Nhiều khó khăn, bất cập

Tuyến y tế cơ sở xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Không thể phủ nhận vai trò vô cùng quan trọng của trạm y tế, đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát với phương châm “4 tại chỗ” (dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ), y tế cơ sở đã được kích hoạt và phát huy rất tốt hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Văn Thương – Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Các trạm y tế được coi là Bộ Y tế thu nhỏ, nghĩa là Bộ triển khai chương trình gì thì ở trạm triển khai thực hiện nhiệm vụ đó; từ khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân đến truyền thông phòng chống các dịch bệnh, dân số - kế hoạch hoá gia đình; tuyên truyền và tổ chức tiêm chủng mở rộng; quản lý, theo dõi các bệnh nhân tăng huyết áp, tâm thần, đái tháo đường, lao… và các bệnh truyền nhiễm.

0acd2396b90964573d18.jpg
Đoàn đai biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở tại thị xã Cửa Lò

Đối với địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc, địa hình, địa bàn cách trở; kiến thức và nhận thức của người dân về chăm sóc sức khoẻ còn hạn chế; kể cả điều kiện kinh tế khó khăn của người dân chưa thể tiếp cận được các dịch vụ y tế cao hơn ở tuyến trên thì y tế cơ sở vô cùng cần thiết. Đồng chí Lô Thống Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương chia sẻ: Ở Tương Dương, có những xã cách cơ sở y tế huyện hàng trăm ki lô mét, như xã Nhôn Mai cách 145 km, hay xã Mai Sơn cách 120 km và xã Hữu Khuông đi bằng đường bộ hơn 200 km, đi bằng đường thuỷ hơn 80 km, cho nên sức khoẻ của người dân chỉ dựa vào các trạm y tế xã. Đây cũng là “hạt nhân”, lực lượng quan trọng tại chỗ, đảm bảo tính kịp thời, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đội ngũ y tế xã còn là “chỗ dựa” về chuyên môn của đội ngũ y tế thôn bản triển khai các nhiệm vụ hiệu quả hơn.

8cdc9f4905d6d88881c7.jpg
Nhân viên Trạm y tế phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh hướng dẫn người dân khai báo y tế

Dù có vị trí, vai trò quan trọng, tuy nhiên hiện nay, tuyến y tế cấp xã đang đặt ra nhiều bất cập, khó khăn liên quan về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, về đội ngũ, về cơ chế chính sách…; ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân. Theo số liệu từ Sở Y tế Nghệ An, toàn tỉnh có 460 trạm y tế xã, phường, thị trấn và tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ công tác cơ hữu chỉ chiếm 78,1%; nếu tính cả bác sĩ được điều động tăng cường luân phiên từ tuyến huyện về, cộng với hợp đồng bác sĩ nghỉ hưu đạt 91,9%. Việc thiếu bác sĩ ở tuyến xã không chỉ ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc mà ngay ở vùng đồng bằng như xã Tân Sơn (huyện Đô Lương), mặc dù thu hút, nhưng chưa tuyển dụng được mà đang hợp đồng bác sĩ nghỉ hưu.

Bên cạnh số lượng, vấn đề chất lượng, năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ có những hạn chế nhất định, cộng với hạn chế về trang thiết bị, dẫn đến nhiều trạm y tế chưa thực hiện hết danh mục kỹ thuật theo quy định. Cụ thể, toàn tỉnh có 78% số trạm y tế xã thực hiện được từ 50-70% danh mục kỹ thuật theo quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 18/10/2017 quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở. Mặt khác về chế độ chính sách, nhất là thu nhập, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ chưa thật sự tạo điều kiện để phát huy hết khả năng và tiềm năng. Bởi thế, y tế cấp xã hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân. Dù có ưu thế gần dân, chi phí khám chữa bệnh thấp, nhưng do chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh hạn chế, người dân đến với trạm y tế để chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tư vấn về sức khoẻ chiếm tỷ lệ thấp. Điều này dẫn đến người dân tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khoẻ; các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện.

Hướng đi nào cho tuyến y tế cơ sở?

Để giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay ở y tế xã, nhiều ý kiến chúng tôi ghi được từ cơ sở đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xem xét nâng định mức số lượng người việc tổi thiểu tại trạm y tế và điều chỉnh số lượng người làm việc tối thiểu tại trạm y tế xã theo quy mô dân số; sớm ban hành sửa đổi, áp dụng hệ thống thang, bảng lương và các chính sách đãi ngộ, thu hút nhằm khuyến khích cán bộ y tế về làm việc tại tuyến cơ sở; nâng mức phụ cấp trực đối với cán bộ trạm y tế, hiện nay đang quá thấp chỉ có 25 nghìn đồng/kíp trực.

fc82073c9ca341fd18b2.jpg
Nhân viên y tế phường Nghi Hoà, thị xã Cửa Lò tiêm phòng cho trẻ em

Bên cạnh nhân lực thì nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng cần được đảm bảo. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế - Nguyễn Văn Thương, Thông tư số 28/2020/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 31/12/2020 đã quy định rất rõ danh mục trang thiết bị tối thiểu của trạm y tế xã và mốc thời gian phải có đủ các trang thiết bị tối thiểu là trước ngày 01/01/2022, tuy nhiên hiện nay, các trạm chưa có nguồn để đảm bảo. Bởi vậy đề nghị UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh tăng định mức chi cho y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, gắn với tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, từ đó nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ của Nhân dân.

Liên quan đến về đề này, đồng chí Doãn Tiến Dũng – Phó Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho rằng, tuyến y tế xã lâu nay mới chỉ chú trọng khâu khám, chữa bệnh mà chưa thật sự quan tâm nhiều đến y tế dự phòng. Để phát huy tốt vai trò, vị trí y tế cơ sở, bên cạnh khám và chữa các bệnh thông thường, hướng phát triển của tuyến y tế cơ sở cần tập trung mảng y tế dự phòng thông qua truyền thông, tư vấn các kiến thức về dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khoẻ, lấy phòng hơn chữa bệnh; gắn với thực hiện các dịch vụ y tế tại gia đình như tiêm, lấy máu, xoa bóp, bấm huyệt, thay băng…; phối hợp các cơ sở y tế để khám sức khoẻ định kỳ cho người dân để chủ động phát hiện bệnh từ xa, từ sớm, đồng thời xây dựng biểu đồ quản lý bệnh tật, sức khoẻ đến từng người dân.

Ngoài các ý kiến nêu trên, ngày 25/19/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1893/QĐ-TTg về Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp với y dược hiện đại đến năm 2023, đã đặt ra yêu cầu có 95% trạm y tế xã đến năm 2025 và có 100% trạm y tế xã đến năm 2030 triển khai hoạt động tư vấn sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền. Đây cũng là hướng tập trung của tuyến y tế xã, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.