối với Nghệ An đang đặt ra không ít thách thức. Trước mùa mưa bão, công tác phòng, chống thiên tai sạt lở đất, an toàn hồ đập nhỏ cần phải được ưu tiên; chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần có những biện pháp chỉ đạo, xây dựng phương án cụ thể hơn đối với từng địa bàn, từng khu dân cư.