Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến trưa ngày 13.3, đã có gần 8.000 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo luật thông qua website lấy ý kiến Nhân dân của Bộ. 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai việc lấy ý kiến Nhân dân. Có nhiều bộ, ngành dù Nghị quyết số 170/NQ-CP không yêu cầu nhưng cũng đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân để triển khai trong bộ, ngành mình.
Bên cạnh đó, nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, giới luật gia, các nhà khoa học, kiều bào cũng được tổ chức nghiêm túc, bài bản với nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm; chỉ rõ được những nút thắt, những bất cập trong chính sách về đất đai hiện hành, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất.
Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm nội dung như thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; việc thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất.
Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phân cấp, giám sát; vai trò của Mặt trận và thành viên của Mặt trận, vai trò của UBND cấp xã...
Luật Đất đai là đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội. Luật Đất đai còn được ví như đạo luật gốc, là nền tảng, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đồng thời đặt ra tư duy, quan điểm, chủ trương, chính sách trong quản lý đất đai, phòng chống tham nhũng. Do đó, khi sửa đổi luật này, việc lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân là hết sức cần thiết, là cơ sở thực tiễn quan trọng để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội.
Với tầm quan trọng như vậy, ngay từ rất sớm, Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, tập trung chuẩn bị để công tác lấy ý kiến về dự thảo luật đạt hiệu quả cao nhất. Như ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thì đây là phong trào sinh hoạt chính trị hết sức quan trọng để các tầng lớp Nhân dân cả nước hiểu được nhiệm vụ xây dựng các chính sách về đất đai ngày càng tiến bộ, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển, từng bước bảo đảm công bằng, bình đẳng, tiến bộ, không để ai ở lại phía sau, người dân luôn được thụ hưởng thành quả phát triển.
Đến thời điểm này, việc sửa đổi Luật Đất đai đã đi qua một chặng quan trọng là lấy ý kiến Nhân dân. Thế nhưng, như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc lấy ý kiến rất quan trọng nhưng không phải lấy ý kiến cho có. Những ý kiến đóng góp chất lượng phải được tổng hợp để từ đó làm thay đổi chất lượng của dự án luật.
Bởi vậy, vấn đề cốt lõi sau khi lấy ý kiến là tiếp thu phải đúng thực tiễn, thuyết phục, đúng nguyên tắc, đúng bản lĩnh, hết trách nhiệm. Phải chắt lọc, bảo vệ những ý kiến đúng, đồng thời phản bác những quan điểm sai trái. Như vậy mới xây dựng được dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chất lượng.
Gửi ý kiến dự thảo nghị quyết