Bài viết này xin tham gia một số ý kiến vào dự thảo Luật ban hành văn bản pháp luật mà Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 9 sẽ xem xét, thông qua.
Thứ nhất, về quy định tại Điều 1: “Luật này không quy định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp”:
Điều 120 Hiến pháp 2013 đã đưa ra cơ chế về sửa đổi Hiến pháp. Từ khi mà nước ta giành được độc lập năm 1945 đến nay đã qua 5 lần sửa đổi Hiến pháp, đấy là lần năm 1959, năm 1980, năm 1992, 2001 và 2013. Tuy nhiên trình tự, thủ tục sửa đổi qua mỗi lần sửa đổi Hiến pháp là không giống nhau và được quyết định khi có chủ trương sửa đổi Hiến pháp. Như chúng ta đã biết, Hiến pháp cũng là một trong những văn bản qui phạm pháp luật và trong hệ thống pháp luật thì Hiến pháp được xác định là đạo luật gốc, là luật cơ bản. Do vậy việc sửa đổi Hiến pháp có một ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với hệ thống pháp luật mà tác động rất lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, để thế chế hoá quy định tại Điều 120 của Hiến pháp, đề nghị trong dự thảo nên xem xét, cân nhắc bổ sung quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình trình tự và thủ tục xây dựng và sửa đổi Hiến pháp.
Thứ hai, về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (điều 3):
Theo dự thảo Luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có 19 loại với 16 cơ quan có thẩm quyền ban hành. Mặc dù có giảm hơn so với hiện hành nhưng vẫn còn phức tạp, rườm rà. Do vậy, cần phải tiếp tục đơn giản hoá hệ thống pháp luật. Theo tôi, nên bỏ hình thức Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH hoặc Chính phủ với UBMTTQVN vì UBMTTQVN là tổ chức chính trị - xã hội, không phải là cơ quan quản lý Nhà nước; bỏ hình thức Thông tư của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nếu bỏ hình thức Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để đảm bảo tính tương đồng. Đề nghị bỏ hình thức văn bản QPPL của chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt vì hiện nay Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt chưa được ban hành nên tổ chức, thẩm quyền của đơn vị này chưa rõ, vì thế việc giao cho đơn vị này được ban hành văn bản là không cơ sơ sở pháp lý. Đối với Nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND cấp huyện được ban hành chỉ “để quy định những vấn đề được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội” là không phù hợp vì trong Luật, nghị quyết của Quốc hội từ trước đến nay rất ít khi giao thẩm quyền cụ thể hóa cho HĐND, UBND cấp huyện. Do đó, đề nghị bỏ luôn 2 hình thức này. HĐND, UBND cấp huyện, xã khi triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và cấp tỉnh hoặc thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn thì ban hành các văn bản áp dụng pháp luật hoặc văn bản hành chính.
Thứ ba, về xây dựng và ban hành Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh:
Về thẩm quyền xem xét, quyết định đề nghị xây dựng Nghị quyết (điều 101 và điều 107), theo tôi nên giao cho HĐND quyết định bởi vì quy định hiện hành vẫn giao HĐND cấp tỉnh là cơ quan quyết định chương trình xây dựng Nghị quyết và thực tế cũng không có khó khăn, vướng mắc gì. Về đề nghị xây dựng Nghị quyết, nên bổ sung chủ thể được quyền đề nghị xây dựng Nghị quyết là Thường trực HĐND, Tổ đại biểu, Đại biểu HĐND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các tổ chức thành viên của MTTQ cho phù hợp hơn.
Về quy trình đề nghị xây dựng Nghị quyết được quy định tại Điều 102 đến 106, đề nghị không đưa Trưởng Ban của HĐND vào Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật của tỉnh vì các Ban không phải là cơ quan tham mưu của UBND tỉnh. Mặt khác, cần giới hạn phạm vi thẩm định của Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật chỉ là đề nghị xây dựng Nghị quyết do các cơ quan chuyên môn UBND tỉnh đề nghị, còn đối với đề nghị do Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, MTTQ, TAND, VKSND tỉnh thì Hội đồng này không thực hiện thẩm định mà chỉ có ý kiến (như quy trình đối với đề nghị xây dựng Luật, pháp lệnh tại điều 39) thì mới đảm bảo quyền đề xuất ban hành chính sách của các chủ thể không phải là cơ quan của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, dự thảo cần bổ sung quy định về thẩm tra đề nghị xây dựng Nghị quyết của Ban HĐND tỉnh trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua (nên giao cho Ban Pháp chế chủ trì, phối hợp với các Ban HĐND tỉnh thực hiện việc thẩm tra – tương tự như thẩm tra đối với đề nghị xây dựng Luật, pháp lệnh tại điều 41).
Thứ tư, về lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của văn bản (Điều 110): Việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của văn bản có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đảm bảo pháp luật phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động ban hành văn bản pháp luật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của văn bản đang rất hạn chế và lúng túng do quy định còn chung chung, chưa rõ. Do đó, đề nghị dự thảo cần bổ sung làm rõ: thế nào là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản? loại văn bản nào phải lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp? cách thức lấy ý kiến? trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của đối tượng chịu sự tác động….
Thứ năm, về thẩm tra dự thảo Nghị quyết của HĐND Tỉnh (Điều 114):
Để nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra, đề nghị sửa thời gian từ “mười lăm ngày” thành “hai mươi ngày” (giống như thời gian thẩm định) để các Ban của HĐND có thời gian thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin hoặc tham vấn ý kiến nhân dân vào dự thảo Nghị quyết, nhất là những cơ chế, chính sách quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng lớn. Về nội dung thẩm tra, đề nghị bổ sung thêm: Đối tượng, phạm vi điều chỉnh; Điều kiện đảm bảo về nguồn nhân lực, tài chính, vấn đề môi trường. Mặt khác, cần bổ sung thêm quy định báo cáo thẩm tra phải đưa ra ý kiến về việc dự thảo đủ hay không đủ điều kiện trình ra HĐND để Thường trực HĐND xem xét, quyết định.
Thứ sáu, về trình tự xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh (Điều 116):
Đề nghị tách khoản c thành 2 khoản “c. Hđnd thảo luận dự thảo Nghị quyết; d. HĐND biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết” vì đây là 2 quy trình khác nhau. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm quy định về trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo đối với những vấn đề mà đại biểu HĐND thảo luận, cho ý kiến; trách nhiệm rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản trước khi HĐND biểu quyết và trước khi ký chứng thực (hiện nay do chưa có quy định này nên có khó khăn, vướng mắc trong thực hiện).
Thứ bảy, về Tờ trình dự thảo văn bản QPPL:
Trong hồ sơ gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành xem xét ban hành văn bản QPPL từ Quốc hội đến HĐND, UBND cấp huyện đều có Tờ trình. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay Tờ trình thực hiện chưa thống nhất, có Tờ trình chỉ là sao chép lại dự thảo, có Tờ trình giống như Công văn…Do đó, đề nghị bổ sung thêm 1 điều quy định về nội dung Tờ trình để đảm bảo sự thống nhất và thuận lợi cho cơ quan soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ trình dự thảo văn bản QPPL.
Thái An Chung