Cân nhắc hợp lý mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

Ngày 31.5, thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, các đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ, bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta có đủ các gam màu sáng – tối. Bên cạnh các kết quả đáng ghi nhận cũng có không ít băn khoăn, lo lắng.

xuan-phuong-nghe-an-1685526883168.jpg
Đại biểu Đặng Xuân Phương (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Đặng Xuân Phương (Nghệ An) cho rằng, Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội đang diễn ra với sự trông đợi của cử tri và Nhân dân cả nước về những việc cần làm và phải làm khẩn trương hơn, quyết liệt hơn của hệ thống chính trị. Đó không chỉ là đòi hỏi đến từ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; là yêu cầu phải khắc phục cho được những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực thi pháp luật; là tính cấp thiết phải vượt qua được căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ. Nhưng "điều cấp bách và thuyết phục nhất lúc này", theo đại biểu Đặng Xuân Phương, "chính là đường lối giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế của đất nước, làm sao để việc hoạch định và thực thi các chính sách kinh tế - xã hội phải cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn".

Thực tế, báo cáo của Chính phủ cho thấy, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nền kinh tế thế giới đang hoạt động ở mức dưới tiềm năng do tác động từ những cú sốc toàn cầu như dịch bệnh Covid - 19 kéo dài, cuộc xung đột quân sự ở Ukraine dẫn đến khủng hoảng năng lượng và đứt gãy các chuỗi cung ứng. Điều đáng lo ngại với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vốn dựa vào nhân công giá rẻ là không chỉ các đơn hàng phi thiết yếu mà ngay cả lượng đơn hàng của các mặt hàng thiết yếu như giày dép, quần áo, nông sản chất lượng cao cũng giảm theo.

Trước tác động từ việc giảm tổng cầu trên thị trường thế giới, cũng như các yếu kém nội tại của kinh tế nước ta, một số ý kiến lo ngại việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5% của năm 2023. Về vấn đề này, đại biểu Đặng Xuân Phương cho rằng, bối cảnh thế giới đã và đang đòi hỏi chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để tự thay đổi chính mình. Nếu buộc phải có sự cân nhắc giữa việc bằng mọi giá hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2023 so với việc chấp nhận một mức tăng trưởng thấp hơn trong ngắn hạn để đổi lấy sự phát triển bền vững có tính cạnh tranh cao về trung và dài hạn, theo đại biểu, cử tri và Nhân dân cả nước sẽ ủng hộ điều tốt đẹp hơn trong tương lai.

thi-thuy-tuyenquang-1685526925941.jpg
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Ở góc độ khác, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) và nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ quyết tâm của Chính phủ về việc không điều chỉnh mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% của năm 2023; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4,5%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Lý do theo các đại biểu là cần phải quyết tâm cao, thực hiện đồng bộ, thông suốt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra để đạt được các mục tiêu, kế hoạch phát triển, đồng thời, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới.

Gỡ bài toán về vốn và thủ tục hành chính

Bên cạnh việc tốc độ tăng trưởng chậm lại trong các tháng vừa qua, một vấn đề khác cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm hiện nay là hoạt động sản xuất, kinh doanh đang rất khó khăn. Doanh nghiệp luôn được xác định là nền tảng vật chất, động lực cho tăng trưởng, nhưng hệ thống doanh nghiệp của nước ta đang chịu 4 nút thắt gồm: thiếu hụt về đơn hàng; tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đầy đủ; thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai), cần có những giải pháp cấp bách, thậm chí là vượt tiền lệ để cứu nguy cho hệ thống doanh nghiệp, vì đội ngũ này đang ở giai đoạn thực sự khó khăn.

xuan-an-1685527044836.jpg
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có ba đợt giảm lãi suất điều hành. Ghi nhận đây là sự nỗ lực rất lớn của cơ quan chức năng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cũng nêu thực tế doanh nghiệp hiện vẫn khó tiếp cận với vốn vay. Đại biểu đề nghị, Ngân hàng Nhà nước cần có phương thức điều hành linh hoạt, giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng. Đặc biệt, cần tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc bị siết lại một cách đột ngột khiến doanh nghiệp có thể đi đến vỡ kế hoạch trong đầu tư hoặc trong sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh giảm lãi suất, các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý, cần khơi thông các kênh dẫn vốn khác cho doanh nghiệp, cũng như tiếp tục rà soát để đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn, vì việc giảm lãi suất không quan trọng bằng doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng và đưa nguồn vốn này vào sản xuất, kinh doanh. Theo đại biểu Tô Ái Vang, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ…

anh-tuan-1685527203054.jpg
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Quan tâm đến triển khai các gói hỗ trợ tín dụng, ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) cho biết có 5 đối tượng được ưu đãi về tín dụng đều chưa cảm nhận được sự hỗ trợ này. Để chính sách hỗ trợ tín dụng đi nhanh vào nền kinh tế, đại biểu cho rằng, thủ tục phải rút gọn hơn, thay vì yêu cầu về tài sản bảo đảm có thể cần cân nhắc phương án khác (ví dụ như thay thế bằng xét tính khả thi của dự án); đồng thời, xem xét mở rộng thêm các đối tượng khác được hưởng ưu đãi về tín dụng.

Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội lưu ý, cần thay đổi văn hóa, thái độ phụng sự doanh nghiệp, chủ động thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó. Những việc cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp đã "gần đất, xa trời". Đối với những dự án có điều kiện pháp lý đầy đủ, thực hiện đúng quy trình thì các địa phương cần ký để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời dự án nào. Trong bối cảnh khó khăn cần bớt nội dung thanh tra, kiểm tra làm khó doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp lao đao đi giải trình lên xuống.

Trên tinh thần này, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị, trước hết, các biện pháp tháo gỡ khó cho doanh nghiệp phải thúc đẩy thị trường trong và ngoài nước, phải đồng bộ và thống nhất các chính sách tiền tệ và tài khóa. Thứ hai, chủ trương để xử lý khó khăn cho doanh nghiệp cần là "khó ở đâu thông ở đó, vướng ở đâu gỡ ở đó". Thứ ba, xử lý dứt điểm các vướng mắc về thể chế, không gây ảnh hưởng dây chuyền đến các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Trong quản lý, đại biểu đề nghị, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ ngành, làm rõ vai trò chủ trì, chủ động xử lý, hạn chế đẩy trách nhiệm lên cấp trên, không phải nội dung gì cũng để Thủ tướng Chính phủ cũng phải ra công điện hoặc Chính phủ phải ra nghị quyết để gỡ khó.

Doanh nghiệp được ví như xương sống của nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn. Do vậy, trong ngày đầu tiên của phiên thảo luận toàn thể về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy, phát triển doanh nghiệp. “Khi và chỉ khi chúng ta thực sự quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp mới có cơ may phục hồi và phát triển, do đó, đất nước cũng như các địa phương mới có cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng”, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhấn mạnh.

Thanh Hải