Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 chương, 103 Điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

pct-hai-3.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Theo Luật, ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công bao gồm: quốc phòng; an ninh và trật tự, an toàn xã hội; giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; khoa học, công nghệ; y tế, dân số và gia đình; văn hóa, thông tin; phát thanh, truyền hình, thông tấn; thể dục, thể thao; bảo vệ môi trường; các hoạt động kinh tế; hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm xã hội; ngành, lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Luật quy định, dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí sau đây: 1. Sử dụng vốn đầu tư công từ 30.000 tỷ đồng trở lên. 2. Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: nhà máy điện hạt nhân; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên. 3. Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên. 4. Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác. 5. Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

bieu-quyet-thong-qua-luat-dau-tu-cong-sua-doi.jpg
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Ảnh: Hồ Long

Luật cũng quy định 5 nguyên tắc quản lý đầu tư công là: tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công; quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.

Luật nghiêm cấm quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

doan-quang-tri.jpg
Các đại biểu bấm nút biểu quyết. Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh đó, nghiêm cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; đưa, nhận, môi giới hối lộ; làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án; sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật...

Đối với trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo phân cấp tại Luật quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.

Thụy Vũ