Đi về các huyện miền núi biên giới giáp nước bạn Lào, cách vài tháng trước, dọc hai bên đường, bụi đỏ nhuộm màu cho cây lá, thì nay cái rực rỡ bông đỏ, lá xanh mang tên Trạng nguyên và sắc vàng miên man của loài hoa Dã quỳ mà ta thường bắt gặp nhiều ở miền đất Tây nguyên, nay được đồng bào trồng nhiều hơn ở ven đường và lối lên nương rẫy, đã tạo nên nét quyến rũ đặc sắc trên những cung đường rẻo cao biên giới, cái đằm thắm của cảnh sắc thiên nhiên núi rừng Miền Tây dường như góp cho lòng người tươi mới trở lại...

ipiccy_image.jpg
Món ăn, nhà ở của đồng bào có nét đặc sắc giữ nét xưa vừa tiếp thu cái mới

Cũng như ở dưới xuôi, từ giữa tháng Chạp, đồng bào Miền Tây đã bắt đầu chuẩn bị cho Tết của mình, dù cư trú dọc vùng quốc lộ 7 hay 48, người dân đều vẫn giữ phong vị Tết dân tộc mình bằng cái thú ẩm thực được thể hiện qua các món nướng, đồ sấy khô (gác bếp) từ các loại thịt lợn, trâu, bò, gà, cá...với cách tẩm ướp từ các gia vị núi rừng hết sức đặc biệt, đến nay trở thành sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương. Cùng với việc dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc được mở rộng cho sản phẩm nông nghiệp, như các loại rau, củ, quả của tập đoàn TH; các sản phẩm nông sản sạch Phủ Quỳ; gà, trám tím ở Thanh Chương, dê Tân Kỳ... Quế Phong có gạo Japonica; Qùy Châu có hương trầm; Kỳ Sơn có gừng; Anh Sơn có chè Gay... Nếu như trước đây, các sản phẩm này chỉ đơn thuần trong các phiên chợ bản, thì nay các sản phẩm đồng bào làm ra như Khoai sọ, lúa chịu lạnh, dưa rẫy, bí xanh, bí đỏ, chè san tuyết, trâu Na hỷ, gà đen, lợn Sao Va, lợn Mông, bò Mông, vịt Bầu Quỳ; hương trầm, bò giàng, bơ, cam, mật ong ... đã có mặt nhiều hơn ở các siêu thị các thành phố lớn và đã có mặt nhiều nơi, các thị trường trên thế giới...

1f3d057214b9cfe796a8.jpg

Trải dọc vùng núi cao Puxailaileng; vườn quốc gia Pù Mát; Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thuộc khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An..., Chương trình phát triển dược liệu và công nghiệp dược; phát triển đa dạng quỹ gen quý hiếm nhằm phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được triển khai trong những năm qua đã góp phần cho thức uống của đồng bào trở nên tinh tế hơn qua các cốc trà hay chén rượu men lá được ngâm ủ, chiết xuất từ các loại thảo dược quý hiếm: Trà hoa vàng, Bombo, mướp đắng rừng, cà gai leo, giảo cổ lam, Sâm Puxailaileng, Mú Từn, đẳng sâm, Lan Kim tuyến, cây Bảy lá một hoa, Hà thủ ô đỏ, Sa nhân tím, Ba kích tím, Thiên niên kiện, Hà thủ ô đỏ, Đương quy Nhật Bản... , được du khách gần xa khi ghé thăm, biết đến nên ưa chuộng, thường đặt mua để dùng và làm quà biếu...

Về Miền Tây trong dịp áp Tết này, cái không khí trầm lắng u tịch của núi rừng được thay thế bởi các phiên chợ nô nức người đi sắm sửa, các đường thôn, ngõ bản được chỉnh trang tu sửa sạch đẹp, sắc hồng, mái đỏ của những căn nhà xây dựng theo kiểu nhà sàn của người Thái, nhiều nhà đã dựng lên cây nêu treo cở Tổ quốc có thêm ánh điện lung linh rực rỡ không khác mấy so với phố thị... Tết nơi đây không chỉ là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm lụng vất vả, có thêm những bộ trang phục rực rỡ, cuộc vui hội cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp với những âm thanh sôi động… mà còn là dịp tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản, qua những lời ca, tiếng hát, những chén rượu, lời chúc tốt đẹp gửi đến nhau khi Tết đến, Xuân về…

2cdf82f5933e4860112f.jpg
Thiên nhiên đẹp hơn nhờ bàn tay tạo dựng của con người

Tết Nguyên đán của của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nghệ An là vậy. Ngày nay dù đời sống kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi với sự du nhập nhiều giá trị văn hóa mới nhưng những nét riêng, hồn cốt đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Miền Tây Nghệ An vẫn luôn được giữ gìn và phát huy./.