Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến 31/7/2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 696 cơ sở khám chữa bệnh với nhiều hình thức tổ chức khác nhau bao gồm: 15 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; 35 phòng khám đa khoa; 646 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế, đưa tỉnh ta trở thành địa phương có số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nhiều thứ 3 cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội). Là một tỉnh diện tích rộng, dân số đông nhưng nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho y tế công lập còn hạn hẹp thì sự phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn đã góp phần không nhỏ vào việc giảm tải bệnh nhân ở các tuyến, đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, điều trị cho Nhân dân. Tuy nhiên, việc quản lý các cơ sở y tế tư nhân đang đối mặt với không ít khó khăn.

Đoàn giám sát Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát thực tế cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có tại Bệnh viện đa khoa Phủ Diễn

Nhiều sai phạm được phát hiện và xử phạt

Thời gian qua, mặc dù Sở Y tế, các ngành chức năng, các địa phương đã tăng cường thanh tra, kiểm tra nhưng những sai phạm tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn tồn tại.

Theo Sở Y tế tỉnh Nghệ An, từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/7/2023, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan (Công an tỉnh Nghệ An) thành lập 26 đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất tại 182 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập. Qua đó đã phát hiện và xử lý 28 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hành vi vi phạm với số tiền xử phạt 654.000.000 đồng, buộc phòng khám tháo gỡ quảng cáo nội dung khám bệnh, chữa bệnh trên  facebook đối với 02 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có thời hạn đối với 5 phòng khám; đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 05 cơ sở; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với 3 người.

Cơ quan chức năng kiểm tra và đình chỉ hoạt động cơ sở có vi phạm

Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Niêm yết không đầy đủ phạm vi hành nghề và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; biển hiệu không có đủ các thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật; lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn; người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn; không niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề;... Cá biệt còn tồn tại tình trạng hoạt động khi chưa được cấp giấy phép (theo báo cáo, có 28 cơ sở hoạt động không có giấy phép).

Là huyện có mạng lưới cơ sở y tế tư nhân phát triển mạnh (toàn huyện có 39 cơ sở y tế tư nhân), trong thời gian qua, huyện Quỳnh Lưu đã tăng cường công tác quản lý bằng các hoạt động kiểm tra, xử phạt. Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã kiểm tra 41 cơ sở y, dược, thẩm mỹ và xử phạt đối với 05 cơ sở hành nghề dược với số tiền 15,5 triệu đồng, buộc dừng hoạt động và tháo gỡ biển bảng đối với 01 cơ sở hành nghề y. Trên địa bàn huyện có 5 cơ sở không phép hoạt động. Theo đồng chí Nguyễn Văn Thưởng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, công tác quản lý các cơ sở y tế tư nhân gặp nhiều khó khăn do số lượng cơ sở nhiều, hầu hết có quy mô nhỏ, nhân lực quản lý nhà nước mỏng, thiếu chuyên môn, trong khi đó các cơ sở có nhiều hình thức, chiêu trò để tránh phát hiện, xử lý,…

Khó khăn trong công tác quản lý

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Y tế, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 28 cơ sở y tư nhân hoạt động không phép. Đó là những cơ sở được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế, rà soát của các địa phương, còn trong thực tế còn nhiều cơ sở y tư nhân hoạt động không phép chưa được phát hiện.

Từ thực tế cho thấy, hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân hiện đang phát triển nhanh về số lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu việt, sự tăng nhanh về số lượng đã gây ra không ít khó khăn nhất định cho cơ quan chức năng về mặt quản lý Nhà nước: Số lượng cơ sở hành nghề khám chữa bệnh nhiều, rải khắp trên địa bàn tỉnh, mặc dù Thanh tra Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên theo định kỳ và đột xuất nhưng vẫn không thực hiện kiểm tra được hết các cơ sở hành nghề trên địa bàn toàn tỉnh; một bộ phận cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập coi trọng lợi nhuận, không tuân thủ đầy đủ các quy định, có biểu hiện đối phó, đóng cửa khi biết Đoàn đang đi kiểm tra.

Các cơ sở không có giấy phép còn lại hoạt động quy mô nhỏ lẻ tại gia đình không có bảng biển, khó khăn cho việc phát hiện và xử lý. Trong khi đó nhân lực, đội ngũ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực y tế còn ít nên gặp nhiều khó khăn; phòng Y tế các huyện hầu hết chỉ có 02 cán bộ làm việc với nhiều đầu việc nên gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; UBND cấp huyện, cấp xã tại một số địa phương chưa quyết liệt kiểm tra, xử phạt, giám sát, quản lý dẫn đến còn nhiều cơ sở hành nghề y không phép trên địa bàn; công tác rà soát, báo cáo về cơ sở không phép còn chưa được quan tâm đúng mức nên số liệu chưa thực sự chính xác.

Đồng chí Trần Nguyên Truyền-Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết những khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân

Đồng chí Trần Nguyên Truyền - Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết mặc dù UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1491/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 quy định trách nhiệm của UBND các địa phương trong công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân, tuy nhiên, một số địa phương triển khai chưa quyết liệt, chưa thực hiện hết chức năng nhiệm vụ theo phân cấp được giao. Đối với tình trạng nhiều cơ sở hoạt động không phép, nguyên nhân là do công tác kiểm tra, chấn chỉnh ngay từ đầu cơ sở mới đi vào hoạt động và công tác tuyên truyền chưa tốt; việc phối hợp giữa huyện, xã và các ngành chưa chặt chẽ; việc kiểm tra, xử lý chưa nghiêm…

Trước những khó khăn đặt ra trong công tác quản lý các cơ sở y tế tư nhân, trong thời gian tới ngành Y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật, các chính sách của Nhà nước và của Tỉnh cho các tổ chức, cá nhân hành nghề trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân, trong đó tập trung kiểm tra các cơ sở tiềm ẩn yếu tố nguy cơ, rủi ro, như: Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám răng hàm mặt, phòng xét nghiệm;… thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở y tư nhân có vi phạm pháp luật về y tế, tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt để Nhân dân biết nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tái phạm. Bên cạnh đó UBND các địa phương cần nâng cao vai trò và trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế nói chung và quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập nói riêng./.