Theo báo cáo mới nhất về kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS của Ủy ban Dân tộc thực hiện năm 2019 cho thấy, cả nước có 24.532 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở; 210.400 hộ DTTS có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất. Nguyên nhân bởi việc giải quyết đất ở, đất sản xuất chưa tốt; thiếu quy định phù hợp phong tục, tập quán của một số DTTS trong sử dụng đất…

Việc thiếu đất sản xuất khiến đời sống nhiều hộ dân khu vực miền núi gặp nhiều khó khăn

Để giải quyết vấn đề này, tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030 đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 “Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào”.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/2/2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình), trong đó nội dung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất được triển khai thực hiện tại Dự án 1 của Chương trình (Mục tiêu tới năm 2025 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, trong đó dự kiến sẽ giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ, giải quyết trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ và giải quyết sinh kế cho 271.800 hộ). Để triển khai, thực hiện các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định các nội dung được giao. Tuy nhiên, qua gần 2 năm thực hiện việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS và MN đặc biệt là vùng khó khăn, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tập trung giải quyết như: đối với việc hỗ trợ đất sản xuất, nhiều địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ cho hộ nghèo nên không thực hiện giải ngân được vốn đã giao; hộ thuộc diện thụ hưởng có đất ở nhưng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nguồn gốc đất chủ yếu là từ các nông, lâm trường nhưng nguồn đất này ở một số địa phương đang cho thuê hoặc sử dụng mục đích khác là rất lớn trong khi rất nhiều nghị quyết ra đời để thu hồi lại đất nông, lâm trường để phục vụ sản xuất nhưng không thực hiện; nguồn quỹ đất lấy ở đâu để giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các chính sách…

Trong quá trình nghiên cứu, các cơ quan xây dựng Luật Đất đai sửa đổi đã tính toán xây dựng chính sách ở cả 4 khía cạnh là nguồn lực, quỹ đất, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và trách nhiệm của người sử dụng đất cũng như tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng Luật. Theo đó, Điều 16 dự thảo được xây dựng theo hướng toàn diện hơn, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS, chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS và MN để đảm bảo cuộc sống. Đối với chính sách giao đất ở, đất sản xuất, dự thảo Luật quy định rõ giao đất, cho thuê đất lần đầu và tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho đồng bào DTTS không còn đất hoặc thiếu đất nông nghiệp so với hạn mức sau khi đã được giao đất, cho thuê đất lần đầu; đồng thời sửa đổi, bổ sung 3 khoản Điều 12 Luật hiện hành (thành khoản 3 Điều 11 dự thảo mới) hành vi bị nghiêm cấm “Vi phạm chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS”. Điều 48 dự thảo cũng đưa ra các trường hợp người DTTS đã được giao đất, cho thuê đất theo chính sách bị thu hồi đất để tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho cá nhân khác là DTTS theo chính sách quy định tại Điều 16 của Luật này, cụ thể: (1) Trường hợp người sử dụng diện tích đất ở chuyển khỏi địa bàn cấp tỉnh nơi có đất đến nơi khác sinh sống thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật cho người có đất bị thu hồi, (2) Trường hợp được giao đất, cho thuê đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp mà không còn nhu cầu sử dụng thì các thành viên trong hộ gia đình tiếp tục sử dụng đất được giao, cho thuê. Trường hợp người được tiếp tục sử dụng đất theo quy định tại điểm này không có nhu cầu sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi. Điều 48 dự thảo cũng quy định, cá nhân là người DTTS được giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật này không được chuyển nhượng, góp vốn, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất, trừ trường hợp người thuộc hàng thừa kế là đối tượng hưởng chính sách (đối với đất ở), các thành viên trong hộ gia đình (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở) và chỉ được thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng chính sách xã hội.

Bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Dự thảo cũng đã đưa trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS theo chính sách vào một trong các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời quy định “tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận, tặng, cho quyền sử dụng đất ở, đất trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó”; quy định về quỹ đất cũng như quỹ phát triển đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS …

Tuy nhiên, để có nguồn quỹ đất, đảm bảo tính khả thi cũng như đảm bảo đồng nhất với chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, dự thảo Luật Đất đai cần hoàn chỉnh hơn đối với một số nội dung về chính sách đất đai cho đồng bào DTTS như sau:

Thứ nhất, tại điểm d khoản 2 Điều 66 quy định “Xác định diện tích và khoanh vùng các khu vực đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh theo quy định tại điểm b, d và đ khoản Điều 65 Luật này; trong đó xác định chỉ tiêu các loại đất bảo đảm chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào DTTS”, đối chiếu với điểm b khoản 2 Điều 65 dự thảo thì việc xác định chỉ tiêu các loại đất chưa thấy rõ loại đất nông nghiệp thuộc chính sách đất đai cho đồng bào DTTS. Do đó, cần làm rõ nội dung này.

