Nhiều vướng mắc

Thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, tạo những chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính về đất đai, dư luận tốt trong Nhân dân về việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, góp phần khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội của tỉnh.

e0b47674438f9dd1c49e.jpg
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất ở huyện Nghi Lộc

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần phải chấn chỉnh kịp thời, như: Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn chậm theo yêu cầu; vẫn còn tình trạng một số tổ chức, cá nhân tự ý nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, gom đất chờ quy hoạch, chờ dự án để trục lợi; còn tình trạng xây dựng công trình trái phép trên diện tích đất thuộc diện giải phóng mặt bằng để nhằm trục lợi tiền bồi thường, hỗ trợ; tự ý xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, tự ý chuyển đổi để sử dụng vào mục đích đất ở; việc lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vẫn còn tình trạng chưa đảm bảo trình tự thủ tục, sai đối tượng bồi thường, diện tích bồi thường,…

Phản ánh về khó khăn trong công tác phát triển quỹ đất, đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Quế Phong, theo ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho hay: Từ thực tế trên địa bàn huyện Quế Phong cho thấy, các khu đất đấu giá quyền sử dụng đất đại đa số đều phải thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn so với khả năng ngân sách của huyện, xã. Trong khi nguồn vốn đầu tư ngân sách địa phương hàng năm được giao (từ nguồn thu sử dụng đất) rất thấp; nguồn kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ ngân sách huyện, xã không được hoàn trả tương ứng như nguồn vốn ứng trước từ Quỹ phát triển đất tỉnh; từ đó dẫn đến khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ tạo quỹ đất ở và phát triển quỹ đất ở để đấu giá quyền sử dụng đất ở địa phương.

b48048257fdea180f8cf.jpg
Cán bộ địa chính xã Nghi Trung, Nghi Lộc hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai

Từ những khó khăn đó, huyện Quế Phong kiến nghị UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh bổ sung tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu ngân sách các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Các khu đất sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp huyện, cấp xã để thực hiện bồi thường hỗ trợ, tái định cư, đầu tư kết cấu hạ tầng từ thu tiền sử dụng đất tương ứng phần thực hiện được điều tiết theo tỷ lệ 100% cho ngân sách cấp huyện, cấp xã. Tiền sử dụng đất sau khi trừ phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư kết cấu hạ tầng khu đấu giá đất thực hiện theo tỷ lệ điều tiết đã được HĐND tỉnh ban hành.

Đối với nguồn vốn từ Quỹ phát triển đất tỉnh hàng năm, huyện Quế Phong đề xuất có cơ chế ưu tiên đối với các huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh nhằm tạo quỹ đất, phát triển quỹ đất ở để đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm giải quyết nhu cầu đất ở tại địa phương, đồng thời tạo thêm nguồn thu ngân sách để có thêm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước

Tại huyện Nghĩa Đàn, qua thực hiện công tác quản lý đất đai, đến nay huyện cơ bản hoàn thành thống kê đất đai năm 2022 và triển khai ý kiến của dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đã thực hiện đầy đủ các kế hoạch triển khai chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường. Huyện cũng đã hoàn thành công tác rà soát, tổng hợp danh mục công trình theo kế hoạch sử dụng đất năm 2023 trình Sở Tài nguyên & Môi trường và UBND tỉnh phê duyệt; thực hiện kế hoạch rà soát kiểm tra chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai. Về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiếp tục thực hiện Kế hoạch 815/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh thực hiện giải quyết tồn đọng trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An và đã ban hành các chỉ tiêu giao cấp quyền sử dụng đất lần đầu năm 2023 cho các xã, thị trấn. Kết quả xử lý theo Kế hoạch 815, huyện Nghĩa Đàn đã xử lý 1.451 giấy chứng nhận quyền sử đất/kế hoạch 2.365 giấy đạt 58,48%.

Theo ông Trần Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: Vướng mắc, tồn tại ở địa phương đó là công tác đấu giá đất còn chậm, hiện huyện đang bắt đầu triển khai theo kế hoạch năm 2023. Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo Kế hoạch 815/KH-UBND của UBND tỉnh vẫn còn tồn đọng, nguyên nhân chủ yếu do còn vướng mắc xử lý như xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, chồng lấn đất nông nghiệp, đối với các trường hợp cụ thể UBND huyện đã có văn bản xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản phúc đáp.

“Hiện nay các vi phạm hành chính về đất đai phát sinh nhiều. Việc xử phạt vi phạm hành chính dùng biện pháp cưỡng chế, quyết định xử phạt mất nhiều thời gian công sức, đội ngũ cán bộ thì thiếu trong khi việc thực hiện các quy định theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ, còn nhiều vướng mắc. Đề nghị Luật Xử phạt hành chính và các hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính về đất đai nên quy định phân cấp, phân quyền cho các xã. Về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đề nghị tỉnh sớm có hướng dẫn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm trước ngày 1/1/2004” - ông Hà đề xuất.

ac522ea7185cc6029f4d.jpg
Cán bộ xã Hưng Thông, Hưng Nguyên rà soát quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn

Đất đai - một vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm là nguồn sống của Nhân dân. Do đó, đây là vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm kiến nghị qua nhiều kênh thông tin, qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử. Liên quan đến kiến nghị của cử tri về lĩnh vực đất đai, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã tổ chức phiên giải trình về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Phiên giải trình đồng thời cũng yêu cầu đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND tỉnh tập trung làm rõ 9 nhóm vấn đề cùng các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới nhằm xử lý quyết liệt, dứt điểm những vụ việc nổi cộm, bức xúc kéo dài, những vướng mắc từ cơ sở nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai. Công tác quản lý đất đai rất áp lực, chủ yếu vướng liên quan đến Luật, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở cùng các ngành có nghiên cứu hướng dẫn các địa phương thực hiện. Đối với những trường hợp vướng mắc về Luật, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt để ngăn chặn vi phạm, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, chủ động ngay trong vấn đề thanh tra, kiểm tra; đồng thời rà soát bố trí lại cán bộ một cửa của huyện, xã có chuyên môn, có ý thức kỷ luật cao không để tổ chức cá nhân lộng hành trong việc xử lý hồ sơ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cán bộ, viên chức vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Hiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia và Nhân dân. Kỳ vọng những hành lang pháp lý mới sẽ ngăn chặn kịp thời hành vi tham nhũng liên quan đến đất đai, góp phần xây dựng sự tăng trưởng bền vững của đất nước; đồng thời công tác quản lý nhà nước về đất đai của tỉnh trong thời gian tới cũng ngày càng hoàn thiện.