Thành phố trực thuộc trung ương có tính chất “Đô thị di sản” đầu tiên của nước ta

Các ĐBQH Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi), Phạm Phú Bình (Nghệ An), Thái Văn Thành (Nghệ An)... thống nhất cao với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và cho rằng, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương không chỉ là sự chuyển dịch về không gian đô thị mà còn tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển mới cho địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang, xanh, sạch, đẹp, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế để thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết, kết luận quan trọng khác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.

nb1.jpg
ĐBQH Thái Văn Thành (Nghệ An) thảo luận tại tổ

ĐBQH Đặng Ngọc Huy nhấn mạnh, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương có đầy đủ các cơ sở chính trị và thực tiễn như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Thừa Thiên Huế có bề dày lịch sử hình thành và phát triển gần 720 năm, từng là kinh đô triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn thời kỳ phong kiến; vùng đất văn hiến, văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, là nơi duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh (6 di sản riêng có của Huế); là địa phương đầu tiên của Việt Nam có Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1993 và trở thành thành viên chính thức của các mạng lưới di sản quốc tế. Đây chính là yếu tố, tiêu chuẩn đặc thù thành phố trực thuộc trung ương có tính chất “Đô thị di sản” đầu tiên của nước ta.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, trong Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương nên xác định luôn mô hình tổ chức chính quyền đô thị thành phố Huế, như vậy sẽ không cần ban hành riêng một Nghị quyết mới của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị của thành phố Huế.

Đại biểu Đặng Ngọc Huy cũng đề nghị Chính phủ nên nên nghiên cứu có luật về tổ chức chính quyền đô thị, luật về tổ chức chính quyền nông thôn. Như vậy sẽ rõ, đô thị loại đặc biệt sắp xếp như thế nào, đô thị loại 1 sắp xếp ra sao? Hiện nay, việc thí điểm chính quyền đô thị ở nhiều nơi: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, trong khi các mô hình này cũng khác nhau, chưa có mô hình chung.

Đại biểu Phạm Phú Bình nêu rõ, thành phố Huế là thành phố đầu tiên trực thuộc trung ương có đường biên giới với nước ngoài.

Theo đó toàn bộ sườn của huyện A Lưới giáp với Lào sẽ là đường biên giới trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Trong khi đó, các xã biên giới đều là khu vực đặc thù và có quy định riêng đối với công tác quản lý và tổ chức chính quyền. Nếu như thành phố Huế xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị cần nghiên cứu quy định đặc thù đối với các xã biên giới. Đây là điểm rất khác biệt nếu muốn xây dựng chính quyền đô thị mang tính thống nhất trên toàn quốc, song Đề án của Chính phủ chưa làm rõ. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm thêm vấn đề này.

Một số đại biểu cho biết, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương sẽ có một số đối tượng bị ảnh hưởng như các em học sinh thi tốt nghiệp THPT. Theo chính sách hiện hành, các em học sinh thi tốt nghiệp THPT ở khu vực 2 nông thôn sẽ được cộng 0,5 điểm; nếu như chuyển địa giới hành chính thành các huyện, thị xã trực thuộc trung ương chỉ được cộng 0,25 điểm.

Trong Đề án chưa có đánh giá tác động về vấn đề này và nên chăng xem xét có thêm điều khoản thi hành, làm sao để chuyển tiếp các chính sách đặc thù, tránh gây tác động, ảnh hưởng đến các em.

Đại biểu Thái Văn Thành cho biết, khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương, nhiều vùng nông thôn chuyển thành thị xã, thành huyện, quận, như vậy nhiều đối tượng thiệt thòi: học sinh thiệt thòi về điểm cộng khi thi tốt nghiệp THPT, hay các đối tượng chính sách hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng sẽ có ảnh hưởng.

Do vậy, dự thảo Nghị quyết nên có lộ trình để từng bước chuyển đổi chính sách, bảo đảm an sinh xã hội.

Chính thức thực hiện chính quyền đô thị tại Hải Phòng không qua thí điểm

Đối với dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, các đại biểu cũng cho rằng, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng là phù hợp với quy mô, đặc điểm, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa của thành phố. Việc ban hành quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng để thực hiện chính thức mà không qua thí điểm đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.

Tuy nhiên, đại biểu Đặng Ngọc Huy lưu ý, dự thảo Nghị quyết quy định “cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện”. Thực tế, để công chức cấp xã chuyển lên cấp huyện thì phải giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành lập Hội đồng xét tuyển công chức cấp xã đủ điều kiện lên công chức cấp huyện. Nhưng với chính quyền ở đô thị thì chúng ta cho phép liên thông cấp xã với cấp huyện thì có sự công bằng giữa các tỉnh, thành phố và giữa các công chức cấp xã với nhau hay không? Đại biểu đề nghị sớm xem xét sửa Luật Cán bộ, công chức và thực hiện liên thông giữa công chức cấp xã và huyện, thậm chí có thể cho phép liên thông từ công chức cấp xã chuyển lên cấp tỉnh.

H.Ngọc