Thứ hai, tại khoản 1 Điều 48, cần nghiên cứu xây dựng sửa đổi việc trường hợp người sử dụng diện tích đất theo khoản 3 Điều 16 (cá nhân là người DTTS được giao đất theo chính sách) chuyển khỏi địa bàn cấp xã, huyện nơi có đất đến nơi khác sinh sống thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật cho người có đất bị thu hồi. Không nên quy định chỉ trong trường hợp chuyển khỏi địa bàn cấp tỉnh như trong dự thảo để tránh trường hợp lãng phí đất bỏ không trong khi người cần thì không có và nguồn đất đối với các địa bàn miền núi rất hiếm. Tuy nhiên cũng cần có quy định các điều kiện cụ thể có liên quan nhằm đảm bảo quyền về đất ở.

Thứ ba, tại khoản 2 Điều 48 cần làm rõ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi diện tích đất nông nghiệp do không có nhu cầu sử dụng đất thì được có bồi thường hoa màu trên đất; đồng thời có quy định cụ thể về thời hạn không sử dụng đất nông nghiệp (không sử dụng thường xuyên) thì bị thu hồi để giao cho người có nhu cầu.

Thứ tư, tại khoản 4 Điều 48, không nên quy định “cứng” việc cá nhân là người DTTS được giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật này chỉ được thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng chính sách xã hội, để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, cần có các quy định về điều kiện đối với các ngân hàng khi thực hiện thế chấp nhằm đảm bảo Quỹ đất do Nhà nước quản lý.

Thứ năm, tại Điều 182 dự thảo quy định: Các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông trường, lâm trường có trách nhiệm rà soát hiện trạng sử dụng đất vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất; diện tích đất đang sử dụng đúng mục đích; diện tích đất sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất không sử dụng; diện tích đất đang giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, bị lấn, bị chiếm và đang có tranh chấp; lập phương án sử dụng đất đối với phần diện tích giữ lại quản lý, sử dụng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; bàn giao phần diện tích không sử dụng về cho địa phương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, sai phạm liên quan đến đất lâm trường chuyển đổi thành đất ở rất lớn; việc tranh chấp đất đai, lấn chiếm trái phép trong sử dụng đất có nguồn gốc nông trường, lâm trường đang diễn ra khi có sự buông lỏng trong quản lý, vi phạm trong sử dụng, nhưng sự phối hợp giữa các công ty với chính quyền địa phương trong xử lý chưa kịp thời dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài gây mất trật tự.

Việc quy định các công ty nông, lâm nghiệp tự rà soát quỹ đất liệu có đảm bảo tính khách quan trong thực thi, việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất (có thể chỉ trên sổ sách và đề xuất chủ quan) dẫn đến tính hiệu quả việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân có đảm bảo hay không? Cơ chế nào thu hồi quỹ đất nông lâm trường hiện đang sử dụng sai mục đích? Thủ tục thu hồi thế nào khi hiện giá đất đã cao hơn rất nhiều so với giá quy định của Nhà nước thời kỳ trước…Chế tài cũng cần được đặt ra trong trường hợp không có sự phối hợp của các công ty nông, lâm nghiệp khi có yêu cầu từ phía chính quyền địa phương về giải quyết các vấn đề sai phạm từ quản lý và sử dụng đất. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý, sử dụng nguồn gốc đất từ nông, lâm trường còn có Ban quản lý rừng, Tổng đội thanh niên xung phong do đó cần nghiên cứu quy định các chủ thể này thực hiện rà soát lại quỹ đất.

Thứ sáu, cần có quy định cụ thể về việc thu hồi đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường đối với các chủ thể hoạt động kém hiệu quả, cụ thể hóa hơn vai trò của các cơ quan trong việc quy hoạch, phân bổ đất quản lý nhà nước với nguồn gốc quỹ đất từ nông lâm trường. Cần có quy định xử lý đối với các trường hợp đất rừng chưa có quyết định giao đất nhưng được thể hiện giao quản lý (không có đo đạc, diện tích cụ thể…) đối với các Ban quản lý rừng để giải quyết dứt điểm các tồn đọng, tạo nguồn quỹ đất cho đồng bào DTTS.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số luật có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS theo hướng bổ sung các quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn như: chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt không có chức năng phòng hộ sang đất rừng sản xuất; việc xử lý các khoáng sản khi người dân cải tạo vườn, đất ở hoặc tận thu các khoáng sản tự nhiên (không phải mỏ) để làm nền nhà, đường nội bản…;về điều kiện, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi; bổ sung các quy định, cơ chế ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư đối với các cá nhân và cộng đồng DTTS theo hướng đền bù xứng đáng; có trách nhiệm đào tạo nghề, chuyển nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập sau tái định cư... cho người dân có đất ở và đất sản xuất bị thu hồi; quy định nhằm khắc phục những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra rất mạnh, đặc biệt là ở những vùng đất nông nghiệp có chất lượng tốt với diện tích rộng lớn để bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS.

Việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS có ý nghĩa rất lớn, không chỉ giải quyết nhu cầu cấp bách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, mà còn có ý nghĩa đối với việc thi hành phù hợp hơn và hiệu quả hơn chính sách, pháp luật đất đai hướng tới phát triển bền vững./.