Tham gia ý kiến thảo luận tại Tổ 3, đại biểu Trần Đức Thuận cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Đại biểu cho rằng, đây là Nghị quyết thí điểm, có cơ sở chính trị, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, đặc biệt nhằm giải quyết các vấn đề bất cập trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Trần Đức Thuận cũng cho rằng, tài sản là vật chứng, tài sản thu giữ để bảo đảm cho thi hành án, đặc biệt giải quyết các hậu quả cho người bị hại. Do đó, Nghị quyết này rất nhân văn, nhất là khi chúng ta chưa có cơ sở để xử lý những vướng mắc, bất cập của Bộ luật Tố tụng hình sự thì đây là Nghị quyết để xử lý kịp thời.
Đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đại biểu nhấn mạnh: Quốc hội ban hành Nghị quyết liên quan đến nhiều nội dung của Bộ luật Tố tụng hình sự, do đó đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định của pháp luật liên quan để tránh chồng chéo, vướng mắc. Trong trường hợp có chồng chéo, vướng mắc thì nên theo Nghị quyết này trong vấn đề xử lý vật chứng, tài sản liên quan đến các vụ án hình sự.
Đồng tình với cơ quan thẩm tra, đại biểu nêu rõ, dự thảo Nghị quyết bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật; hồ sơ dự thảo Nghị quyết bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này…
Đồng tình với phạm vi thí điểm chỉ tập trung vào những vấn đề nổi cộm, vào các tội phạm kinh tế, tham nhũng, tuy nhiên về phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị nên quy định rõ, rạch ròi hơn vấn đề xử lý vật chứng như thế nào? Tài sản là vật chứng thì xử lý ra sao? Tài sản kê biên như thế nào để dễ dàng thực hiện hơn?
Đối với việc xử lý vật chứng là tài sản (tiền), đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng, những tài sản có ý nghĩa lưu thông trong phát triển kinh tế - xã hội thì không để lãng phí, do đó đề nghị Cơ quan soạn thảo cần có tiêu chí rõ hơn để tạo thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng đã tập trung thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu… Cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật thuộc Dự án Luật, tuy nhiên, các ý kiến cho rằng: Báo cáo đánh giá tác động còn nhận định chung chung, thiếu số liệu minh chứng thể hiện sự cấp bách và vướng mắc trên thực tiễn, do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung làm rõ; đồng thời, cần rà soát, chỉnh lý các dự thảo luật để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; tránh một nội dung quy định tại nhiều luật dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật; đơn giản hoá trình tự, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch…