Đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo

Năm 2020, từ định hướng của Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã, ông Lữ Văn Hùng, ở bản Bua, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ ngân hàng mua 2 con bò và 3 con lợn chăn nuôi. Dần dần, gia đình ông tích luỹ vốn, mở rộng quy mô vật nuôi, kết hợp làm dịch vụ buôn bán gạo; cuối năm 2022, gia đình thoát khỏi diện nghèo.

quyet-liet-doi-moi-cong-tac-chi-dao-giam-ngheo-ben-vung-o-nghe-an.jpg
Huy động sức dân, xây dựng hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu

Cũng thoát khỏi diện nghèo ở bản Bua, ông Lô Văn Sơn cho biết, tư duy các thành viên trong gia đình có sự thay đổi: “Muốn có cuộc sống đầy đủ hơn, ăn ngon, mặc đẹp thì phải lao động, chứ không ngồi nhàn rỗi, trông chờ, ỷ lại”. Vì vậy, ngoài chăn nuôi, làm ruộng, gia đình ông Lô Văn Sơn đã cho con đi học nghề cơ khí, nay có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, bình quân đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

Gia đình ông Lữ Văn Hùng và Lô Văn Sơn là hai trong số hàng chục hộ thoát nghèo ở xã Châu Tiến trong hơn 2 năm qua. Đồng chí Trần Văn Hùng – Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Bước vào nhiệm kỳ 2020 – 2025, xã Châu Tiến tập trung xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm 2021, do thay đổi tiêu chí đánh giá theo chuẩn nghèo đa chiều, nên hộ nghèo ở địa phương tăng lên hơn 25%; do đó, cấp uỷ đặt ra quyết tâm đổi mới công tác chỉ đạo giảm nghèo. Từ tư tưởng, tâm lý “trông chờ, ỷ lại”, cộng với kiến thức làm kinh tế của nhiều hộ nghèo hạn chế, cho nên, mỗi thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã, ngoài vai trò chỉ đạo ở bản được phân công thì phải trực tiếp sâu sát từng hộ nghèo, hiểu rõ hoàn cảnh, nhu cầu để có tác động chính xác, bởi mỗi hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu riêng; đồng thời bám nắm, kết nối hỗ trợ nguồn vốn, đặc biệt là kiến thức, kỹ thuật sản xuất, tránh mất vốn, mô hình “chết yểu”, nghèo lại nghèo thêm.

Cách hỗ trợ người nghèo ở xã Châu Tiến, bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn vay thông qua ngân hàng và kết hợp nguồn xã hội hoá để xây dựng mô hình sinh kế; hỗ trợ làm nhà ở; đào tạo nghề, giải quyết việc làm thì đối với hộ người cao tuổi không còn sức lao động, địa phương đẩy mạnh việc truyền nghề mây tre đan, dệt thổ cẩm, đồng thời khai thác khả năng văn nghệ từ các cụ để phục vụ làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến. Bằng các giải pháp đó, tính riêng trong vòng hơn 1 năm lại đây, xã Châu Tiến đã giảm 33 hộ nghèo, giảm gần 3% hộ nghèo/năm.

quyet-liet-doi-moi-cong-tac-chi-dao-giam-ngheo-ben-vung-o-nghe-an--n1.jpg
Huyện Tương Dương tăng cường đào tạo nghề, tạo các sản phẩm hàng hoá truyền thống, cải thiện thu nhập cho người dân

Huyện Quỳ Châu là một trong 4 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Xác định rõ, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện, Huyện uỷ Quỳ Châu đã ban hành Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 – 2025. Từ đề án của Huyện uỷ, các cấp uỷ xã, thị trấn đều xây dựng kế hoạch thực hiện sát tình hình thực tiễn địa phương để tập trung chỉ đạo. Phát huy vai trò của các phòng, ban cấp huyện, tăng cường chỉ đạo triển khai và giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo đúng đối tượng, đủ chính sách. Theo chia sẻ của đồng chí Hoàng Thị Oanh - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quỳ Châu, hoạt động này đã tác động đến nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong công tác giảm nghèo; đồng thời củng cố, nâng cao hơn nữa niềm tin từ người dân vào cấp uỷ, chính quyền địa phương trong định hướng, tuyên truyền về giảm nghèo, từ đó nâng cao ý chí vươn lên thoát nghèo.

Ngoài đầu tư hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho hộ nghèo; phát triển các mô hình kinh tế để lan toả; huyện Quỳ Châu còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Riêng xuất khẩu lao động, trong 2 năm 2021, 2022 đã có 277 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tỷ lệ hộ nghèo từ 42,04% (năm 2021), xuống còn 37% (năm 2022), giảm 5,04%, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX yêu cầu giảm 2-3%/năm đối với vùng miền núi.

Chú trọng yếu tố bền vững trong giảm nghèo

Ở huyện nghèo 30a Kỳ Sơn, công tác giảm nghèo cũng được cả hệ thống chính trị trăn trở đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực. Chỉ tính năm 2022, huyện đã giảm 5%, từ 59,36% (thời điểm đầu), xuống 54,36% (thời điểm cuối năm); dự kiến đến cuối năm 2023 này sẽ còn 49,8%.

quyet-liet-doi-moi-cong-tac-chi-dao-giam-ngheo-ben-vung-o-nghe-an--n2.jpg
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn tìm hiểu việc chỉ đạo triển khai mô hình khai hoang ruộng bậc thang ở Xã Mỹ Lý

Song song với tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Kỳ Sơn, đồng chí Lỳ Bá Thái cho biết: Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền huyện là chú trọng yếu tố bền vững trong giảm nghèo. Bởi thế, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Kỳ Sơn tập trung triển khai một số mô hình, mũi trọng tâm thúc đẩy giảm nghèo, phát triển kinh tế. Huyện tiếp tục duy trì hoạt động chợ biên giới, tạo điều kiện cho người dân 2 bên biên giới giao lưu, trao đổi hàng hoá, từ đó nâng cao nhận thức, thúc đẩy sản xuất hàng hoá trong đồng bào. Huyện cũng tích cực vận động gắn với hỗ trợ người dân phát triển các điểm du lịch cộng đồng, điểm picnic tại nhiều xã, như Na Ngoi, Mường Lống, Mỹ Lý, Huồi Tụ, Tây Sơn… Đầu năm 2023, huyện đã tổ chức hội chợ việc làm, tạo cơ hội cho nhiều lao động ở địa phương vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tham gia xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững. Kỳ Sơn cũng quyết liệt chỉ đạo xây dựng “Xã biên giới sạch về ma tuý” tại 21 xã, thị trấn, trong đó có 9 xã đã cơ bản được công nhận sạch về ma tuý, góp phần ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội, yên dân, yên địa bàn; góp phần giảm nghèo bền vững.

quyet-liet-doi-moi-cong-tac-chi-dao-giam-ngheo-ben-vung-o-nghe-an--n3.jpg
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn giúp dân xã Bảo Nam làm nhà ở

Cùng với sự hỗ trợ kinh phí của Bộ Công an và Công an tỉnh để làm 1.386 căn nhà cho hộ nghèo, Huyện uỷ Kỳ Sơn cũng tổ chức cuộc vận động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng vào cuộc hỗ trợ kinh phí làm nền, móng nhà (có 139 cơ quan, đơn vị và 111 cá nhân ủng hộ gần 2,6 tỷ đồng); từng cán bộ huyện đến xã trực tiếp đến từng hộ dân giúp đỡ ngày công tháo dỡ, làm nhà, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn từng gia đình làm các mô hình sinh kế sau khi có nhà ở ổn định. Huyện đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế có lợi thế, như nuôi bò vỗ béo, gà đen, trồng gừng, làm rau màu hàng hoá…; gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP (hiện tại đã có 10 sản phẩm). Đối với từng hộ nghèo, Kỳ Sơn thay đổi cách tiếp cận; thay vì tập trung hỗ trợ mô hình sinh kế về con giống chăn nuôi, nay việc hỗ trợ được triển khai phù hợp với từng điều kiện của từng gia đình; trong đó tập trung hỗ trợ làm nhà, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ các mô hình sinh kế bền vững.

Quan tâm giải quyết khó khăn.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra chỉ tiêu, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mỗi năm khoảng 1-1,5%, trong đó vùng miền núi 2-3%. Kết quả giảm nghèo bình quân chung trong cả tỉnh năm 2022 đạt chỉ tiêu với tỷ lệ giảm 1,39%; trong đó vùng miền núi giảm 2,45% và riêng 4 huyện nghèo giảm 4,94%; tuy nhiên theo phản ánh của nhiều địa phương, hiện số hộ nghèo ở các huyện đồng bằng chủ yếu gặp hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, như tàn tật, neo đơn không nơi nương tựa hoặc già cả không có sức lao động, cho nên khó đạt chỉ tiêu giảm 1-1,5% hộ nghèo/năm.

quyet-liet-doi-moi-cong-tac-chi-dao-giam-ngheo-ben-vung-o-nghe-an--n4.jpg
Thông qua hoạt động hỗ trợ từ hệ thống chính trị, nhiều hộ gia đình ở bản Phà Nọi (xã Đoọc Mạy), huyện Kỳ Sơn phát triển đàn gà, cải thiện được mức sống

Đối với 4 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đang còn cao, ảnh hưởng đến kết quả giảm nghèo và tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung cả tỉnh nếu không có giải pháp quyết liệt hơn. Trong khi đó kết quả giải ngân nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ thấp. Ví dụ như, tính đến hết năm 2022, kết quả giải ngân dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo mới chỉ đạt 1,48%; hay hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ giải ngân đạt 1,46%; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, đạt tỷ lệ giải ngân vốn 4,62%... Đây là những vấn đề tiếp tục trăn trở, cần đề ra các giải pháp để công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả và thật sự bền vững.