Ngày 26/8/2022, tại buổi giám sát và làm việc với UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh nhiều nội dung để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh trong thời gian tới, trong đó có nội dung quan tâm chỉ đạo việc chi trả chế độ phụ cấp phòng chống dịch.

bnatoan-canh-6033--n1.jpg
Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh với UBND tỉnh về công tác khám chữa bệnh

Chế độ phụ cấp phòng chống dịch áp dụng đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch được quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, những người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; những người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc Covid-19, nghi mắc Covid-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SASR-CoV-2 tại cơ sở y tế; người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc Covid-19 sẽ được hưởng phụ cấp mức 300.000 đồng/người/ngày.

Còn những người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường tại cơ sở y tế để phục vụ cho phòng xét nghiệm SASR-CoV-2 sẽ được hưởng phụ cấp chống dịch mức 200.000 đồng/người/ngày.

Mức 150.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú); Người làm nhiệm vụ cưỡng chế cách ly y tế, truy tìm đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không chấp hành biện pháp cách ly y tế; Người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly; lái xe đưa cán bộ đi kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch; Người làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại tổ, chốt, đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới; làm thủ tục cho người nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển; Người làm nhiệm vụ khoanh vùng, phong tỏa, tuần tra, kiểm soát và đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực cách ly y tế tập trung, chốt kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn dân cư có người nhiễm Covid-19… Ngoài ra, còn quy định chế độ phụ cấp thấp hơn cho các lực lượng khác.

image_6483441-3.jpg
Nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19

Việc thực hiện chế độ phụ cấp phòng chống dịch được thực hiện theo nguyên tắc nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm. Ngân sách cấp trên hỗ trợ ngân sách cấp dưới theo quy định và theo khả năng cân đối. Về cơ chế tài chính, ngân sách trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách như Nghệ An (cho 3 cấp ngân sách). Căn cứ đề nghị của UBND tỉnh, Bộ Tài chính thực hiện bổ sung một phần kinh phí (tối đa 70% mức ngân sách trung ương hỗ trợ) cho địa phương thực hiện và bổ sung thêm sau khi có báo cáo kết quả chi ngân sách cho công tác phòng chống dịch.

Ngày 29/8/2022, Sở Tài chính đã có văn bản số 3324/STC-NST báo cáo Đoàn ĐBQH tỉnh kết quả chi trả chế độ phụ cấp phòng chống dịch. Theo đó, thực hiện các văn bản của Trung ương và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Y tế trình UBND tỉnh giải quyết kinh phí cho 5/5 đơn vị cơ sở y tế tuyến tỉnh (Bệnh viện Ung bướu; Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu; Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu; Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi; Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc) với tổng số tiền: 1,7 tỷ đồng.

Đối với tuyến huyện, Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh bố trí tạm cấp kinh phí theo cơ chế quy định với tổng số tiền 10,6 tỷ đồng (gồm: Thành phố Vinh: 6,8 tỷ đồng, Cửa lò: 1,8 tỷ đồng, Nam đàn: 1,7 tỷ đồng, Con Cuông 0,3 tỷ đồng) nhằm tháo gỡ khó khăn ngân sách cho các địa phương chi trả cho các lực lượng y tế.

Hiện nay, riêng thành phố Vinh đang còn cân đối số kinh phí còn thiếu thuộc trách nhiệm của ngân sách thành phố phải đảm bảo để thực hiện theo phân cấp quy định tại Hướng dẫn số 3176/STC-NST ngày 20/8/2021 của Sở Tài chính về hướng dẫn một số nội dung chế độ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, số tiền 10 tỷ đồng (tổng nhu cầu 16,8 tỷ; tỉnh tạm cấp 6,8 tỷ, thành phố cân đối 10 tỷ đồng), các huyện và thị xã còn lại đã cấp kinh phí cho đơn vị cấp dưới để thực hiện theo quy định.

Thực tế cho thấy các địa phương phải triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm cộng đồng diện rộng; tổ chức cách ly y tế tập trung; huy động các lực lượng tham gia phòng chống dịch tại các khu cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm; tiêm phòng vắc xin Covid-19... và huy động nhiều lực lượng tham gia phòng chống dịch. Điều đó gây áp lực rất lớn lên ngân sách các địa phương, nhất là những nơi tình hình dịch diễn biến phức tạp và trên diện rộng như thành phố Vinh.

Chính vì vậy, các địa phương cần quan tâm, đưa ra giải pháp bố trí ngân sách và chỉ đạo việc chi trả để sớm giải quyết chế độ phụ cấp nhằm ghi nhận những đóng góp của các lực lượng trong công tác phòng chống dịch./.

Thảo Nguyên